Không thể phủ nhận được một thực tế là WTO bị thách thức rất quyết liệt. (Nguồn: DPA) |
Ngày 1/1 vừa qua, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tròn 25 tuổi. Một phần tư thế kỷ không phải là khoảng thời gian ngắn, nhưng lại không phải dài đối với WTO nếu so sánh với 48 năm tồn tại và hoạt động của tổ chức tiền thân của nó là GATT.
Hài lòng và lo ngại
Tách biệt ra cho rạch ròi thế thôi chứ GATT và WTO là hai giai đoạn của một quá trình, là sự tiếp nối và phát triển. Kỷ niệm ngày sinh của WTO, con người ngày nay ít nhắc đến GATT chủ yếu vì WTO có nhiều khác biệt so với GATT.
Khác biệt lớn nhất và cơ bản nhất giữa WTO và GATT là cơ chế và quy trình xử lý xung khắc và tranh chấp thương mại giữa các nước thành viên với nhau. Trong GATT áp dụng các toà án phán xử độc lập và, vì thế, kẻ mạnh thường lấn át kẻ yếu. Trong WTO có toà án trọng tài trung gian hoà giải và phán xử chung trên cơ sở những nguyên tắc và luật lệ áp dụng chung cho tất cả các thành viên, vì thế mọi thành viên đều bình đẳng với nhau trước toà án.
Thế giới kỷ niệm 25 năm ngày ra đời của WTO trong tâm trạng vừa hài lòng vừa lo ngại. Hài lòng vì WTO trong 25 năm qua là một câu chuyện rất thành công. Lo âu vì WTO hiện tại phải trực diện với những thách thức về "tồn tại hay không tồn tại". Đấy chính là cái nghịch lý tuổi 25 đối với WTO mà cụ thể là nghịch lý trên hai phương diện.
Hai nghịch lý của WTO
Thứ nhất, Mỹ khi xưa vốn đóng vai trò đi đầu trong việc thực hiện ý tưởng chuyển GATT thành WTO mà bây giờ lại là thành viên chống phá WTO quyết liệt nhất. Tổng thống Mỹ Donald Trump không tiếc ngôn từ to tát phê phán WTO, hạ thấp vai trò của WTO, coi WTO chỉ gây nên tổn hại chứ không đem lại lợi ích gì cho nước Mỹ và nhiều lần tuyên cáo ý định rút nước Mỹ ra khỏi WTO.
Thứ hai, WTO thành công đến vậy trong 25 năm qua và có lợi cho các thành viên đến thế mà bây giờ chính các thành viên lại làm cho nó suy giảm vai trò và ảnh hưởng, gây khó khăn và phức tạp cho nó.
Hướng tới thời điểm 25 năm WTO, Quỹ Bertelsmann (Đức) đã làm một công trình khảo sát và đánh giá tác động của WTO tới các thành viên. Theo đó, tất cả các thành viên của WTO đều nhờ WTO mà thịnh vượng thêm lên, nhìn vào giá trị truyệt đối thì thành viên nào càng xuất khẩu nhiều càng tận lợi nhiều từ WTO, còn tính theo đầu người thì các thành viên nhỏ của WTO được lợi nhiều hơn các thành viên lớn.
Theo kết quả khảo sát của Quỹ Bertelsmann, WTO đem lại lợi nhiều nhất cho các thành viên theo thứ tự sau: Mỹ, Trung Quốc, Đức, Mexico, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Ấn Độ, Bỉ, Singapore, Pháp, Việt Nam, Anh, Canada, Thuỵ Sỹ và Thái Lan.
Xem ra, trên thế giới có không ít người nhìn nhận quá khắt khe và thiếu khách quan, đánh giá không công bằng và đúng đắn về giá trị thật sự của WTO.
Dù vậy, hiện không thể phủ nhận được một thực tế là WTO bị thách thức rất quyết liệt. Những cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính và tiền tệ trên thế giới đã làm cho tăng trưởng của thương mại thế giới không được cao và ổn định. Xu thế bảo hộ mậu dịch công khai và trá hình gia tăng mạnh mẽ. Xung khắc thương mại xuất hiện thêm nhiều. Các thành viên tăng cường tìm kiếm và ký kết thoả thuận thương mại song phương theo nguyên tắc và tiêu chí thể hiện cách hiểu riêng về thương mại tự do và với cách tiếp cận riêng về khu vực mậu dịch tự do.
Nguyên tắc đồng thuận trong WTO nhiều khi cản trở hoạt động của chính nó. Chỉ vì Mỹ cản trở việc bố trí nhân sự cho toà án trọng tài của WTO mà toà án này hiện không thể hoạt động bình thường được nữa. Những quy trình trong WTO, đặc biệt trong xử lý các tranh chấp giữa các thành viên, thường rườm rà và mất rất nhiều thời gian.
Cải tổ là cấp thiết
Cho nên sau 25 năm, WTO ở trước nhu cầu rất cấp thiết về cải tổ. Cũng phải thôi thì thế giới đã thay đổi rất nhiều trong khoảng thời gian ấy và WTO phải thích ứng với bối cảnh tình hình và điều kiện mới. WTO có lợi như thế cho Mỹ nên Mỹ sẽ không vội ra khỏi WTO. Trung Quốc lại càng cần bám giữ vào WTO.
Điều WTO phải quan tâm đến trước hết và nhiều nhất trong thời gian tới là phải đi đầu trong cuộc đấu với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và xung khắc thương mại song phương trên thế giới, phải là chỗ dựa tin cậy và động lực cho tự do hoá thương mại trong tình cảnh bị thách thức và đe doạ bởi chủ nghĩa bảo hộ và xung khắc thương mại song phương.
WTO phải nhanh chóng khắc phục được những nghịch lý trên thì mới đảm bảo được trong tương lai sẽ lại thành công như thời quá khứ.