Với Ukraine, việc gia nhập EU là một chặng đường đầy gian nan không thể 'một sớm một chiều'. (Nguồn: Shutterstock) |
Một chặng đường dài
Lộ trình điển hình để gia nhập EU yêu cầu các quốc gia thành viên tương lai trước tiên phải đáp ứng các tiêu chí đã đặt ra như thiết lập nền kinh tế thị trường tự do và chấp nhận luật pháp của EU cũng như việc sử dụng đồng tiền chung của khối là đồng Euro, sau đó sẽ là các cuộc đàm phán kéo dài.
Hãng tin Bloomberg lưu ý rằng Croatia, thành viên được EU kết nạp gần đây nhất, đã mất tới 10 năm cho các thủ tục này.
Bên cạnh đó còn là yêu cầu để tất cả các quốc gia thành viên phải chấp thuận việc Ukraine gia nhập, điều có thể sẽ không xảy ra.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel trao đổi với phóng viên của Euronews rằng có “những ý kiến và sự nhạy cảm khác nhau trong EU” về tư cách thành viên của Ukraine.
EU quy định việc kết nạp thành viên mới cần có sự nhất trí của tất cả các quốc gia thành viên, và một số nước có quy định về thủ tục phê chuẩn khá phức tạp. Trang mạng zeenews.india.com cho rằng nhìn từ thực trạng hiện tại, Ukraine còn nhiều năm nữa mới đạt được tiêu chuẩn thành viên EU.
Các nhà lãnh đạo Slovakia, Slovenia và Czech kêu gọi EU tạo “lộ trình hoàn toàn mới” cho phép Ukraine nhanh chóng gia nhập EU, song có vẻ như không nhận được sự đồng thuận từ phía các lãnh đạo EU.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố ngày 26/2 rằng dù “muốn (Ukraine) gia nhập” EU song quy trình kết nạp thành viên vẫn phải diễn ra “theo thời gian”.
Việc gia nhập EU có thể giúp Ukraine ngay lập tức trên phương diện quân sự bởi các thành viên EU bị ràng buộc bởi điều khoản phòng vệ tập thể, theo đó yêu cầu các thành viên khác hỗ trợ một quốc gia trong khối nếu quốc gia đó là “nạn nhân của hành động tấn công có vũ trang trên lãnh thổ của mình”.
Việc gia nhập khối cũng sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho Ukraine và nhiều quyền lợi khác, như quyền tự do đi lại trong khối và một số đặc quyền của công dân EU.
Thậm chí chỉ đơn giản việc EU tiếp nhận và cân nhắc đơn xin gia nhập của Ukraine cũng sẽ đem đến một số lợi ích. Một số cựu lãnh đạo châu Âu từng nhấn mạnh trong bài xã luận của Hội đồng Đại Tây Dương rằng đây sẽ là “một tuyên bố chính trị táo bạo, can đảm và có ý nghĩa” và gửi một thông điệp tới Moscow.
Hội đồng châu Âu dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào ngày 10-11/3 tới, và theo lời một quan chức cấp cao của EU, rất có thể tư cách thành viên của Ukraine trong tương lai sẽ được đưa ra thảo luận tại sự kiện này.
Mục tiêu có từ lâu
Gia nhập EU là một mục tiêu có từ lâu của Ukraine. Năm 2020, Tổng thống Ukraine Zelensky nhấn mạnh với Politico rằng “người Ukraine muốn sống ở một Ukraine thuộc châu Âu”.
Quốc gia này đã có một hiệp định liên kết với EU cho phép thương mại tự do và “thúc đẩy mối quan hệ chính trị sâu sắc hơn”, song Reuters cho rằng nỗ lực gia nhập EU của Kiev bị cản trở bởi sự phản đối của Nga.
Trước đây, khối này hầu như hạn chế các cuộc thảo luận về tư cách thành viên của Ukraine “để không gây bất lợi cho Moscow”, điều giờ đây có thể không còn là vấn đề bởi EU và phương Tây đã và đang tiến hành trừng phạt Nga.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal viết trên Twitter rằng nước này “chính thức đệ trình thủ tục thành viên EU theo một quy trình đặc biệt”.
Sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Slovenia tại Berlin ngày 1/3, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết “EU luôn là ngôi nhà rộng mở” và “Ukraine là một phần của ngôi nhà châu Âu”. Tuy nhiên, bà nói thêm rằng “việc gia nhập không phải là điều có thể hoàn thành trong một vài tháng mà liên quan đến một quá trình chuyển đổi sâu rộng”.
Hãng thông tấn CTK dẫn lời Thủ tướng Czech Petr Fiala nói rằng “dù là người ủng hộ các thủ tục mang tính tiêu chuẩn, nhưng hiện tại chúng ta không thể xem là đang ở một tình huống quy chuẩn. Chúng ta phải làm rõ rằng Ukraine được chào đón trong cộng đồng các nền dân chủ châu Âu”.
Trên Twitter, Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova khẳng định bà ủng hộ Tổng thống Zelensky, “kêu gọi EU thực hiện một bước đi quyết định để Ukraine trở thành thành viên EU”.
Dù quy trình kết nạp thành viên mới khá phức tạp và thường kéo dài trong một thời gian dài, việc đẩy nhanh tiến độ hoàn toàn có thể khả thi nếu các quốc gia EU muốn.
Thủ tướng Litva Ingrida Simonyte, người đã vận động hành lang cho tư cách thành viên của Ukraine, nói: “Con đường (đưa Ukraine) trở thành thành viên nên được khởi động và không nên bị giới hạn chỉ ở các khuyến nghị lịch sự. Tôi hy vọng các cuộc đàm phán thực tế có thể bắt đầu sớm”.
Các nước EU đang đóng cửa không phận đối với các máy bay thuộc sở hữu của Nga hoặc có đăng ký và do Nga kiểm soát, nhằm gây sức ép lớn hơn. Trong khi đó, truyền thông Nga đưa tin rằng EU có thể hỗ trợ Kiev các thông tin tình báo, với trung tâm vệ tinh ở Madrid được sử dụng để cung cấp thông tin về hoạt động chuyển quân của Nga tới Ukraine và EU.
Khối 27 quốc gia đang mệt mỏi về việc mở rộng và khó có thể sớm có thêm thành viên mới. Nhưng với tốc độ tiến quân của Nga và sự hỗ trợ từ các quốc gia thành viên riêng lẻ, những quyết định mang tính toàn khối của EU vẫn là điều cần chờ xem.
Ukraine hiện đã nhận được hỗ trợ quân sự và nhân đạo từ các quốc gia EU như Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Điển, Bỉ, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Romania, Tây Ban Nha và Czech.
| Ukraine chính thức đệ đơn xin gia nhập, EU dội ngay 'gáo nước lạnh' Ngày 28/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo, nước này đã chính thức đệ đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU), giữa ... |
| Nga tuyên bố giành 'ưu thế toàn diện trên không' ở Ukraine, chuẩn bị sơ tán công dân ở EU Ngày 28/2, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết, quân đội nước này đã thiết lập “ưu thế trên không toàn ... |