Hàng triệu tín đồ trên khắp thế giới trải qua lễ Eid al-Fitr, đánh dấu sự kết thúc của tháng Ramadan, tháng lễ linh thiêng nhất trong năm của người Hồi giáo.
Tháng Ramadan diễn ra vào tháng 9 âm lịch của người Hồi giáo nên không có ngày cố định theo dương lịch. Năm nay, Tháng Ramadan diễn ra từ ngày 11/3-10/4. Trong ảnh: Người Hồi giáo Indonesia tham dự buổi cầu nguyện Tarawih vào đêm đầu tiên của tháng Ramadan, tại Nhà thờ Hồi giáo lớn Istiqlal ở Jakarta, Indonesia. (Nguồn: Reuters)
Thành viên của ủy ban quan sát Mặt Trăng thực hiện nghi thức “rukyah”, chờ Mặt Trăng của tháng mới trên bầu trời, để có thể tuyên bố bắt đầu tháng Ramadan. Trong ảnh: Một thành viên trong ủy ban quan sát Mặt Trăng của Pakistan đang sử dụng máy kinh vĩ để theo dõi trăng lên để đánh dấu tháng chay Ramadan ở Peshawar, Pakistan. (Nguồn: Reuters)
Hình ảnh trăng lưỡi liềm đánh dấu sự bắt đầu của tháng Ramadan trên bầu trời Cape Town, Nam Phi. (Nguồn: Reuters)
Trước đó, nhiều gia đình đã trang trí nhà cửa để đón chào tháng Ramadan. Trong ảnh: Người dân vui mừng đón tháng Ramadan, ở Rafah, phía Nam Dải Gaza. (Nguồn: Reuters)
Họ trang trí nơi ở bằng những bóng đèn lấp lánh. Trong ảnh: Dù bị mất nhà cửa do các cuộc xung đột giữa Israel-Hamas, những người vô gia cư ở Palestine vẫn có gắng trang trí lều trại trong khu tị nạn để đón tháng Ramadan, ở Rafah, phía Nam Dải Gaza.(Nguồn: Reuters)
Các loại rau củ và hoa quả càng đắt hàng hơn trong tháng Ramadan. Trong ảnh: Quầy bán rau tại một chợ tạp hóa ngoài trời ở Somali. (Nguồn: Reuters)
Một người bán hàng đang phân loại cà chua tại chợ Karwan Bazar ở Dhaka, Bangladesh. (Nguồn: Reuters)
Trong tháng Ramadan, các tín đồ Hồi giáo sẽ cầu nguyện 5 lần một ngày, gọi là "Salat", vào lúc bình minh, giữa trưa, giữa chiều, khi Mặt Trời lặn và tối. Các tín đồ có thể cầu nguyện tại bất cứ đâu, tại trường học, nơi làm việc, tại nhà hay ngoài trời, nhưng phải theo quy định. Trong ảnh: Người Hồi giáo Indonesia tham dự buổi cầu nguyện tại Nhà thờ Hồi giáo lớn Istiqlal ở Jakarta, Indonesia. (Nguồn: Reuters)
Nghi thức cầu nguyện này nhằm nhắc nhở các tín đồ về lối sống đúng đắn. Hồi giáo cũng được cho là tôn giáo quy định các tín đồ phải thực hiện nghi thức cầu nguyện thường xuyên nhất trong ngày. Học sinh Hồi giáo học Kinh Qur’an vào ngày "Nuzul Qur’an" hay "Ngày mặc khải Kinh Qur’an", vào ngày thứ 17 của tháng Ramadan, tại Kuala Lumpur, Malaysia. (Nguồn: Reuters)
Buổi cầu nguyện bao gồm việc đọc một số đoạn Kinh Qur’an, quỳ lạy trên một tấm thảm và chạm trán xuống đất, thể hiện sự cung kính. Trong ảnh: Những người theo đạo Shi'ite đội các bản sao kinh Koran lên đầu tại đền Imam Ali, ở Najaf, Iraq. (Nguồn: Reuters)
Trong suốt tháng lễ Ramadan, các tín đồ Hồi giáo sẽ phải thực thi các quy định nghiêm khắc về ăn uống. Trên nguyên tắc, họ sẽ không ăn không uống và không được hút thuốc, kể cả không sinh hoạt tình dục…, trong thời gian từ lúc Mặt trời mọc đến khi Mặt trời lặn. Trong ảnh: Phụ nữ Hồi giáo cầu nguyện bên trong nhà thờ Hồi giáo Jamia ở Srinagar, Ấn Độ. (Nguồn: Reuters)
Từ khi 10 tuổi, cha mẹ thường khuyến khích con nhịn ăn nửa ngày để làm quen với việc nhịn ăn. Trong ảnh: Người đàn ông và đứa trẻ đọc Kinh Qur’an tại một nhà thờ Hồi giáo ở Karachi, Pakistan. (Nguồn: Reuters)
Tuy nhiên, cũng có một số ngoại lệ. Khách du lịch, người già, bệnh tật, bà mẹ mang thai và đang cho con bú được miễn nhịn ăn nếu họ nhịn bù vào thời điểm thích hợp sau tháng lễ Ramadan. Trong ảnh: Một tín đồ Hồi giáo tham dự buổi cầu nguyện thứ Sáu trong tháng Ramadan, tại khu phức hợp Al-Aqsa, còn được người Do Thái gọi là Núi Đền ở Thành phố cổ Jerusalem. (Nguồn: Reuters)
Một người đàn ông Hồi giáo nghỉ ngơi sau một ngày cầu nguyện tại Nhà thờ Hồi giáo Grand Istiqlal ở Jakarta, Indonesia. (Nguồn: Reuters)
Trong ảnh: Mọi người tụ tập ăn bữa Iftar do các tổ chức từ thiện địa phương và Quỹ Tín thác Phát triển Syria tổ chức tại nhà thờ Hồi giáo Umayyad ở Aleppo, Syria. (Nguồn: Reuters)
Do thời gian nhịn ăn được tính từ bình minh đến hoàng hôn, nên số giờ nhịn ăn thay đổi tùy theo mùa và nơi tín đồ Hồi giáo sinh sống. Ở gần các vùng cực, người theo đạo Hồi có thể phải nhịn ăn gần 22 giờ vào mùa Hè hoặc chỉ vài giờ vào mùa Đông. Trong ảnh: Bắn đại bác để thông báo thời gian bắt đầu bữa iftar trong tháng Ramadan, ở Erbil, Iraq. (Nguồn: Reuters)
Trong tháng lễ linh thiêng này, các tín đồ Hồi giáo sẽ thức dậy từ sớm để ăn một bữa trước bình minh gọi là suhoor và sau khi Mặt Trời lặn, họ sẽ ăn một bữa tối “xả chay” được gọi là iftar, kết thúc quá trình chay tịnh trong ngày. Trong ảnh: Mọi người tập trung ăn uống ở Heideveld, Cape Flats, Cape Town, Nam Phi. (Nguồn: Reuters)
Tháng Ramadan đem lại nhiều lợi ích khác cho cá nhân và cả xã hội. Thông qua việc nhịn ăn, người giàu hiểu được cái đói, cái khổ và sẽ có xu hướng làm từ thiện nhiều hơn khi họ nhịn ăn. Người Hồi giáo từ thiện hàng năm (zakat) vào tháng Ramadan. Trong ảnh: Đầu bếp người Ai Cập bưng khay thức ăn để phục vụ bữa ăn Iftar, bữa ăn kết thúc một ngày ăn chay, tại khu vực cạnh Bab al-Futuh, chiếc cổng gần 1.000 năm tuổi ở phía Bắc lối vào thành phố lịch sử Cairo, Ai Cập. (Nguồn: Reuters)
Người Hồi giáo cầu nguyện trước khi ăn bữa Iftar tại một cửa hàng bán động cơ điện ở khu phố cổ Delhi, Ấn Độ. (Nguồn: Reuters)
Tháng Ramadan thường kết thúc bằng một lễ kỷ niệm kéo dài ba ngày (lễ Eid al-Fitr), nơi người Hồi giáo tổ chức lễ cầu nguyện đặc biệt vào buổi sáng, sau đó đi thăm gia đình và bạn bè. Trong ảnh: Những tín đồ Shi'ite tham dự buổi cầu nguyện Eid al-Fitr, đánh dấu sự kết thúc của tháng Ramadan, tại đền thờ Imam Ali ở thành phố linh thiêng Najaf, Iraq. (Nguồn: Reuters)
Các tín đồ cũng thường làm từ thiện (fitr) để đảm bảo rằng những người nghèo cũng có thể tham gia lễ cầu nguyện và chúc mừng hoàn thành tháng lễ. Trong ảnh: Những người Hồi giáo Albania đang tham dự buổi cầu nguyện Eid al-Fitr để đánh dấu sự kết thúc của tháng Ramadan, tại Quảng trường Skanderbeg ở Tirana, Albania. (Nguồn: Reuters)
Người Hồi giáo tham dự lễ cầu nguyện Eid al-Fitr, đánh dấu sự kết thúc của tháng Ramadan, gần Nhà thờ Hồi giáo ở Moscow, Nga. (Nguồn: Reuters)
Tại Mỹ - nơi người Hồi giáo là một nhóm thiểu số đa dạng về sắc tộc và chủng tộc -nhiều người sẽ cùng nhau cầu nguyện và tham gia các lễ hội có các hoạt động vui chơi dành cho trẻ em và gia đình như xoắn bóng bay hay vẽ mặt. Trong ảnh: Mọi người cầu nguyện bên ngoài nhà thờ Hồi giáo Masjid At-Taqwa trong lễ Eid al-Fitr ở khu Bedford-Stuyvesant thuộc quận Brooklyn của thành phố New York, Mỹ. (Nguồn: Reuters)
Trở lại Nhà Trắng một cách mạnh mẽ, áp đảo, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ 'đối đãi' với thế giới như thế nào trong nhiệm kỳ 2.0 vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.