Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa) và các nhà lãnh đạo gồm: Thủ tướng Litva Ingrida Simonyte (thứ 2 từ trái sang), Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo (thứ 3 từ trái sang), Tổng thống Hungary Katalin Novak (từ 3 từ phải sang) và Thủ tướng Ba Lan Mateus (thứ 2 từ phải sang) tại hội nghị công bố sáng kiến ngũ cốc từ Ukraine ở Kiev, ngày 26/11. (Nguồn: BELGA/DPA) |
Phát biểu họp báo bế mạc hội nghị, ông Zelensky nói: "Tổng cộng, theo sáng kiến ngũ cốc từ Ukraine, chúng tôi dự định phái ít nhất 60 tàu từ các cảng của mình, ít nhất 10 tàu mỗi tháng, đến các quốc gia đang đối mặt với nạn đói và hạn hán cho đến cuối mùa Xuân tới.
Trong số các nước có Ethiopia, Sudan, Nam Sudan, Yemen, Somalia, Congo, Kenya và Nigeria. Hiện tại, chúng tôi đang kiểm tiền, tính đến hôm nay, chúng tôi đã nhận được hơn 150 triệu USD tại cuộc họp khởi động đầu tiên”.
Theo Tổng thống Zelensky, hơn 20 quốc gia đã tham gia sáng kiến của Kiev, một số tham dự cuộc họp qua liên kết video.
Trước đó, nhà lãnh đạo này đã đưa ra ý tưởng ngũ cốc từ Ukraine trong bài phát biểu trực tuyến trong Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Các quốc gia ủng hộ sáng kiến này sẽ mua sản phẩm nông nghiệp trực tiếp từ các nhà sản xuất Ukraine và sau đó chuyển cho các quốc gia đang trên bờ vực nạn đói.
Liên quan tình hình Ukraine, tờ New York Times của Mỹ ngày 26/11 cho biết, 2/3 các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã hoàn toàn cạn kiệt dự trữ vũ khí mà họ có thể chuyển giao trong khuôn khổ hỗ trợ Kiev.
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine lớn hơn tất cả các cuộc xung đột khu vực diễn ra trong những năm gần đây.
Trong bối cảnh kho dự trữ vũ khí của 2/3 thành viên thuộc khối NATO đã thực sự cạn kiệt, 10 nước còn lại có thể tăng khối lượng cung cấp. Cụ thể, trong số những nước này có Mỹ, Pháp, Đức và Italy.
Ngoài ra, để bù đắp lượng đạn dược mà lực lượng vũ trang Ukraine sử dụng hằng ngày, NATO có thể sắp xếp việc sản xuất đạn pháo cỡ 122 mm và 152 mm ở Đông Âu.