📞

Tinh thần 5 ‘tự’ và sứ mệnh của thông tin đối ngoại (Kỳ cuối): Phục vụ hội nhập

Vân Hằng 16:00 | 06/10/2024
Thông tin đối ngoại đa dạng về lực lượng, các ngành, các cấp, các địa phương đều tham gia nhưng về mặt lý luận thì phải có chủ công, và đối ngoại, ngoại giao là một trong những lực lượng tiên phong đã được nêu trong Kết luận 57.
Đoàn công tác Ban Chỉ đạo công tác Thông tin Đối ngoại do PGS.TS Lê Hải Bình, khi đó là Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo, dẫn đầu làm việc với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Ai Cập Salah Adly Abdelhafiz, trong chuyến thăm và làm việc tại Qatar, Ai Cập và Tanzania, tháng 11/2023.

PGS.TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh, khi chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng thì có nhiều điều kiện hơn để đóng góp xứng đáng vào nền chính trị quốc tế, nền kinh tế thế giới và văn minh nhân loại. Công tác thông tin đối ngoại cũng mang trong mình sứ mệnh lớn lao đó trong công cuộc hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của đất nước, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Ông đánh giá thế nào về tầm mức của Việt Nam qua “thang đo” thông tin truyền thông?

Khi công tác ở Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao, đơn vị có nhiệm vụ quản lý phóng viên nước ngoài, tôi nhận thấy phóng viên nước ngoài rất tự hào khi được phân công làm việc ở Việt Nam, họ rất phấn khởi, thích thú. Tôi nghĩ càng ngày sẽ càng có nhiều phóng viên nước ngoài yêu mến Việt Nam hơn nữa.

Tiếp xúc với cán bộ ngoại giao của các cơ quan đại diện nước ngoài tại Hà Nội, tôi cũng có cảm nhận tương tự. Thậm chí một số cán bộ ngoại giao còn nói họ phải “tranh nhau” để đăng ký nhiệm kỳ công tác ở Việt Nam.

Tôi muốn kể những câu chuyện đó để nhấn mạnh rằng: Đó là Việt Nam của chúng ta, Việt Nam đang có một vị thế nhất định, tương đối cao trên bình diện thông tin truyền thông. Phóng viên nước ngoài hay hãng truyền thông nước ngoài nào ở Việt Nam từ năm ngoái đến năm nay chắc chắn sẽ hãnh diện với phóng viên các nước khác rằng họ có cơ hội tác nghiệp đưa tin về các đoàn Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam.

Nhìn chung, chúng ta có thể khẳng định rằng, về bình diện thông tin truyền thông, Việt Nam đang ở tầm mức cao. Mỗi động thái đối ngoại của Việt Nam, của lãnh đạo cấp cao Việt Nam, kể cả các sự kiện đối nội đều nhận được sự quan tâm của dư luận quốc tế.

Như vậy, Việt Nam có được điều kiện hấp dẫn thông tin rất thuận lợi, nhờ vào quá trình lâu dài nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân trong hàng thập kỷ qua, dựa trên nền tảng là những thắng lợi vĩ đại của dân tộc từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Do đó, chúng ta cần tối ưu hóa các thuận lợi, phát huy hơn nữa vị thế Việt Nam trên bình diện thông tin truyền thông đang ở tầm mức cao.

Đây là công tác cần được ưu tiên ở bất kỳ cơ quan đại diện nào. Các cơ quan đại diện là lực lượng “tiên phong của tiên phong” trong công tác thông tin đối ngoại.

Theo ông, đâu là những lực lượng tiên phong trong công tác thông tin đối ngoại và sứ mệnh của họ là gì?

Năm ngoái, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 57-KL/TW về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới, trong đó có nhiều quan điểm bắt kịp với xu thế thời đại. Lâu nay chúng ta vẫn cho rằng tổ chức thực hiện là khâu yếu, tuy nhiên, với những điều mắt thấy tai nghe, tôi khẳng định rằng việc tổ chức thực hiện, thể chế hóa của Kết luận số 57 tương đối nhanh và hiệu quả.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại đã tổ chức Hội nghị quán triệt Kết luận ở tầm mức toàn quốc và kết nối với các cơ quan đại diện. Đây là lần đầu tiên công tác quán triệt được làm ở mức độ như vậy. Bộ Ngoại giao đã triển khai nhận thức chung về công tác thông tin đối ngoại ở trong và ngoài nước rất nhanh. Việc triển khai Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đến năm 2030” rất kịp thời. Bộ Ngoại giao ban hành Kế hoạch hành động nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của Bộ giai đoạn 2024-2027, hướng tới năm 2030.

Tôi muốn nhấn mạnh tuy thông tin đối ngoại đa dạng về lực lượng, các ngành, các cấp, các địa phương đều tham gia nhưng về mặt lý luận thì phải có chủ công, và đối ngoại, ngoại giao là một trong những lực lượng tiên phong đã được nêu trong Kết luận 57.

Ông nhìn nhận như thế nào về “sứ mệnh” cụ thể hơn của các lực lượng “chủ công”?

Trong đối ngoại, ngoại giao, những “người lính” tiên phong là các cơ quan đại diện. Ở mỗi cơ quan đại diện có sự bận rộn khác nhau trên các “mặt trận” như chính trị, kinh tế, người Việt Nam ở nước ngoài; lợi thế để thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại khác nhau, do đó có các ưu tiên khác nhau nhưng điểm chung là cơ quan đại diện nào cũng có khả năng làm thông tin đối ngoại, đây là công tác cần được ưu tiên ở bất kỳ cơ quan đại diện nào. Các cơ quan đại diện là lực lượng “tiên phong của tiên phong” trong công tác thông tin đối ngoại.

Lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại, nhất là “đội quân tiên phong” cần nhận thức sâu sắc phương châm, tinh thần mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhiều lần nhắc tới là: “Tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường và tự hào dân tộc”. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh rằng khi chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng hơn thì có nhiều điều kiện hơn để đóng góp xứng đáng vào nền chính trị quốc tế, nền kinh tế thế giới và nền văn minh nhân loại. Công tác thông tin đối ngoại cũng mang trong mình sứ mệnh lớn lao đó trong công cuộc hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của đất nước, trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.