Tình trạng mất việc làm tại Mỹ tập trung nhiều vào các ngành phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì Covid-19. Hình ảnh người thất nghiệp tìm việc làm tại Hội chợ việc làm Los Angeles. (Nguồn: AFP) |
Với việc đại dịch Covid-19 làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng, các nhà kinh tế nhận định rằng một số công việc trong những lĩnh vực dịch vụ trên sẽ không quay trở lại, ngay cả khi nền kinh tế đã phục hồi. Và xu hướng đó có thể sẽ làm trầm trọng hơn bất bình đẳng về tài chính trong nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong thời kỳ suy thoái điển hình, người tiêu dùng thường lo lắng và quyết định cắt giảm chi tiêu, từ đó ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau. Việc sa thải diễn ra trên hầu khắp các ngành với những mức lương khác nhau. Vào giai đoạn đầu của đại dịch, giới chuyên gia kinh tế đã lo ngại rằng xu hướng tương tự sẽ xuất hiện trong cuộc khủng hoảng lần này.
Thay vào đó, phần lớn nền kinh tế Mỹ vẫn đang phục hồi, dù có phần chậm rãi.
Các nhà máy, trong khi chưa hồi sức hoàn toàn, vẫn tiếp tục sản xuất và liên tục tạo ra việc làm mỗi tháng kể từ tháng 5/2020. Doanh số bán nhà cũng tăng 26% so với một năm trước đó, khi những người thuộc nhóm thu nhập cao có thể làm việc tại nhà đang tìm kiếm thêm không gian để mở rộng. Xu hướng đó đã thúc đẩy các công việc được trả lương cao hơn trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và bất động sản.
Nhìn bề ngoài, báo cáo việc làm tháng 12/2020 mà Chính phủ Mỹ công bố hôm 8/1 khá ảm đạm: nền kinh tế đã mất 140.000 việc làm. Đây là tháng thứ 6 liên tiếp ghi nhận hoạt động tuyển dụng giảm so với tháng trước. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao 6,7%.
Nhưng con số âm hoàn toàn xuất phát từ việc gần 500.000 việc làm trong một loạt lĩnh vực bao gồm nhà hàng, quán bar, khách sạn và trung tấm giải trí bị mất.
Các chính quyền liên bang và địa phương cũng cắt giảm nhân công. Tình trạng sa thải trong ngành giáo dục cũng diễn ra. Song gần như mọi ngành nghề khác đều có thêm việc làm. Xây dựng tăng 51.000 vị trí, dịch vụ tài chính thêm 12.000 việc làm. Các công ty vận tải và kho bãi, vốn hưởng lợi từ sự gia tăng hoạt động thương mại điện tử và dịch vụ giao hàng trong bối cảnh đại dịch, cũng tạo ra gần 47.000 việc làm trong tháng vừa qua.
Đi sâu hơn, một báo cáo do nhà kinh tế Brad Hershbein tại Viện Nghiên cứu Việc làm Upjohn hợp tác nghiên cứu với người đồng nghiệp Harry Holzer tại Đại học Georgetown đã kết luận rằng, những lao động da màu chịu ảnh hưởng từ tình trạng mất việc làm sâu sắc hơn so với những lao động da trắng.
Tỷ lệ người Mỹ da trắng có việc làm đã giảm 6% kể từ khi đại dịch bùng phát. Nhưng với nhóm người Mỹ da đen và gốc Tây Ban Nha, tỷ lệ này là 10%. Điều này có nghĩa là nếu một số việc làm vĩnh viễn mất đi vì đại dịch, những người lao động da màu sẽ bị tổn thương nhiều nhất.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với những người làm công việc được trả lương thấp hơn. Ông Hershbein cho biết, số việc làm trong nhóm nghề được trả lương thấp nhất tại Mỹ đã giảm gần 12% kể từ tháng 2/2020. Còn trong nhóm được trả lương cao nhất, mức giảm ít hơn hẳn là chỉ 3,5%.
Nhiều nhà quan sát hy vọng rằng, khi vaccine ngừa Covid-19 được tiêm chủng rộng rãi hơn và gói viện trợ mới nhất của Chính phủ được bơm vào nền kinh tế, một giai đoạn phục hồi vững chắc sẽ bắt đầu vào mùa Hè này. Chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Joe Biden, cùng với Hạ viện và Thượng viện hiện do Dân chủ lãnh đạo, cũng có thể sẽ thúc đẩy các biện pháp chi tiêu và viện trợ bổ sung, từ đó tạo đà thúc đẩy tăng trưởng.
Nhưng vẫn còn một câu hỏi lớn ám ảnh nền kinh tế Mỹ trong năm 2021: Liệu sự phục hồi có đến đủ nhanh và đủ mạnh để chuyển dịch những người bị mất việc trong ngành dịch vụ sang các lĩnh vực linh hoạt hơn của thị trường lao động hay không?
Đây là một câu hỏi chưa ai có thể đưa ra đáp án chắc chắn. Nhưng hiện tại, các ngành dịch vụ sẽ phải tiếp tục chịu đựng những tác động từ việc đại dịch bùng phát trở lại. Người tiêu dùng vẫn không muốn mua sắm, đi du lịch, ăn tối và tụ tập, trong khi nhiều bang và thành phố lại đặt ra những giới hạn khắt khe hơn đối với các nhà hàng và quán bar để ngăn chặn đại dịch tiếp tục lây lan.