Họa sĩ Tô Ngọc Vân là một nhân cách lớn, được thầy khen ngợi, đồng nghiệp đánh giá cao, học trò kính phục. Ông có ảnh hưởng lớn đến nhiều họa sĩ tên tuổi tại Việt Nam.
Uyên bác về học thuật
Họa sĩ Tô Ngọc Vân được đánh giá là người có công đầu tiên trong việc sử dụng chất liệu sơn dầu ở Việt Nam. Ông được xem là một trong những họa sĩ lớn của hội họa Việt Nam, nằm trong “bộ tứ” nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn (Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn). Ngay từ những năm học trong trường mỹ thuật, ông đã sớm nghiên cứu kỹ lưỡng kỹ thuật sử dụng chất liệu sơn dầu. Ông đã viết những dòng tự sự… ngay từ lúc đi học đã mơ xây dựng một nền hội họa Việt Nam có tính chất dân tộc, phản ứng lại sự lan tràn của hội họa Pháp sang ta và để giành một địa vị mỹ thuật trọng yếu cho dân tộc trên thế giới…. Thông qua kỹ thuật, ông đã cố gắng diễn tả được vẻ đẹp của duyên dáng người Việt Nam đương thời mà tiêu biểu là chân dung thiếu nữ.
Chân dung họa sĩ Tô Ngọc Vân |
Tô Ngọc Vân cũng là một trong số rất ít họa sĩ Việt Nam đã sớm vẽ tem ngay từ thời Pháp thuộc. Mẫu tem Apsara được ông thiết kế từ nguồn tư liệu của những chuyến đi vẽ, sáng tác ở khu đền Angkor Wat, Angkor Thom của Campuchia. Hình tượng chính của con tem là tiên nữ Apsara, một trong hàng nghìn tượng vũ nữ điêu khắc nổi trên những vách đền đài của nền văn hóa cổ Khmer. Tem Apsara của họa sĩ Tô Ngọc Vân là mẫu tem thứ 23 của Bưu điện Đông Dương kể từ khi Pháp phát hành tem thư ở Việt Nam, cũng là tem duy nhất ông góp vào nền nghệ thuật tem thư ở Việt Nam.
Là một nghệ sĩ bậc thầy, uyên bác về học thuật, Tô Ngọc Vân cùng với họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung là những người đầu tiên đặt nền móng cho ngành Lý luận Phê bình mỹ thuật ở Việt Nam. Cùng với những sáng tác, ông cũng viết nhiều bài báo về mỹ thuật có giá trị đăng trên báo Ngày nay, Thanh nghị, Trung Bắc Chủ nhật nhằm phổ cập, quảng bá, hướng dẫn và phê bình về mỹ thuật. Cùng với đó, họa sĩ Tô Ngọc Vân còn là một nhà giáo Mỹ thuật xuất sắc. Ông tham gia giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, góp phần đào tạo nhiều họa sĩ tài danh thuộc thế hệ đầu của nền Mỹ thuật Việt Nam.
Đánh giá về các tác phẩm của danh họa Tô Ngọc Vân, nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo cho biết: “Lịch sử mỹ thuật thế giới và Việt Nam đã khẳng định đề tài phụ nữ, nhất là thiếu nữ, những giai nhân của dân tộc và thời đại đã sớm trở thành một trang sử mỹ thuật đẹp. Trong đó, các tác phẩm sơn dầu đầu tiên của họa sĩ Tô Ngọc Vân như: Thiếu nữ bên hoa huệ, Hai thiếu nữ và em bé, Buổi trưa, Thiếu nữ và hoa sen… của ông đã đi vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam, được sáng tác theo tuyên ngôn về nghệ thuật của ông: Hội họa là gỡ cái đẹp trong cử chỉ đẹp nhất, tươi nhất, có ý nghĩa nhất, là tươi cuộc đời”.
Cũng theo nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo, tranh sơn dầu của Tô Ngọc Vân và các họa sĩ cùng thế hệ sớm định hình một phong cách sơn dầu đậm bản sắc dân tộc và thời đại. Biết tiếp thu tinh hoa khoa học sơn dầu châu Âu, vẽ theo quan niệm tạo hình truyền thống phương Đông Việt Nam. Có ảnh hưởng đến phong cách sơn dầu của các thế hệ họa sĩ hậu sinh. Đáng trân trọng hơn, khi đến với cách mạng và khi đi vào kháng chiến, được sống, chiến đấu cùng công - nông - binh, cuộc sống mới, con người mới đã đi vào tranh ông như cuộc đời mình vậy.
Người phác thảo thân phận dân tộc
Tác phẩm của Tô Ngọc Vân và các họa sĩ cùng thế hệ sớm định hình định vị một phong cách sơn dầu đậm bản sắc dân tộc và thời đại; biết tiếp thu tinh hoa khoa học sơn dầu châu Âu, vẽ theo quan niệm tạo hình truyền thống phương Đông. Họa sĩ Lý Trực Dũng nhận xét, những bức tranh sơn dầu về đề tài phụ nữ thành thị của Tô Ngọc Vân trước 1945 đến nay vẫn làm mê hồn người xem, tiêu biểu là Thiếu nữ bên hoa huệ. Cả nghìn tranh ký họa trước và trong kháng chiến chống Pháp của ông là một tài sản quý giá về nghệ thuật và lịch sử.
Trong một bài viết đánh giá về danh họa Tô Ngọc Vân, họa sĩ Phan Cẩm Thượng cũng cho rằng: “Cùng một thời đại của đất nước có hàng trăm nhà văn cùng viết, hàng trăm họa sĩ cùng vẽ, nhưng không phải người nào cũng tạo ra hình ảnh chân thực về con người và đất nước mình, giống như tấm gương phản chiếu xã hội. Người đó đôi khi không nhất thiết là người có tài năng nhất, tất nhiên để làm được việc đó phải có tài. Tô Ngọc Vân là một họa sĩ như vậy, ông chỉ là một trong những bậc thầy xuất sắc của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, và dưới con mắt của nhiều người, ông mới chỉ dừng lại ở nghệ thuật hiện thực và không có gì đi xa hơn thế… Tuy nhiên, theo tôi, trong tất cả các họa sĩ Việt Nam, Tô Ngọc Vân vượt lên hơn hẳn việc vẽ ra phẩm chất con người thành thị và đặc biệt nông dân Việt Nam, thân phận của họ và hơn nữa là thân phận dân tộc”.
'Hai thiếu nữ và em bé'', 1944, sơn dầu. |
Điều này được nhận thức không phải qua tranh sơn dầu của ông vẽ trước cách mạng tháng Tám, những bức tranh được đánh giá cao hơn những gì ông vẽ trong kháng chiến chống Pháp. Thời kỳ này, phần lớn những gì ông sáng tác là nghiên cứu và ký họa bằng bút sắt và bút chì, chưa được xây dựng thành tác phẩm, nhưng dù chỉ thế nó cho thấy một đời sống toàn diện của người Việt Nam trong chiến tranh, đói nghèo và tăm tối. “Tô Ngọc Vân đã vẽ được tất cả những cái đó, đôi khi là vẽ dưới góc độ của một chiến sĩ văn hóa làm công tác tuyên truyền trong kháng chiến. Đối với tôi, phần vẽ này sâu sắc và trí tuệ hơn hẳn những gì ông vẽ trước năm 1945” - họa sĩ Cẩm Thượng cho biết.
Tô Ngọc Vân là một trong những người đầu tiên cổ xúy cho sơn mài, và chính ông luôn đứng ra bảo vệ mạnh mẽ nhất cho “quyền sống” của sơn mài vào những lúc khó khăn, khi sơn mài bị gàn quải. Ông nói: “Đất sơn mài là rộng lớn vô cùng”, ông kỳ vọng vào sơn mài, coi sơn mài là chân trời rạng rỡ của nghệ thuật Việt Nam, và vì thế ông mong ước sơn mài đến được với toàn dân, “nhà nào cũng có tranh sơn mài để treo” (như Nguyễn Tư Nghiêm đã kể lại). |