Nga khẳng định sẵn sàng hợp tác về an ninh - quốc phòng với Mali. (Nguồn: AFP) |
Ngày 16/8, hội đàm với ông Sadio Camara, Bộ trưởng Quốc phòng và Các vấn đề Cựu chiến binh Mali bên lề Hội nghị Moscow lần thứ 10 về An ninh quốc tế, Thứ trưởng Quốc phòng Nga, Thượng tướng Alexander Fomin, cho biết, Bộ Quốc phòng nước này sẵn sàng phát triển quan hệ với quân đội Mali, giúp tăng cường khả năng phòng thủ của quốc gia châu Phi và nâng cao hiệu quả của cuộc đấu tranh chống các nhóm vũ trang bất hợp pháp.
Thứ trưởng Fomin nói: “Chúng tôi sẵn sàng bằng mọi cách có thể hỗ trợ phát triển quan hệ giữa các nước trong lĩnh vực quốc phòng. Chúng tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa sự đóng góp của cá nhân các bạn.
Dĩ nhiên, chúng tôi chắc chắn rằng sự hợp tác của chúng ta sẽ làm tăng khả năng phòng vệ của các lực lượng vũ trang đất nước các bạn và vì vậy tăng sự hiệu quả trong cuộc chiến chống lại các nhóm vũ trang bất hợp pháp”.
Hai bên đã thảo luận chi tiết về các dự án hợp tác quốc phòng hiện có, cũng như an ninh khu vực ở Tây Phi. Ông Fomin lưu ý tầm quan trọng của hợp tác Nga-Mali và khẳng định Bộ Quốc phòng Nga sẵn sàng tiếp tục đối thoại mang tính xây dựng.
Về phần mình, ông Camara cảm ơn Thứ trưởng Fomin đã hỗ trợ trang bị cho các lực lượng vũ trang quốc gia của Mali.
Trong khi đó, tài liệu quân sự Đức ngày 16/8 cho biết, nước này phát hiện hàng chục nhân viên an ninh được cho là của Nga tại sân bay Gao, miền Bắc Mali khi những binh sĩ Pháp cuối cùng rút khỏi đây.
Trong bức thư gửi các Ủy ban Quốc phòng và Đối ngoại Quốc hội Đức, Bộ Chỉ huy các chiến dịch quân sự hỗn hợp của Đức cho biết, ngày 15/8, các binh sĩ Liên hợp quốc từ Đức và Anh đã phát hiện 2 máy bay tại sân bay GAO, gồm 1 chiếc Embraer 314 Super Tucano và 1 chiếc L-39 Albatros.
Mới tuần trước, Nga bàn giao máy bay tấn công mặt đất L-39 cho lực lượng Mali và 2 giờ sau, khoảng 20 đến 30 nhân viên mặc quân phục không phải lực lượng Mali đã được nhìn thấy bốc dỡ thiết bị từ 1 máy vận tải Mali.
Bức thư đánh giá những người này gần như chắc chắn thuộc lực lượng an ninh Nga. Có thể là chiếc L-39 vẫn do lực lượng Nga vận hành khi lực lượng an ninh Mali chưa thể đảm đương nhiệm vụ.
Bức thư cũng nhận định hiện vẫn chưa rõ vai trò của lực lượng Nga ở Gao. Tuy nhiên, hoạt động của Đức cho đến nay không bị ảnh hưởng.
“Với việc triển khai các lực lượng Nga và việc Nga cung cấp các vũ khí giá trị cao (máy bay tấn công mặt đất), lực lượng Mali đang tiếp tục mở rộng địa bàn hoạt động với sự hỗ trợ của Nga ở phía Đông Bắc”, bức thư có đoạn.
Việc Berlin tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Mali đôi khi gây tranh cãi ở Đức khi quốc gia Tây Phi này tăng cường các mối quan hệ từ thời Xô Viết với Nga.
Tuần trước, Đức đã đình chỉ sứ mệnh do thám quân sự với khoảng 1.000 quân (chủ yếu được triển khai ở Gao) sau khi giới chức địa phương một lần nữa từ chối việc cấp phép bay.
Các tay súng thuộc lực lượng Wagner, công ty quân sự tư nhân có liên hệ với Điện Kremlin, đã hỗ trợ quân đội Mali trong cuộc chiến chống lại quân nổi dậy Hồi giáo từ cuối năm ngoái.
Hiện Mali đang phải nỗ lực chống lại cuộc nổi dậy của lực lượng Hồi giáo bắt nguồn từ cuộc nổi dậy năm 2012 và từ đó lan sang các nước láng giềng, vốn đã khiến làm hàng nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa trên khắp khu vực Sahel ở Tây Phi.
| Sau các quyết định nhằm vào Phái bộ gìn giữ hòa bình, Mali nói không 'tuyên chiến' với LHQ Ngoại trưởng Mali Abdoulaye Diop nói rằng, nước này không "đối đầu" với Liên hợp quốc (LHQ), giữa lúc mối quan hệ LHQ và chính ... |
| Đập Đại Phục Hưng: Ai Cập-Somalia cùng cảnh báo 'sự nguy hiểm của các chính sách đơn phương' Ngày 25/7, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi và người đồng cấp Somalia Hassan Sheikh Mahmoud đang ở thăm Cairo đã có cuộc họp báo ... |