📞

Tổ chức tình nguyện Consicous Impact và hành trình khám phá bản thân ở Nepal

HẰNG PARI 20:30 | 13/12/2020
TGVN. Làm tình nguyện ở Nepal tại một tổ chức phi lợi nhuận mang tên Consicous Impact đã đánh thức tình yêu thiên nhiên trong tôi, thấy cuộc sống ý nghĩa hơn khi chúng ta tiêu thụ ít và cho đi nhiều.

Brad là cậu bạn người Anh của tôi từng nói rằng con người chúng ta đã nợ Thiên nhiên quá nhiều, dường như nhân loại không thể nào trả được món nợ đó cho người mẹ đã ban tặng cho chúng ta sự sống vô điều kiện trên trái đất này.

Thế thì chúng ta chỉ còn cách là dừng lại những hành động tổn hại đến thiên nhiên trước khi món nợ ấy ngày càng chất chồng chất đống.

Tình nguyện viên cùng người dân trồng 3000 cây cà phê ( Ảnh: Hằng Pari)

Đánh thức tình yêu

Từng sinh sống và làm việc ở Ấn Độ vài năm, cứ mỗi kỳ nghỉ Đông là tôi bắt xe lửa từ thủ đô New Delhi sang Nepal để làm tình nguyện tại một tổ chức phi lợi nhuận mang tên Consicous Impact do nhóm bạn người Mỹ thành lập, với mục đích xây dựng lại một ngôi làng trên núi bị tàn phá sau trận động đất năm 2015.

Sau khi trở về Mỹ từ chuyến leo núi Everest thì Orion Haas và Allen Gula đã quyết quay trở lại Nepal để hỗ trợ người dân và phục hồi vùng đất Takure, một ngôi làng nhỏ trên núi ở tỉnh Sindhupalchok, cách thủ đô Kathmandu khoảng 30 dặm về hướng Đông Bắc của Nepal.

Tôi biết Conscious Impact từ một người bạn và lần đầu tiên đặt chân đến Takure là vào tháng 1/2018. Biết đến Conscious Impact là một cuộc hội ngộ nhân duyên vì qua chuyến đi này tôi đã có cơ hội gặp gỡ được rất nhiều người bạn từ khắp nơi trên thế giới.

Chuyến đi đã thay đổi con người tôi từ lối sống, cách suy nghĩ. Quan trọng hơn là chuyến đi đã nuôi dưỡng tình yêu của tôi dành cho thiên nhiên và truyền cảm hứng cho tôi về một cách sống mà thiên nhiên là bạn hiền và nguồn tài nguyên thiên nhiên là đồng đội khi chúng ta tồn tại trên mặt đất này.

Yêu chính mình trước

Tôi lò mò mở cửa lều lúc 5 giờ sáng trong lúc Sam, bạn cùng lều của tôi, còn cuộn mình trong cái túi ngủ. Cái rét cắt da xé thịt của mùa đông trên miền núi cao làm tôi run bần bật. Cái nghiến răng thành tiếng khóa chặt hai quai hàm, rồi cái tát vào mặt của từng đợt gió.

Tôi mở cửa lều và bước ra ngoài nhẹ nhàng để Sam không thức giấc. Trời vẫn còn mờ tối, tôi cố gắng điều chỉnh cái đèn pin trên đầu và tìm đường sang khu tập trung để tham dự chương trình yoga buổi sáng.

Cái lạnh dường như dần tan mất khi tôi thấy nhóm lửa trại và các bạn khác đang cùng ngồi vòng tròn quanh đống lửa. Vài người ngồi tịnh tâm, vài người sưởi ấm bằng ly trà nóng giữa lòng bàn tay, vài người chơi trống cầu nguyện, vài người khác chỉ ngồi yên nhắm mắt.

Hai cậu bạn người Mỹ hướng dẫn mọi người tập yoga, Orion hướng dẫn thiền, Mariana thì chơi trống và chúng tôi cùng hát cầu nguyện. Rồi mọi người dành 10 phút chia sẻ với nhau về bất cứ điều gì họ đang suy nghĩ, một câu chuyện, một cảm nhận, kể cả một điều khó khăn mà họ đang gặp phải.

Ngày mới bắt đầu khi những tia sáng nhỏ bắt đầu len lỏi quanh lớp vải lều như những đàn đom đóm của một sớm bình minh mang đến, tôi chợt nhận ra là chưa bao giờ tôi thấy một hiện tại trôi qua thật chậm rãi, nhẹ nhàng, và bình yên đến thế.

Hóa ra là bấy lâu nay tôi vội vã với cuộc sống của mình. Trong cuộc chia sẻ cùng nhau, Orion có nói một điều mà tôi coi nó là bài học đầu tiên ở Conscious Impact: “Khi chúng ta yêu bản thân mình trước, chúng ta có nhiều năng lượng sống, rồi năng lượng ấy sẽ được truyền sang người khác một cách vô tình hay cố ý, chỉ khi chúng ta yêu bản thân mình”.

Rồi chúng tôi cũng chậm rãi bước ra chào một ngày mới với nụ cười tràn đầy năng lượng trên khuôn mặt.

Sống thuận tự nhiên

Conscious Impact là một nơi gần như tách biệt với xã hội về mặt sử dụng các loại chất hóa học gây ô nhiễm môi trường xung quanh chúng ta như phân bón, thuốc trừ sâu, túi ni lông, đồ nhựa và những loại rác thải không phân hủy sau khi được thải ra đất.

Hệ thống nhà vệ sinh khô góp phần giúp tiết kiệm điện và nước, cũng là một nguồn dinh dưỡng dồi dào cho cây cối. Tôi được mở rộng tầm mắt với quy trình ủ phân hữu cơ ở đây, trong đó có cả thức ăn thừa, cây lá khô và đất.

Công việc một ngày của tôi với tư cách của một tình nguyện viên là đeo chiếc gùi sau lưng và đi hốt lá khô về ủ phân, trồng cây và tưới nước cho vườn rau.

Cảm giác thật bình yên biết bao khi mỗi lần ra vườn hái rau do chính bàn tay mình trồng mà không có một giọt phân hóa học, cảm xúc biết ơn những giọt mưa, hạt nắng mà đất trời đã ban tặng cho con người trên trái đất này, và cảm xúc nhẹ lòng khi mình đang sống có trách nhiệm với nguồn đất và nước được ban tặng.

Những đàn ong bướm và chim chóc cũng bay về làm tổ ngoài vườn rau, hóa ra là khi con người sống lành mạnh với thiên nhiên nên loài vật cũng muốn về sống cùng.

Công trình xây dựng bằng bao đất. (Ảnh: Hằng Pari)

Xây dựng bền vững

Sau trận động đất năm 2015, cả khu làng bị tàn phá nặng nề, nhiều nhà cửa, trường học bị tàn phá, nhiều gia đình mất người thân, nhiều trẻ em mồ côi cả bố lẫn mẹ. Takure là một ngôi làng không những nghèo mà sau động đất, người dân còn chịu những thiệt hại và mất mát lớn.

Conscious Impact đầu tiên được thành lập với mục đích là kêu gọi nguyên góp để xây dựng lại những căn nhà bằng đất cho các hộ gia đình trong làng.

Tôi ngỡ ngàng khi được Orion dẫn đến những căn nhà được xây bằng nguyên liệu sẵn có đất, rơm rạ, và phân bò.

Lần đầu tiên tôi bước vào chuồng bò và hốt phân, rồi trộn với rơm, đất và nước bằng chính bàn tay của mình, một kỷ niệm đáng nhớ vào ngày đầu tiên biết đến xây dựng bền vững.

Có một lần, chúng tôi cùng nhau lên trường mồ côi của vùng cao hơn để làm một cái ghế bành bằng đất cho trẻ con.

Trời Đông lạnh xé da mà bọn trẻ con vẫn hào hứng trộn đất bằng chân trần cùng chúng tôi. Cái lạnh ấy dường như được xua bớt khi tôi nhìn thấy những nụ cười trên gương mặt từng đứa nhỏ sau khi cái ghế được hoàn thành.

Conscious Impact còn xây dựng trường tiểu học cho làng, hồ chứa nước và đặc biệt là mở các lớp dạy làm khối đất nén và hỗ trợ máy móc để tạo công ăn việc làm cho người dân của làng. Có những ngày chúng tôi giúp vận chuyển gạch nén lên xe tải ra chợ bán.

Tôi bắt gặp những nụ cười tươi trên gương mặt của những người làm ra từng viên gạch vì đó là cả cuộc sống của chính họ và gia đình của họ.

Tôi tự nhủ rằng hạnh phúc thật đơn giản chỉ cần con người sẻ chia với nhau khi khó khăn thiếu thốn.

Giáo dục là một trong ba dự án quan trọng nhất của tổ chức, ngoài những lớp dạy về tinh thần nâng niu thiên nhiên, tình nguyện viên đến với Conscious Impact có thể chọn dạy tiếng Anh cho trẻ em và cả người dân ở đây.

Những buổi giáo dục về giới tính cho thanh thiếu niên và những hoạt động nhằm mục đích truyền cảm hứng cho nữ giới tự lập và tự tin với chính mình đã mang lại những ngày lao động hiệu quả nhất trong suốt chuyến hành trình của tôi.

Hơn nữa, các em học sinh lớn nhỏ còn được trải nghiệm nhiều lễ hội văn hóa khác nhau của nhiều nước trên thế giới qua những trò chơi truyền thống được tổ chức ở làng.

Những giá trị vô hình

Trong suốt hành trình tham gia tình nguyện, tôi chỉ vỏn vẹn vài bộ đồ mùa Đông và khăn len nón ấm. Tôi không dùng mạng điện thoại, hầu như không liên lạc với bất cứ ai. Tôi thấy cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn khi chúng ta tiêu thụ ít và cho đi nhiều.

Một nhân vật trong phim ngắn “Món quà” từng nói: “Giàu có không phải là bạn có bao nhiêu mà là bao nhiêu bạn cho đi, cho đi mang lại niềm vui cho người khác và cho cả chính mình”.

Conscious Impact đã thay đổi định hướng cuộc đời của cá nhân tôi, sống chậm để trọn vẹn từng giây phút, hòa hợp với thiên nhiên để nuôi dưỡng môi trường sống xung quanh, và trân trọng những điều sẵn có mà chúng ta được ban tặng trong tự nhiên.

Tôi không bao giờ quên những món ăn đạm bạc mà giàu dinh dưỡng, những giờ cầu nguyện và những ngày quây quần chia sẻ với nhau. Những lần gió lạnh luồn vào lều và cái rét khiến tôi không dám trở mình vào giữa đêm đã dạy cho tôi về tính chịu đựng và chấp nhận.

Tôi thấy mình lớn lên qua những năm trở về với Conscious Impact, lớn lên trong suy nghĩ và cả hành động của mình, đặc biệt là mỗi lần về lại làng, tôi thấy mình phải yêu thương người mẹ thiên nhiên nhiều hơn.