📞

Tổ chức 'Diễn đàn Kinh doanh thành công tại Việt Nam'

17:05 | 29/11/2019
TGVN. Ngày 27/11, tại thành phố Zurich, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ đã phối hợp với Phòng Thương mại Thụy Sỹ châu Á (SACC) tổ chức Diễn đàn Kinh doanh thành công tại Việt Nam.    
Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ Lê Linh Lan chụp ảnh với đại diện đại biểu tham dự Diễn đàn. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Thụy Sỹ)

Diễn đàn có sự tham gia của đại diện nhiều doanh nghiệp Thụy Sỹ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, năng lượng, dược phẩm, thiết bị y tế và chuyển giao Knowhow.

Phó Chủ tịch SACC Patrick Kriesemer điều phối tọa đàm, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ Lê Linh Lan và Tổng Giám đốc Duanne Morris Việt Nam, Tiến sĩ Oliver Massmann là hai diễn giả chính.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Đại sứ Lê Linh Lan cảm ơn Phòng Thương mại Thụy Sỹ về sự hợp tác lâu dài và hiệu quả với Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ, mong muốn sẽ đẩy mạnh các hoạt động kết nối doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư của Thụy Sỹ vào Việt Nam.

Đại sứ Lê Linh Lan trình bày về chính sách hội nhập kinh tế quốc tế, cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư của Việt Nam và triển vọng quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Thụy Sỹ.

Tiến sĩ Oliver Massmann trao đổi về triển vọng và cơ hội kinh doanh tại Việt Nam sau khi Hiệp định Thương mại Tự do và Bảo hộ đầu tư (EVFTA và EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu có hiệu lực.

Phát biểu về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam năm 2019 và triển vọng những năm tới, Tiến sĩ Oliver Massmann nhấn mạnh mức tăng trưởng 7,08% năm 2018, cao nhất trong 10 năm qua và dự báo khoảng 7% năm 2019 đưa Việt Nam vào vị trí dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Việt Nam có thị trường quy mô 96 triệu dân và cơ cấu dân số trẻ, tầng lớp trung lưu chi tiêu “mạnh tay” đang gia tăng mạnh mẽ, môi trường kinh doanh được cải thiện rõ rệt đang trở thành địa chỉ thu hút đầu tư hàng đầu thế giới. Nếu tính FDI theo đầu người, Việt Nam hiện đứng trên cả Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Đặc biệt, việc tham gia ký kết và thực hiện các Hiệp định Thương mại Tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và EVIPA sẽ tác động sâu rộng tới nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021 - 2015.

Vừa trở về từ Bỉ, ông chia sẻ thông tin nhiều khả năng Nghị viện châu Âu sẽ sớm phê chuẩn EVFTA và EVIPA, dự kiến tháng 4 hoặc tháng 5/2020. Ông bày tỏ rất lạc quan về triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm tới vì cam kết của Việt Nam trong cả hai Hiệp định CPTPP và EVFTA đều cao hơn so với khuôn khổ WTO về mở cửa đầu tư, bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp.

Việc thực hiện những cam kết này sẽ giúp Việt Nam tăng thu hút đầu tư nhằm tăng xuất khẩu vào thị trường của đối tác tham gia Hiệp định, đặc biệt là đầu tư vào các ngành thượng nguồn nhằm khai thác cam kết về tỷ lệ xuất xứ và qua đó cải thiện chuỗi cung ứng và vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tác động tích cực giúp duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên 7% và tăng tốc hút vốn FDI cũng như thu hút đầu tư không trực tiếp.

Những điều khoản tự do hóa thương mại và bảo hộ đầu tư sẽ tạo ra một khung pháp lý chắc chắn, an toàn cho các nhà đầu tư làm ăn, kinh doanh lâu dài của Việt Nam.

Ông ca ngợi cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong cải cách, hoàn thiện thể chế, có nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài như giảm thuế thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, đi trước nhiều nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, Ấn Độ... trong việc mở cửa thị trường và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư châu Âu làm ăn kinh doanh ở Việt Nam.

Đánh giá cao chủ trương của Việt Nam chuyển hướng thu hút FDI chú trọng chất lượng hơn số lượng, ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, công nghệ cao từ các nước tiên tiến, các đại biểu cho rằng Việt Nam cần tăng cường hỗ trợ tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0, ưu tiên công cụ và dịch vụ kỹ thuật số, tiếp tục tinh giản thủ tục hành chính.

Các đại biểu cũng quan tâm đến tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, quan điểm của Việt Nam về Sáng kiến Vành đai và Con đường, về những xu hướng phát triển mới trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính và những hệ quả của Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với lao động ngành công nghiệp dệt may.

Nhìn chung, Diễn đàn kinh doanh ở Việt Nam do Phòng Thương mại Thụy Sỹ châu Á phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tổ chức diễn ra tốt đẹp, thể hiện sự quan tâm ngày càng cao của các doanh nghiệp Thụy Sỹ và châu Âu đối với Việt Nam đặc biệt trong bối cảnh EVFTA sắp đi vào phê chuẩn và thực hiện, đàm phán Hiệp định TMTD giữa Việt Nam và Khối thương mại tự do châu Âu EFTA (gồm Thụy Sỹ, Na Uy, Lichetenstein và Iceland) bước vào năm thứ 8.

(theo Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ)