Cuộc họp báo nhằm giới thiệu chủ đề, các hướng ưu tiên, biểu trưng, cổng thông tin điện tử www.apec2017.vn và lịch hoạt động Năm APEC 2017; đồng thời thông tin về công tác chuẩn bị của Việt Nam.
Tới dự họp báo còn có ông Allan Bollard, Giám đốc Điều hành Ban thư ký APEC; ông Luis Queseda - Chủ tịch SOM APEC Peru 2016; ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Phó trưởng Tiểu Ban tuyên truyền về Văn hóa thuộc Ủy ban Quốc gia APEC 2017; ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Doanh nhân APEC (ABAC) Việt Nam.
Các vị đại biểu dự và chủ trì họp báo. (Ảnh: Quang Hòa) |
5 kết quả nổi bật của ISOM APEC và các sự kiện liên quan
Phát biểu tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, hai ngày làm việc của Hội thảo về các ưu tiên của Năm APEC 2017 và Hội nghị không chính thức các quan chức cao cấp của Diễn đàn APEC (ISOM) (8-9/12) vừa kết thúc tốt đẹp, khép lại chuỗi hoạt động đầu tiên đánh dấu sự khởi động của nước ta trong đăng cai tổ chức các hoạt động APEC năm 2017.
Thứ trưởng cho biết, Hội nghị ISOM APEC và các hoạt động liên quan vừa qua đã đạt 5 kết quả nổi bật:
Thứ nhất, đó là sự tham gia đông đảo của các đại biểu với hàng trăm chuyên gia, học giả, đại diện tập đoàn, lãnh đạo Bộ, cơ quan, tỉnh thành của Việt Nam. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 đã đến dự và phát biểu chỉ đạo về Năm APEC 2017. Sự tham gia đó cho thấy sự hấp dẫn của diễn đàn, kỳ vọng cao của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam với tư cách chủ nhà APEC 2017.
Hai là, sự ủng hộ của các nền kinh tế thành viên về hướng, chủ đề và ưu tiên cho Năm APEC. Chúng ta đã nêu 4 hướng ưu tiên của Năm APEC 2017: Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực; Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số, chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo; Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững. Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến thực chất, sâu sắc về các hướng ưu tiên này, cho rằng các ưu tiên đó thể hiện đúng các quan tâm của các nền kinh tế, phù hợp với tình hình hiện nay, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển, xử lý các thách thức cấp bách trong khu vực.
Ba là, trên cơ sở chủ đề và hướng ưu tiên, tại ISOM, ta thống nhất về lịch hoạt động của Năm APEC 2017. Theo đó, Năm 2017 sẽ gồm gần 200 hoạt động lớn nhỏ, trong đó quan trọng nhất là Tuần lễ Cấp cao APEC với sự tham dự của Lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC, dự kiến diễn ra vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng. Ở cấp Bộ trưởng, dự kiến có 8 hoạt động, đồng thời hàng trăm cuộc họp và hoạt động ở cấp làm việc sẽ được tổ chức ở 10 tỉnh thành của Việt Nam. Đó là Hà Nội, Nha Trang, Vinh, Ninh Bình, Hạ Long, Huế, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, Hội An và Đà Nẵng. Dự kiến sẽ có hàng chục nghìn lượt đại biểu quốc tế đến tham dự các hoạt động APEC tại nước ta năm tới, trong đó có khoảng 1000 nhà lãnh đạo các tập đoàn, hàng nghìn phóng viên báo chí…
Bốn là, một hoạt động mang nhiều dấu ấn trong chuỗi các hoạt động ISOM lần này là diễn đàn APEC với doanh nghiệp thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp APEC, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp châu Á – Thái Bình Dương và các doanh nghiệp trong nước. Các ý kiến đóng góp, trao đổi tại diễn đàn góp phần làm nội dung hợp tác và hoạt động của Năm APEC 2017 ngày càng phong phú thiết thực, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Năm là, qua kết quả hội nghị công tác tổ chức, bạn bè quốc tế cũng nhận thấy sự sẵn sàng của Việt Nam trong tổ chức Năm APEC 2017 và đặt kỳ vọng về Năm APEC 2017 đạt nhiều kết quả về nội dung cũng như cách thức tổ chức.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng cho biết, từ ba năm qua, Việt Nam đã bắt tay vào triển khai công tác chuẩn bị cho Năm APEC 2017, với sự ra đời của Ủy ban Quốc gia APEC 2017 với 23 Bộ, cơ quan và tỉnh thành thành viên. “Những hoạt động trong hai ngày vừa qua có thể coi là bước khởi động tốt cho Năm APEC 2017 và là phép thử đối với bộ máy tổ chức của chúng ta”, Thứ trưởng nói.
Đông đảo phóng viên báo chí dự cuộc họp báo. (Ảnh: Quang Hòa) |
Nhiều kỳ vọng, nhiều cơ hội
Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, việc đăng cai tổ chức Năm APEC 2017 là một trọng tâm đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện, khẳng định quyết tâm của ta tiếp tục đổi mới, tham gia đóng góp vào việc định hình các cơ chế hợp tác đa phương. Việc các thành viên ủng hộ ta đăng cai Năm APEC lần thứ hai vào năm 2017 cũng thể hiện sự tin cậy và tín nhiệm cao của các thành viên đối với chúng ta.
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, việc đăng cai APEC 2017 còn giúp Việt Nam có thêm cơ hội mới để tăng cường quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư với các đối tác ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cũng như tạo điều kiện hoàn tất các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 của đất nước.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về kỳ vọng của Việt Nam trong lần đăng cai APEC lần thứ hai này (lần thứ nhất vào năm 2006 - PV), về những lợi ích mà các chương trình hoạt động của APEC sẽ mang lại cho người dân cùng trọng tâm công việc mà Việt Nam sẽ tập trung vào, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, với việc đăng cai tổ chức các hoạt động của APEC trong năm 2017, Việt Nam có 4 kỳ vọng lớn: Trước hết là đóng góp thiết thực vào tiến trình của APEC, làm hợp tác APEC thực chất, hiệu quả hơn – trong đó then chốt là hoàn tất các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại-đầu tư vào năm 2020. Hai là nâng cao vị thế APEC là Diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu, tiên phong khởi xướng và hình thành liên kết khu vực sâu rộng, thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Ba là tăng cường tình hữu nghị, quan hệ đối tác với các thành viên APEC. Doanh nghiệp ta có thêm điều kiện thiết lập quan hệ kinh doanh với các đối tác hàng đầu thế giới. Bốn là quảng bá Việt Nam đổi mới, năng động, giàu tiềm năng và tích cực hội nhập; mang lại cơ hội phát triển, giao lưu cho các vùng miền, địa phương, doanh nghiệp và người dân. Qua APEC 2017, chúng ta có thêm điều kiện học hỏi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về Diễn đàn.
Nhấn mạnh lợi ích các hoạt động của APEC 2017 mang lại cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, là chủ nhà, Việt Nam dự kiến sẽ đón hàng chục nghìn đại biểu và tổ chức khoảng 200 hoạt động lớn nhỏ trên khắp cả nước, mở ra những cơ hội lớn cho các địa phương và doanh nghiệp nước ta đẩy mạnh kinh doanh, kết nối, thu hút khách du lịch, quảng bá hình ảnh, giới thiệu các sản phẩm vùng miền với các đối tác APEC và các tập đoàn hàng đầu thế giới.
Năm APEC 2017 cũng mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong tiếp cận thị trường rộng lớn của các nền kinh tế thành viên, kết nối với các đối tác chiến lược tiềm năng, hưởng môi trường đầu tư, kinh doanh và điều kiện đi lại thuận lợi hơn, tiếp cận công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến từ các tập đoàn hàng đầu thế giới..; đồng thời thúc đẩy các vấn đề quan tâm thông qua tham gia hợp tác, đối thoại của APEC.
Người dân Việt Nam sẽ có thêm cơ hội lựa chọn trong nhiều lĩnh vực như việc làm, hàng hóa, dịch vụ, y tế, giáo dục, du lịch,... nhờ các chương trình mà APEC đang triển khai về giao lưu nhân dân, thúc đẩy du lịch...
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC Việt Nam, Chủ tịch SOM APEC chủ trì buổi họp báo. (Ảnh: Quang Hòa) |
Các thành viên APEC ủng hộ phê chuẩn TPP
Trả lời câu hỏi với vai trò chủ nhà APEC 2017, Việt Nam sẽ làm gì để thúc đẩy sự ủng hộ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, qua hai ngày hội nghị ISOM vừa qua có thể thấy được quyết tâm của các quan chức, các nhà lãnh đạo trong việc đẩy mạnh quá trình tự do hóa thương mại đầu tư, mặc dù xu thế bảo hộ mậu dịch, chống toàn cầu hóa đang gia tăng. Ông Sơn cho rằng, tự do hóa thương mại và tạo thuận lợi đầu tư – hai mục tiêu mà APEC theo đuổi - mang lại những lợi ích rất lớn.
Về việc Nhật Bản vừa thông qua TPP, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, hiện nhiều thành viên khác của TPP đang tỏ rõ quyết tâm sẽ phê chuẩn hiệp định này. “Đó cũng là sự thể hiện quyết tâm thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư và liên kết kinh tế giữa các nền kinh tế thành viên”, Thứ trưởng nói.
Đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, ông Allan Bollard, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC quốc tế cho biết, tại Lima, Peru vừa qua, khi các nhà lãnh đạo TPP gặp nhau, họ cũng đã tỏ rõ sự ủng hộ tiếp tục thông qua TPP. “TPP có thể hoạt động không có Mỹ nhưng điều đó phụ thuộc vào các nước có muốn tiếp tục điều đó hay không”, ông Allan Bollar nói.
Cũng theo ông Allan Bollard, TPP có các nền tảng để thực hiện các hiệp định tự do thương mại khác. “Thành quả lớn nhất của APEC là tập trung các nền kinh tế thành viên với nhau, cả Trung Quốc và Mỹ vào một cộng đồng kinh tế chung. Đây là thành công lớn hơn nhiều so với từng Hiệp định TPP hay chỉ RCEP. Nhưng TPP không phải là APEC và các nước thành viên phải tự đưa ra quyết định của mình”, ông nói.
Về ý nghĩa của việc Việt Nam tổ chức đăng cai Hội nghị đối thoại chính sách với các doanh nghiệp do nữ làm chủ tại TP. Huế trong khuôn khổ Hội nghị APEC vào tháng 9/2017, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết tinh thần chung qua hai hội nghị vừa rồi cho thấy rõ là phải nâng cao năng lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. Cuộc họp Bộ trưởng sắp tới sẽ bàn về vai trò phụ nữ nói chung trong kỷ nguyên số nói chung, và trong phát triển các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa nói riêng.
Ông Allan Boollard, Giám đốc Điều hành Ban thư ký APEC quốc tế cũng cho rằng, APEC mong đợi sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động. Trong những cuộc trao đổi, APEC đã đề cập đến các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho phụ nữ, cũng như làm thế nào sự phát triển của khu vực được bao trùm và con đường đối với APEC là phải tập trung để hỗ trợ các nền kinh tế chưa phát triển trong khu vực để tận dụng nguồn lực từ phụ nữ và doanh nghiệp nhỏ. Thực tế đã có nhiều câu chuyện thành công của các phụ nữ có nguồn tài chính phục vụ các dự án, hay huy động vốn từ internet…
Trả lời phóng viên về việc doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị gì nhân dịp APEC, ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch ABAC Việt Nam nhấn mạnh hợp tác về thương mại và đầu tư giữa các nước trong APEC là chủ đề quan trọng nhất. Từ 2016 tới nay, Việt Nam hợp tác ngày càng sâu rộng với các đối tác quốc tê, đặc biệt là với các thành viên APEC. Cùng với sự hợp tác đó, DNVN cũng ngày càng phát triển. Lần đăng cai APEC 2017 này là cơ hội cho Việt Nam tìm luồng đầu tư mới, đem lại giá trị thặng dư cao hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh của DNVN, vốn có tới 98% thành phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời xây dựng hệ thống luật pháp minh bạch.
Hiện đang là thời đại kỷ nguyên số, vấn đề của Việt Nam là làm sao để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tìm kiếm đối tác hợp tác thuận lợi nhất. Chẳng hạn như, là nước nông nghiệp, làm sao để DNVN có thể hợp tác để nâng cao giá trị nông nghiệp. Đặc biệt, đây là cơ hội quảng bá đất nước, con người Việt Nam, thu hút du lịch, tìm được đối tác. Ở thời điểm diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC 2017, sẽ có khoảng 1.000 DN quốc tế tại các nước thành viên APEC vào Việt Nam. Đây là cơ hội để tìm đối tác hợp tác và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp.
Toàn cảnh buổi họp báo. (Ảnh: Quang Hòa) |
Sẽ miễn phí cho khách tham dự APEC tại các điểm du lịch
Giới thiệu về biểu trưng APEC, mục tiêu quảng bá đất nước con người Việt Nam qua APEC 2017 qua các địa điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, ông Huỳnh Vĩnh Ái – Phó Trưởng Tiểu ban tuyên truyền và văn hoá, Uỷ ban Quốc gia APEC cho biết, các vấn đề này đã được Uỷ ban chuẩn bị trong vòng một năm qua. Về biểu trưng (Logo), đầu năm nay, Ủy ban đã tổ chức phát động cuộc thi sáng tác Logo APEC 2017, qua một tháng phát động đã có 234 bài của 90 tác giả ở 20 tỉnh thành. Sau 3 vòng họp, ban tổ chức đã chọn được mẫu cuối cùng như hiện nay.
Logo có 21 cạnh tượng trưng cho 21 nền kinh tế, hình xoay tròn thể hiện sự năng động. Hiện Tiểu ban tuyên truyền văn hóa đang phát động sáng tác tranh cổ động và nhiều hoạt động khác như bộ nhận diện, tranh cổ động, tuần phim APEC 2017.
Về trang phục của các nhà lãnh đạo các nền kinh tế tại APEC 2017, ông Huỳnh Vĩnh Ái cho biết hiện 5 nhà thiết kế hàng đầu của Việt Nam đã được mời sáng tác các mẫu trang phục này. Ông Ái lưu ý đây là trang phục có chất liệu của Việt Nam, mang đậm bản sắc Việt Nam. Ông cũng cho biết đây sẽ là một trong những món quà dành tặng cho các nguyên thủ, lãnh đạo của các nền kinh tế tham dự.
Ông Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, thêm, vì APEC 2017 là dịp để quảng bá hình ảnh Việt Nam nên tất cả các địa diểm du lịch sẽ miễn phí cho khách tham dự APEC. Tại các địa phương nhân dịp tổ chức các hoạt động APEC 2017 cũng sẽ tổ chức các hình thức khác nhau để giới thiệu về địa phương với các các lãnh đạo, quan chức cấp cao, khách du lịch tới từ các thành viên APEC.
Ngoài ra, ông Ái cũng chia sẻ thông tin về Liên hoan nghệ thuật 21 thành viên và ý tưởng tổ chức vườn tượng APEC tại Đà Nẵng hiện đang được đưa ra xin ý kiến 21 nền kinh tế thành viên. Công việc tiếp theo là tổ chức 10 cuộc họp ở 10 địa phương của Việt Nam.
Cuối cùng, về điểm nhấn của các hoạt động văn hóa, ông Ái cho biết đó là Gala Dinner, thể hiện đầy đủ 4 yếu tố: trang trí, chương trình nghệ thuật đặc biệt đặc sắc, ẩm thực Việt Nam cũng như việc tiếp đón và ứng xử đậm chất Việt Nam. Tại Gala Dinner này, các Lãnh đạo các nền kinh tế APEC sẽ mặc trang phục APEC 2017, ông Ái cho biết.
Website của Năm APEC 2017 đã chính thức hoạt động Để tìm hiểu những thông tin liên quan đến APEC và Năm APEC 2017, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Ban Thư ký APEC sẽ cung cấp đầy đủ thông tin chính thức về hợp tác APEC và kết quả nổi bật của từng năm APEC. Tiểu ban Tuyên truyền và Văn hóa của Ủy ban Quốc gia Năm APEC 2017 là đầu mối cung cấp thông tin. Website chính thức của Năm APEC 2017 hiện đã hoạt động tại địa chỉ www.apec2017.vn. |