Các chuyên gia của Trung tâm Y khoa thuộc Đại học Stanford tại Mỹ mời 15 sinh viên (cả nam và nữ) đang yêu tham gia một thử nghiệm. Nhóm nghiên cứu yêu cầu tình nguyện viên nắm chặt một thiết bị trong lòng bàn tay rồi xem ảnh người yêu. Các chuyên gia nói rằng đó là thiết bị để đo thân nhiệt, song thực tế nó gây đau ở mức nhẹ khi tình nguyện viên nắm bàn tay. Não của từng tình nguyện viên được theo dõi bằng máy chụp cộng hưởng từ trong lúc họ xem ảnh.
Sau đó các chuyên gia lặp lại thí nghiệm nhưng yêu cầu tình nguyện viên xem ảnh của một người bạn có ngoại hình hấp dẫn, chứ không phải người yêu.
Kết quả chụp não cho thấy hoạt động trong não của tình nguyện viên khi xem ảnh người yêu giống hệt hoạt động não khi con người được tiêm morphine và cocaine. Việc xem ảnh bạn không tạo nên tác dụng tương tự.
“Khi con người sống trong tình yêu thực sự và mãnh liệt, nhiều sự biến đổi lớn về tâm trạng xảy ra khiến họ không còn cảm thấy đau đớn như người không yêu”, tiến sĩ Sean Mackey, trưởng nhóm nghiên cứu, tuyên bố.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng khi tình nguyện viên tập trung tâm trí vào một việc gì đó khi đau - như giải ô chữ - họ cũng không cảm thấy đau đớn như những lúc bình thường. Tuy nhiên, cách thức giảm đau của sự phân tâm hoàn toàn khác với cảm xúc tình yêu. Điều đó chứng tỏ cơ chế giảm đau của tình yêu không hề giống với những biện pháp phân tán tư tưởng.
Theo VNE