📞

Tọa đàm trực tuyến ASEAN 2020: Vai trò của doanh nghiệp xã hội trong tình hình bình thường mới

Nhóm PV-TGVN 15:58 | 13/11/2020
TGVN. Bên cạnh lề Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, chiều 13/11, Báo TG&VN thực hiện Chương trình tuyên truyền và Tọa đàm trực tuyến ASEAN 2020 - Kết nối doanh nghiệp Việt.
Các khách mời tham gia thảo luận tại chương trình.

Trong phiên thứ hai của Chương trình Tuyên truyền và trực tuyến các hoạt động của Hội nghị cấp cao ASEAN 37, các vị khách mời đã cùng trao đổi về tầm quan trọng của vai trò doanh nghiệp xã hội trong tình hình bình thường mới; những thay đổi mang tính sống còn đối với doanh nghiệp; đặc biệt là sự kết nối hợp tác doanh nghiệp trong nền kinh tế và trong khu vực?

Phiên thảo luận có sự tham gia của: TS. Nguyễn Danh Ngà - Thành viên HĐQT Viện Tư vấn công nghệ và đào tạo toàn cầu, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm TTK Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam; bà Võ Thị Ngọc Huyền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn tài chính HCI Holding; bà Nguyễn Nam Ngà - Phó Giám đốc công ty TNHH Vận tải Thương mại và Dịch vụ Võ Minh; bà Trương Nguyễn Diệu Anh - Giám đốc Công ty CP Đào tạo và phát triển Giáo dục Phước Tuệ.

Chia sẻ tại chương trình, bà Võ Thị Ngọc Huyền cho biết, dịch Covid-19 đã gây vô vàn khó khăn cho các doanh nghiệp thế giới và Việt Nam.

Đối với Công ty cổ phần tập đoàn tài chính HCI Holding, đại dịch Covid-19 khiến việc xuất nhập khẩu nguyên liệu, vận chuyển hàng hóa khó khăn, khắt khe. Bên cạnh đó, các chi phí tiêu dùng cao, lạm phát cao, ảnh hưởng trực tiếp tới sức tiêu dùng. Đại dịch cũng tác động tiêu cực đối tác của công ty, ảnh hưởng đến thanh toán công nợ.

Để thích ứng với những khó khăn kể trên, bà Võ Thị Ngọc Huyền chia sẻ, HCI Holding đã linh hoạt sắp xếp thời gian của cán bộ công nhân viên để đạt được hiệu quả cao và hạn chế chi phí; cắt giảm chi phí vận hành doanh nghiệp; tăng phúc lợi cho nhân viên; tích cực đầu tư các nghiên cứu, rà soát nguồn cung ứng để thay thế; tìm kiếm các thị trường mới và đẩy mạnh truyền thông để có đầu ra; tăng cường kết nối doanh nghiệp cùng ngành nghề cùng nhau vượt khó; áp dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất và tận dụng tối đa ưu đãi thuế quan và chính sách ưu đãi của nhà nước.

Tại chương trình, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ, 10 năm gần đây, ngành gỗ đã tăng trưởng ấn tượng. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu vượt 10 tỷ USD, là 1 trong 6 ngành có kim ngạch xuất khẩu cao nhất Việt Nam.

Với đại dịch Covid-19, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng phải đối phó với lệnh điều ra, thuế chống bán phá giá, xử phạt lạm dụng xuất xứ…

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của doanh nghiệp, ngành công nghiệp gỗ năm 2020 vẫn phát triển khả quan. Hết tháng 10, ngành gỗ xuất khẩu được 10,3 tỷ USD, đến hết năm 2020, ngành gỗ vẫn duy trì được nhịp độ hơn 10 tỷ USD/năm.

Ông Nguyễn Danh Ngà - Thành viên HĐQT Viện Tư vấn công nghệ và đào tạo toàn cầu, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhận định, chưa bao giờ Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung bị ảnh hưởng ghê gớm như hiện tại. Tuy nhiên, trong khu vực ASEAN, ngành du lịch sẽ phục hồi và phát triển nhanh nhất.

Cũng theo ông Ngà, hiện tại, ngành du lịch nội địa khu vực ASEAN đang kích cầu mạnh, đặc biệt là ở Thái Lan, Singapore, Việt Nam… với những gói kích cầu “khủng”, hỗ trợ khách sạn, ăn uống, vé máy bay…

“Theo dự đoán của tôi, trong quý IV/2020 và quý I/2021, các nước ASEAN sẽ phục hồi và phát triển nhanh chóng”, ông Nguyễn Danh Ngà nói.

Hậu Covid-19, Chính phủ và doanh nghiệp có 3 vấn đề cần giải quyết. Thứ nhất, về vĩ mô, Chính phủ phải tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Các gói hỗ trợ phải đến đúng nơi, công khai minh bạch. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cần tăng cường và đẩy mạnh.

Thứ hai, về vi mô, có thể coi văn hóa doanh nghiệp là đất, chiến lược kinh doanh là hạt, vì vậy, các doanh nghiệp phải phát triển văn hóa doanh nghiệp, tạo niềm tin cho nhân viên.

Thứ ba, đối với người lao động, doanh nghiệp cần chú trọng tới các hoạt động công đoàn, thanh niên để tăng cường đoàn kết, gắn kết doanh nghiệp.

Trong phiên tiếp theo của chương trình, bà Nguyễn Nam Ngà - Phó Giám đốc công ty TNHH Vận tải Thương mại và Dịch vụ Võ Minh nhận định, trong bối cảnh Covid-19, lĩnh vực vận tải bị ảnh hưởng vô cùng to lớn, đặc biệt là vận tải hành khách. Không ngoại lệ, Công ty TNHH Vận tải Thương mại và Dịch vụ Võ Minh cũng gặp một số trở ngại. Trong quá trình đó, công ty đã tập trung vào lĩnh vực thiết yếu nhằm giữ nền tảng kinh doanh, đảm bảo doanh thu và đời sống nhân viên.

Đối với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, bà Nguyễn Nam Ngà cho rằng, công ty đặt tiêu chí, xây dựng doanh nghiệp phát triển lâu dài, bền vững.

Bên cạnh đó, trong quá trình tuyển dụng, công ty cũng ưu tiên tuyển dụng đa dạng lao động, kể cả những người có điểm xuất phát thấp, nhằm tạo công ăn việc làm và cơ hội cho người lao động.

Còn bà Trương Nguyễn Diệu Anh, Giám đốc Công ty CP Đào tạo và phát triển Giáo dục Phước Tuệ cho hay, đứng trước khó khăn chung do Covid-19 gây ra, doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ để vận hành hoạt động, đặc biệt như việc học trực tuyến.

Bà Trương Nguyễn Diệu Anh cũng cho biết, việc dạy học trực tuyến đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn quá trình dạy truyền thống, tuy nhiên, với sự nỗ lực, công ty đã đạt hiệu quả và vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

Theo bà Trương Nguyễn Diệu Anh, với tâm huyết với ngành giáo dục, yếu tố tiên quyết giúp công ty đối mặt và vượt qua khó khăn biến động là luôn xuất phát từ tâm và tầm, cùng sự nhạy bén và tầm nhìn rộng mở, vững vàng chèo lái.

Về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, bà Trương Nguyễn Diệu Anh cho rằng, trước Covid-19, công ty đã quan tâm đến trách nhiệm xã hội, khi Covid-19 “ập đến”, vấn đề này càng được chú trọng hơn.