Số trẻ em này có nguy cơ cao phải đối mặt với những vấn đề về tâm thần nghiêm trọng do điều kiện sống, học tập tạm bợ, cùng với tâm lý mệt mỏi và chán nản kéo dài.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã gọi đây là một thế hệ “bị lãng quên”, trong bối cảnh dòng người nhập cư chạy trốn nghèo đói và chiến tranh tại những nước Trung Đông và Bắc Phi vẫn không ngừng đổ vào châu Âu, trong khi những nước tiếp nhận lại chưa sẵn sàng.
Những đứa trẻ tị nạn phải trải qua những năm tháng rất khó khăn xứ người. (Nguồn: Reuters) |
Giống như hầu hết những người Syria khác sống tại các trại tị nạn ở miền Bắc Hy Lạp, chị Monie Sabsabi đặt chân tới quốc gia cửa ngõ châu Âu này trước khi thỏa thuận Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ được ký hồi tháng 3/2016.
Chiến tranh ở trong nước đã buộc chị phải rời bỏ thành phố quê hương Aleppo, từng là một trong những trung tâm kinh tế của Syria nhưng đã bị chiến tranh tàn phá. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm chờ đợi, chị và con trai vẫn chưa thể rời Hy Lạp để tiếp tục hành trình tới “miền đất hứa”. Đối với chị, tương lai của con trai thực sự là điều xa vời.
“Cuộc sống tại các trại tị nạn là rất khó khăn, đặc biệt là bọn trẻ. Không biết cuộc sống của chúng rồi sẽ ra sao, việc học tập của chúng tại đây cũng rất hạn chế. Tương lai của chúng gần như là đã đóng lại và tôi cảm giác như mọi thứ đều bị bế tắc”, chị Sabsabi nói.
Theo UNICEF, trong dòng người nhập cư vẫn còn mắc kẹt tại Hy Lạp, Serbia hay Bulgaria, rất nhiều người là những bà mẹ đơn thân và trẻ em, những người vẫn chưa thể gặp lại chồng, gặp lại cha hay họ hàng của mình sau nhiều tháng trời và thậm chí là nhiều năm xa cách.
Sự chờ đợi mòn mỏi và không chắc chắn đã làm nảy sinh những căng thẳng về tinh thần, có thể gây ra những ảnh hưởng về lâu dài. Hiện hầu hết những người bị mắc kẹt đều không biết rõ liệu họ có thể tiếp tục hành trình vào những nước châu Âu giầu có hay cuộc sống của họ sẽ dừng lại ở các trại tị nạn. Nếu có họ cũng sẽ phải chờ đợi rất lâu, có thể là 10 tháng và thậm chí là 2 năm.
Bà Sarah Crowe, một nhà hoạt động của UNICEF cho biết: “Tình hình rất đáng lo ngại. Đặc biệt tại Hy Lạp hay những nước Balkan chúng tôi ước tính có gần 25.000 trẻ em tị nạn và những trẻ em này có nguy cơ cao mắc các vấn đề về tâm sinh lý do phải chờ đợi quá lâu, trong khi điều kiện sống, chăm sóc và học tập không đảm bảo”.
Quyết định đóng cửa biên giới hồi năm ngoái của một loạt nước châu Âu và thỏa thuận Liên minh châu Âu - Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thể giúp Liên minh châu Âu hạn chế dòng người nhập cư, trong khi lại gia tăng áp lực đối với những nước quá cảnh như Hy Lạp, Italy hay các nước Balkan. Chính phủ những nước này cũng nhiều lần thừa nhận không thể đảm bảo cuộc sống cho tất cả những người tị nạn đang chờ đợi hồ sơ xin tị nạn vào những nước châu Âu giàu có khác.
Cùng với các đối tác tại Hy Lạp, UNICEF đang theo dõi sức khỏe tâm thần của các bà mẹ và trẻ em tị nạn. Gia đình đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển tâm thần ở trẻ em và đó cũng là lý do tại sao việc đoàn viên đối với trẻ tị nạn là rất quan trọng. Tuy nhiên, với việc áp lực nhập cư không hề giảm, các quốc gia thành viên phải đương đầu với những thách thức không hề nhỏ về mặt xã hội, kinh tế và chính trị.
Ước tính năm 2016, tại Hy Lạp, có khoảng 5.000 yêu cầu đoàn viên, trong đó 700 là trẻ em không có người đi cùng hay bị thất lạc gia đình tại Hy Lạp. Tính đến cuối năm ngoái mới chỉ có hơn 1 nghìn trường hợp trong số này được đoàn tụ gia đình.
Trong khi đó, số người tị nạn và nhập cư bị mắc kẹt ở Hy Lạp, Hungary và các nước Balkan ở phía Tây tiếp tục tăng, khoảng 60% trong gần 1 năm qua từ 47.000 người trong tháng 3/2016 lên gần 80.000 người vào cuối tháng 4 vừa qua. Theo Phó Giám đốc điều hành UNICEF Justin Forsyth: “Mỗi đứa trẻ tị nạn chính là một lời nhắc nhở về những thách thức to lớn mà thế giới phải đối mặt, và do đó, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa trong việc hỗ trợ những đứa trẻ di cư và tị nạn, vì chúng xứng đáng nhận được sự giúp đỡ”.