📞

Tình hình Myanmar: Bước thụt lùi về kinh tế và rủi ro được báo trước

Minh Anh 14:15 | 10/02/2021
TGVN. Nền kinh tế non trẻ Myanmar vốn đang chịu sức ép khủng hoảng do tác động của đại dịch Covid-19, tiếp tục bị giáng thêm đòn mạnh bởi một cuộc đảo chính quân sự. Giới phân tích cảnh báo, mọi thứ đã thay đổi và "suy thoái đầy đau đớn" có thể khiến các khoản đầu tư kinh doanh trị giá nhiều tỷ USD "đội nón ra đi".
Tình hình Myanmar: Gặp rủi ro, kinh tế bước thụt lùi? (Nguồn: AP)

Mọi thứ đã thay đổi

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đổ xô đến Myanmar khi nước này bắt đầu quá trình chuyển đổi dân chủ cách đây một thập kỷ. Nhưng sau chính biến ngày 1/2, tình hình chính trị tại Myanmar lại nóng hầm hập, có khả năng đẩy nhanh xu hướng "rút lui" tránh rủi ro của các nhà đầu tư phương Tây.

Quay lại năm 2011, các cải cách dân chủ và tự do hóa kinh tế ở đất nước hơn 50 triệu dân đã tạo nên sức hút đặc biệt, tiềm năng dồi dào chưa từng được khai phá của Myanmar khiến giới đầu tư quốc tế đứng ngồi không yên. Mảnh đất mới mẻ, vô cùng nhiều tiềm năng đã nhanh chóng hút các dòng tiền vào các dự án viễn thông, cơ sở hạ tầng, sản xuất và xây dựng...

Đã 10 năm kể từ khi nền kinh tế Myanmar mở bung cửa ra thế giới, ngay khi Mỹ bắt đầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đầu tiên (2015), cũng là lúc làn sóng đầu tư ồ ạt đổ vào Myanmar - hàng xóm Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan.

Thống kê của WB cho thấy, nền kinh tế Myanmar đã tăng trưởng khoảng 7%/năm từ năm 2011 đến 2017. Không chỉ các nhà đầu tư lớn từ Singapore, Trung Quốc và Hong Kong, các doanh nghiệp Mỹ cũng đã đầu tư khoảng 326,5 triệu USD vào Myanmar kể từ năm 2016, với các thương hiệu đình đám như Coca-Cola, Mastercard, Ford Motor Co. và General Electric...

Tuy nhiên, tiếng vang không còn vang xa, vị thế quốc tế phần nào bị giảm sút sau cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya, năm 2017, khiến các nhà đầu tư phương Tây bắt đầu e dè. Giới phân tích nhận định, việc quân đội một lần nữa chiếm quyền điều hành quốc gia đã khiến "mọi thứ thay đổi", "nỗi sợ hãi bao trùm", "suy thoái có thể sẽ rất đau đớn" và "sợi dây cuối cùng" níu kéo các doanh nghiệp phương Tây đã đứt.

Trên thực tế, kinh tế Myanmar đã bắt đầu cải thiện kể từ khi bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo đất nước. Theo đánh giá của Bloomberg, trong thời gian lãnh đạo Myanmar, bà Suu Kyi đã cố gắng tận dụng sự nhiệt tình của các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn vào Myanmar sau nhiều thập kỷ bị cô lập. Việc Mỹ và EU dỡ bỏ lệnh trừng phạt như một cú hích thúc đẩy giới chủ ngân hàng và nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Myanmar.

Tuy nhiên, những cải cách kinh tế được cho là vẫn chưa đủ nhanh để tận dụng hết thời cơ. Trong năm đầu tiên Myanmar trở lại với thế giới, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã thu về kỷ lục 9,4 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này chỉ còn 5,5 tỷ USD, ghi nhận vào ngày 30/9/2020, khi Covid-19 tấn công nền kinh tế toàn cầu.

Trong chiến dịch tranh cử mới đây, bà Suu Kyi từng nhắc đến thành tựu kinh tế, rằng Myanmar đã đạt tới 98% mục tiêu FDI cho năm 2020, bất chấp đại dịch. Tuy nhiên, điều này đã bị phe đối lập phủ nhận. Bởi dấu ấn đậm nét nhất là Trung Quốc - đối tác thương mại quan trọng nhất của Myanmar, với giá trị thương mại đạt 12,8 tỷ USD (năm 2019), cao gần gấp đôi so với đối tác thương mại tiếp theo là Thái Lan.

Trong ba đặc khu kinh tế của đất nước, mới chỉ có Thilawa là thu hút được vốn đầu tư nước ngoài. 121 công ty từ 21 quốc gia đã được chấp thuận đầu tư vào Myanmar trong các lĩnh vực sản xuất, cơ sở hạ tầng, dịch vụ và hậu cần. Tuy nhiên, xu thế mở rộng đã sớm bị cản trở bởi đại dịch Covid-19.

Trong một Báo cáo mới đây, Ngân hàng châu Á (ADB) đưa ra nhận định, “Dù cơ hội khổng lồ, nhưng đất nước này đang phải đối mặt với những thách thức khó khăn trong hầu hết tất cả các khía cạnh của chính sách kinh tế và xã hội. Myanmar chưa thành công để tạo bước đi vững chắc cho nền kinh tế phát triển. Nền kinh tế Myanmar còn rất mong manh."

Nghèo đói có thể quay trở lại?

Trước đại dịch Covid-19, nền kinh tế Myanmar vốn phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp, dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, ngành công nghiệp may mặc và du lịch. Theo tờ Antaranews, cuộc chính biến diễn ra vào đúng thời điểm không thể khó khăn hơn, nền kinh tế đang chịu sức ép khủng hoảng từ đại dịch Covid-19.

Theo báo cáo Myanmar Economic Monitor, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, tăng trưởng kinh tế Myanmar chỉ đạt 1,7% vào năm 2020, giảm mạnh so với mức 6,8% của năm 2019. Đại dịch Covid-19 và các biện pháp đóng cửa đã tác động mạnh đến tiêu dùng và đầu tư, đồng thời làm gián đoạn các hoạt động kinh doanh, lao động và sản xuất.

Thật đáng buồn, đại dịch đã khiến tỷ lệ nghèo đói của Myanmar ngày càng gia tăng. Theo dự báo của WB, tỷ lệ nghèo sẽ tăng từ 22,4% trong giai đoạn 2018-2019 lên 27% trong giai đoạn 2020-2021. Làn sóng Covid-19 đầu tiên đã buộc nhiều hộ gia đình nghèo phải nỗ lực để chống chọi với các cú sốc, bao gồm cả việc giảm tiêu thụ thực phẩm hàng ngày. Trên thực tế, nhiều người Myanmar gặp khó khăn trong việc trả nợ.

Nỗi thống khổ của người dân vẫn chưa thể chấm dứt do làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai trở lại, buộc Chính phủ phải tiếp tục hạn chế các hoạt động. WB ước tính, làn sóng Covid-19 thứ hai có tác động tiêu cực lớn hơn đợt thứ nhất, đã khiến nhiều hộ gia đình có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói hơn.

Gần một nửa số doanh nghiệp ở Yangon phải tạm thời đóng cửa. 35% số công ty cho biết, họ sẽ chỉ tồn tại được ba tháng. Các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mặc dù một số doanh nghiệp đã giảm thiểu tác động của việc hạn chế đi lại bằng cách tận dụng các cơ hội thương mại điện tử. Xem xét các điều kiện này, WB dự đoán, tăng trưởng kinh tế Myanmar sẽ vẫn ở mức 2% vào năm 2021.

Sự không chắc chắn vẫn bao trùm nền kinh tế Đông Nam Á khi Covid-19 tiếp tục lây lan như một đại dịch cả ở từ cấp địa phương đến toàn cầu. Nếu không có sự phân phối rộng rãi vaccine, một làn sóng lây lan thứ ba có thể dẫn đến những hạn chế kéo dài và có khả năng nghiêm trọng hơn. Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới phụ trách Myanmar, Campuchia và Lào Mariam Sherman cho biết, Myanmar cần nhanh chóng hành động để đối phó với đại dịch Covid-19 nhằm khôi phục nền kinh tế và giảm tỷ lệ đói nghèo.

Thông tin mới nhất là Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern vừa tuyên bố đình chỉ tất cả các quan hệ với Myanmar. "Phát súng đầu tiên này" khiến người ta lo ngại Mỹ sẽ ra tay áp đặt các biện pháp trừng phạt, có thể gây tổn hại cho nền kinh tế Myanmar. Người ta cũng lo ngại, các lệnh trừng phạt rộng rãi của Mỹ sẽ "phá hủy" ngành công nghiệp may mặc của Myanmar. Hoặc nếu Mỹ cắt Myanmar khỏi các cơ hội kinh doanh, thì nước này sẽ "đón nhận" các cơ hội hợp tác từ Trung Quốc nhiệt tình hơn.