Lính biên phòng Israel dùng lá chắn chống bạo động khi đụng độ với thanh niên Palestine trong cuộc biểu tình ở thành phố Hebron, Bờ Tây. (Nguồn: Getty) |
Thông báo của IJC cho biết sẽ lên danh sách các quốc gia và tổ chức có thể nộp kiến nghị bằng văn bản, song không nói rõ thời hạn của tiến trình này.
Các lần ra tuyên bố tham vấn trước đây của IJC cũng kèm theo lịch các phiên giải trình nhưng việc lên lịch ít nhất cũng phải mất vài tháng.
IJC là tòa án cấp cao nhất của LHQ có thẩm quyền xét xử tranh chấp của các quốc gia thành viên. Phán quyết của IJC mang tính ràng buộc mặc dù tòa án này không có bộ máy để thi hành.
Tháng trước, Đại hội đồng LHQ đã yêu cầu IJC nêu ý kiến về các hậu quả pháp lý của việc Israel “chiếm đóng, xây dựng khu định cư và sáp nhập lãnh thổ (của Palestine)… trong đó bao gồm các biện pháp nhằm thay đổi kết cấu dân cư, tính chất và quy chế của thành phố Jerusalem, cũng như việc áp dụng các biện pháp và quy định mang tính phân biệt đối xử”.
Phía Palestine hoan nghênh động thái này, trong khi Israel phản đối.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày 20/1, đài truyền hình KAN đưa tin, các bộ An ninh Quốc gia và Tư pháp của Israel đang nghiên cứu ban hành một dự luật mới nhằm hạn chế biểu tình đông người, giữa lúc các cuộc biểu tình phản đối cải cách tư pháp đang tăng mạnh tại quốc gia này.
Sẽ có nhiều quy định mới được ban hành, ví dụ các cuộc biểu tình có trên 100 người tham gia phải được cảnh sát cấp phép; một người sẽ bị tước quyền biểu tình nếu có nguy cơ “làm xáo trộn sự yên bình”; cảnh sát sẽ giải tán biểu tình nếu có một người gây rối trật tự; người nào không thực hiện yêu cầu rời khỏi cuộc biểu tình có thể bị phạt từ 1.500-5.000 NIS (450-1.500 USD).
Sau khi chính phủ cánh hữu được thành tại Israel đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình của các giới. Có cuộc biểu tình thu hút tới 80.000 người tham gia, điều hiếm thấy tại quốc gia Trung Đông này trong nhiều năm qua.