Lễ ký kết về việc Ukraine chính thức gia nhập Cơ chế Bảo vệ Dân sự của EU ngày 20/4. (Nguồn: Twitter) |
Tài liệu được ký giữa Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine Ihor Klymenko và Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách Quản lý khủng hoảng Janez Lenarčič, dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng phụ trách Hội nhập châu Âu và châu Âu-Đại Tây Dương Olha Stefanishyna.
Cơ chế bảo vệ dân sự của EU là hệ thống lớn nhất thế giới cung cấp hỗ trợ khẩn cấp có phối hợp quốc tế, bao gồm nhiều nguồn lực và hình thức hỗ trợ từ 28 nước thành viên và một số nước ứng cử viên gia nhập EU. Việc tham gia Cơ chế bảo vệ dân sự của EU sẽ cho phép Ukraine tận dụng tất cả các công cụ và chương trình của khối này để phát triển hệ thống bảo vệ dân sự quốc gia và thu hút sự hỗ trợ quốc tế.
Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, Ukraine đã nhận được hơn 70.000 tấn hàng viện trợ từ các nước EU theo Cơ chế này, từ thực phẩm đến thiết bị rà phá bom mìn và các thiết bị đặc biệt. Mùa Thu năm 2022, Ukraine đã nhận được lộ trình để chính thức trở thành một phần của Cơ chế. Tài liệu này vạch ra những bước cụ thể mà Kiev phải thực hiện trước khi trở thành thành viên đầy đủ của hệ thống.
Ngoài ra, tại hội nghị thượng đỉnh lần này, hơn 10 thỏa thuận đã được ký giữa các thành phố kết nghĩa. Bên cạnh đó là các biên bản ghi nhớ về hợp tác và hiểu biết, tuyên bố về ý định và kế hoạch hợp tác đã được ký giữa một số tổ chức từ Hà Lan,Lithuania, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Pháp và Mỹ.
* Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm, với nội dung thảo luận về Trung Quốc, Ukraine và châu Âu. Điện Elysee cho biết ông Macron đã thông báo vắn tắt cho ông Biden “những kết quả đạt được” trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi đầu tháng Tư. Thông cáo viết: “Trung Quốc đóng vai trò góp phần, trong trung hạn, chấm dứt cuộc xung đột (ở Ukraine) theo những những nguyên tắc và tôn chỉ của Hiến chương Liên hợp quốc… Hai vị nguyên thủ quốc gia đã nhất trí về tầm quan trọng của nỗ lực tiếp tục can dự với nhà chức trách Trung Quốc trên cơ sở này”.
Ông Macron nêu bật “tầm quan trọng của quá trình tiếp tục tự tái vũ trang của châu Âu nhằm gánh vác trách nhiệm chia sẻ gánh nặng an ninh xuyên Đại Tây Dương… Hai Tổng thống chia sẻ mong muốn chung về việc tiếp tục củng cố hợp tác và ủng hộ luật pháp quốc tế, trong đó có tự do hàng hải, ở toàn bộ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
* Cũng trong ngày 20/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. Thông cáo của Nhà Trắng nêu rõ: “Hôm nay, Tổng thống Joe Biden đã điện đàm với Chủ tịch EC Ursula von der Leyen. Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan. Tổng thống Biden và Chủ tịch von der Leyen cũng nhắc lại cam kết của Mỹ và EU về bảo đảm rằng Ukraine có được sự hỗ trợ kinh tế và an ninh cần thiết, cũng như tiếp tục hợp tác chặt chẽ để buộc Điện Kremlin trả giá cho hành động của mình.”.
Liên quan tới Trung Quốc, hai bên đã thảo luận về chuyến đi gần đây của bà von der Leyen tới Bắc Kinh và cam kết chung của hai bên về duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, nhân quyền và thực tiễn thương mại công bằng. Ngoài ra, ông Biden và ba von der Leyen đã đề cập đến các nỗ lực chung đang được triển khai nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế sử dụng năng lượng sạch.