📞

Tổ hợp Pantsir-S1 của Nga lập kỷ lục bắn hạ sạch mục tiêu tên lửa HIMARS của Mỹ

Văn Đỉnh 12:31 | 30/01/2023
Trong một video được lan truyền trên mạng xã hội gần đây, tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1 của Nga lập kỷ lục bắn hạ tên lửa HIMARS của Mỹ.
Tổ hợp tên lửa – pháo phòng không Pantsir-S1. (Nguồn: Vitaly)

Những video trên mạng cho thấy 12 tên lửa của tổ hợp Pantsir-S1 bắn ra đều đã tìm thấy mục tiêu chính xác.

Hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS có hai bệ phóng, mỗi bệ phóng có 6 quả tên lửa. Như vậy, có thể khẳng định tổ hợp Pantsir-S1 đã đối phó với các cuộc tấn công bằng HIMARS của đối phương đạt hiệu quả 100%.

Công ty phát triển tổ hợp tên lửa – pháo phòng không Pantsir-S1 của Nga tiết lộ, hệ thống vũ khí này vừa mới được trang bị phần mềm mới. Nhờ có phần mềm mới này mà thời gian sử lý thông tin về tên lửa của đối phương và thời gian đưa ra quyết định được rút ngắn đi rất nhiều.

Kết quả của sự đổi mới phần mềm được minh chứng rõ ràng qua các hình ảnh được công bố khi toàn bộ 12 tên lửa của 2 bệ phóng của HIMARS đã bị bắn hạ.

Việc bắn hạ mỗi tên lửa thuộc hệ thống HIMARS của Mỹ là không hề đơn giản. Sự phức tạp của mục tiêu này không chỉ nằm ở tốc độ và độ cao của đầu đạn, mà còn nằm ở khả năng cơ động của nó.

Vì vậy, nhiệm vụ của tổ hợp Pantsir-S1 là phải theo dõi sát mục tiêu, không để mục tiêu bay vượt ra ngoài tầm quan sát và quan trọng nhất là phải đuổi kịp được đầu đạn của đối phương.

Tổ hợp Pantsir-S1 có thể phát hiện mục tiêu ở cự ly gần 100 km. Trong khoảng thời gian là 10s, tổ hợp Pantsir-S1 chuyển sang trạng thái tác chiến và có thể khai hỏa ở cự ly 20km.

Tổ hợp tên lửa – pháo phòng không Pantsir-S1 có thể bắn hạ tất cả các mục tiêu trên không như máy bay, trực thăng, tên lửa và thiết bị bay không người lái (UAV), kể cả những UAV có kích thước cực nhỏ.

Tổ hợp này có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm. Với mỗi kíp chiến đấu gồm có 3 người, tổ hợp Pantsir – S1 có thể tự phát hiện đối tượng để tấn công và tự phóng tên lửa. Tuy vậy, tổ hợp phòng không này cũng có thể hoạt động ở chế độ bán tự động, chế độ thủ công.

Ngay từ khi bắt đầu thiết kế, tác giả của vũ khí này cho biết, sau khi trang bị cho quân đội, tổ hợp phòng không Pantsir vẫn có thể được nâng cấp, hiện đại hóa. Theo đó, tổ hợp này vẫn có thể thay đổi kết cấu để có thể tiêu diệt được tất cả các loại mục tiêu.

Với kết cấu module, việc sửa chữa và nâng cấp tổ hợp Pantsir có thể được tiến hành rất đơn giản. Tùy theo nhiệm vụ tác chiến trên chiến trường, tổ hợp Pantsir có thể được bố trí trên xe bánh lốp, trên xe chạy bằng xích, trên chiến hạm hoặc có thể bố trí cố định.

(theo AiF.ru)