Cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ Khieu Samphan trong một phiên kháng cáo tại Tòa án đặc biệt xét xử tội ác chế độ Pol Pot ở Campuchia (ECCC), ngày 19/8/2021. (Nguồn: TTXVN) |
Đây có thể coi là thắng lợi của công lý, là thành quả từ những nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng quốc tế nhằm đưa ra xét xử những kẻ đã biến Campuchia thành “cánh đồng chết” với những tội ác được coi là tàn bạo nhất trong thế kỷ XX.
Vào thời điểm chế độ Khmer Đỏ bị lật đổ năm 1979, Campuchia đã mất khoảng 25% dân số. Ước tính, 1,7 triệu người Campuchia đã thiệt mạng, khoảng 20 nghìn người Việt Nam cũng là nạn nhân của Khmer Đỏ.
Tội ác của Khmer Đỏ thật khủng khiếp. Nhưng chặng đường đi đến bản án với những kẻ chủ mưu không phải là điều dễ dàng. Những khó khăn của Campuchia sau chiến tranh cùng những tác động chính trị từ bên ngoài đã khiến phiên tòa bị kéo dài. Do quá trình thụ lý quá lâu, các thủ lĩnh lớn tuổi khác của Khmer Đỏ là Nuon Chea, Ta Mok và Ieng Sary đã chết khi tòa chưa tuyên án, còn trùm thủ lĩnh Pol Pot thì đã chết từ năm 1998.
Không những thế, có những kẻ còn mưu toan đánh tráo sự thật lịch sử khi bác bỏ vai trò của Việt Nam trong việc cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pol Pot. Nhưng công lý bao giờ cũng chiến thắng và không kẻ nào gây tội ác lại có thể thoát khỏi sự trừng phạt.
Với phán quyết cuối cùng của ECCC, kẻ phạm tội ác chống lại loài người đã phải nhận bản án nghiêm khắc. Lịch sử cũng đã có lời phán xét rõ ràng về giai đoạn bi thương với đất nước chùa tháp, qua đó khẳng định sự thật Việt Nam chính là người đã cứu dân tộc Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng. Nó cũng nhắc nhở thế giới phải luôn cảnh giác để thảm kịch “cánh đồng chết” không bao giờ có thể tái hiện.