📞

Tình hình Niger: EU trừng phạt những người đảo chính, Italy cảnh báo thảm họa khủng hoảng di cư

Thu Nhi 06:54 | 01/09/2023
Những quan chức thực hiện đảo chính ở Niger hiện là ‘đích ngắm’ của các đòn trừng phạt từ Liên minh châu Âu (EU)
Người dân và một số sĩ quan tụ tập một tháng kể từ cuộc đảo chính, để ủng hộ những người lính đảo chính và yêu cầu đại sứ Pháp rời đi, tại thủ đô Niamey, Niger, ngày 26/8. (Nguồn: Reuters)

Ngoại trưởng các nước thuộc EU ngày 31/8 nhất trí đưa ra cơ chế pháp lý cho việc thực hiện trừng phạt nhằm vào những quan chức thực hiện vụ đảo chính ở Niger.

Tuy nhiên, EU vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc liệu họ có ủng hộ hành động quân sự bởi một lực lượng của khu vực nhằm khôi phục lại chính phủ bị lật đổ tại Niger hay không.

Chia sẻ với báo chí quốc tế sau cuộc họp ở thành phố Toledo của Tây Ban Nha, đại diện cấp cao của EU – ông Josep Borrell cho biết các biện pháp trừng phạt sẽ tiếp nối những biện pháp được áp dụng bởi Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) và sẽ bao gồm các miễn trừ nhân đạo. Ông khẳng định: “Chúng tôi không muốn các lệnh trừng phạt trở thành một hình phạt bổ sung đối với quốc gia nghèo thứ hai thế giới”.

Cũng theo ông Borrell, EU sẽ nghiên cứu kỹ bất cứ đề xuất nào của ECOWAS, dù trước đó có thông tin cho rằng khối này đã liên hệ với Brussels về khả năng cung cấp hỗ trợ tài chính cho một lực lượng duy trì ổn định tại Niger.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani cảnh báo bất cứ giải pháp quân sự nào nhằm vào nhóm thực hiện đảo chính ở Niger cũng sẽ thành “thảm họa”, dẫn tới khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng người di cư. Ông nói: “Chúng tôi cần thảo luận liên tục cho giải pháp ngoại giao”.

Cuối tháng 7 vừa qua, một nhóm sĩ quan thuộc Lực lượng cận vệ của Tổng thống Niger đã tiến hành đảo chính lật đổ ông Bazoum. Lực lượng đảo chính đã thành lập Hội đồng quốc gia bảo vệ tổ quốc, đứng đầu là Tướng Abdurahmane Tchiani, để điều hành đất nước.

Sau cuộc đảo chính, ECOWAS đã áp đặt trừng phạt Niger và đang xem xét các phương án nhằm "khôi phục trật tự hiến pháp" ở nước này, bao gồm cả khả năng can thiệp quân sự, song vẫn cam kết tìm giải pháp ngoại giao.

(theo Reuters)