Sáng 21/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Phiên toàn thể về Ngoại giao Kinh tế phục vụ phát triển đất nước trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao 32.
Phiên toàn thể về Ngoại giao Kinh tế phục vụ phát triển đất nước trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao 32 với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng” diễn ra dưới hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến. Trong ảnh: Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự Hội nghị.
Từ Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần thứ nhất và Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 đến nay, tình hình thế giới và khu vực đã trải qua những biến động lớn, phức tạp, tác động nhiều chiều đến phát triển kinh tế- xã hội của nước ta. Trong bối cảnh đó, bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, phát huy mạnh mẽ bản sắc "ngoại giao cây tre Việt Nam", vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược, linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên cường vì lợi ích quốc gia - dân tộc, ngành Ngoại giao đã khắc phục nhiều khó khăn, thử thách, cùng các ngành, các cấp triển khai đồng bộ, hiệu quả các trụ cột, binh chủng đối ngoại và ngoại giao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và các vị Lãnh đạo Bộ Ngoại giao tham dự Hội nghị.
Ngay sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày quảng bá sản phẩm nông sản địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe Phó Tổng Biên tập báo Thế giới & Việt Nam báo cáo và giới thiệu ấn phẩm chào mừng Hội nghị Ngoại giao 32.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng trước sự phát triển của Tờ báo, đồng thời đề nghị Ban biên tập nỗ lực hơn nữa để đưa Báo Thế giới & Việt Nam trở thành Tờ báo đối ngoại hàng đầu cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham quan Triển lãm các thành tựu đối ngoại kể từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Hội nghị đối ngoại toàn quốc lần thứ nhất (tháng 12/2021) đến nay, trong đó Thủ tướng đã có nhiều hoạt động song phương và đa phương, cũng như chỉ đạo trực tiếp các hoạt động của Bộ Ngoại giao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiến vào Hội trường tham dự Phiên toàn thể Ngoại giao Kinh tế phục vụ phát triển đất nước.
Cùng tham dự Hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Lê Minh Hoan; Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Lê Huy Vịnh; Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc…
Tham dự sự kiện trực tiếp và trực tuyến còn có lãnh đạo các ban, bộ, ngành, lãnh đạo 63 tỉnh, thành, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì thảo luận tại Hội nghị.
Phát biểu khai mạc và dẫn đề Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, từ Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần thứ nhất và Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 đến nay, các hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, rộng khắp các châu lục trên cả bình diện song phương và đa phương. Trong 3 năm qua, chúng ta đã tổ chức thành công 45 chuyến thăm của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt tới các nước láng giềng, các nước đối tác chiến lược, nhiều đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và tham dự nhiều diễn đàn đa phương quan trọng, đồng thời đón gần 50 chuyến thăm của Lãnh đạo các nước đến Việt Nam, trong đó có những chuyến thăm mang tính lịch sử.
Cùng với đó, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao, khuôn khổ quan hệ với nhiều đối tác quan trọng được nâng lên tầm cao mới, mạng lưới quan hệ đối ngoại đã đạt được những bước phát triển mới về chất, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi. Ngành Ngoại giao đã cùng với quốc phòng và an ninh giữ vững trật tự, an toàn xã hội bên trong, môi trường hòa bình, ổn định bên ngoài, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, huy động nhiều nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Trong bối cảnh thế giới nhiều bất ổn, cộng đồng quốc tế coi Việt Nam là điểm sáng để đầu tư, làm ăn kinh doanh”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Sau khi nghe các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đại diện Lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư...; đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp lớn trao đổi, chia sẻ, phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, sau Đại hội Đảng thứ XIII, công tác Ngoại giao Kinh tế (NGKT) có 6 thành tựu nổi bật.
Thứ nhất, liên tục đổi mới tư duy, thay đổi nhận thức về NGKT, nắm chắc tình hình khu vực, thế giới, tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước, xây dựng chính sách và thực hiện chính sách về NGKT.
Thứ hai, kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại. Phát huy mạnh mẽ mối quan hệ giữa lấy nguồn lực bên trong với nguồn lực bên ngoài, từ đó, huy động nguồn lực để phát triển đất nước.
Thứ ba, góp phần giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, mang tính toàn dân như vấn đề đại dịch, vấn đề chống biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng.
Thứ tư, góp phần quan trọng tạo môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển để huy động nguồn lực.
Thứ năm, thúc đẩy ngoại giao văn hóa, phát huy sức mạnh nội sinh của dân tộc với tinh thần “văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất, văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Trong ảnh: Thủ tướng trao đổi với các vị nguyên Lãnh đạo Bộ Ngoại giao.
Thứ sáu, thúc đẩy ngoại giao nhân dân, thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa người dân với người dân, lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm phục vụ. Thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa các địa phương.
Trong ảnh: Thủ tướng và các đại biểu dự Hội nghị.
Thời gian tới, cần kế thừa từ giai đoạn trước và phát triển lên nữa, phù hợp với tình hình thế giới và giai đoạn hiện nay. Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng đã có phát biểu chỉ đạo phương hướng, nhiệm vụ của công tác NGKT trong tình hình mới.
Để ghi nhận những đóng góp tích cực vào thành tựu đối ngoại của đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 6 cá nhân và 6 tập thể thuộc Bộ Ngoại giao đã có những thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực công tác: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng; Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng; Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc Đặng Hoàng Giang; Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng; Vụ trưởng, Vụ Hợp tác kinh tế đa phương Trần Bảo Ngọc; Phó Vụ trưởng, Vụ các Tổ chức quốc tế Hoàng Thị Thanh Nga; Đại diện tập thểVụ châu Âu; Đại diện tập thể Báo Thế giới và Việt Nam; Đại diện tập thể Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia; Đại diện tập thể Đại sứ quán Việt Nam tại Lào; Đại diện tập thể Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia; Đại diện tập thể Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Để ghi nhận sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả của các ban, bộ, ngành góp phần vào thành công trong công tác đối ngoại của đất nước và công tác của Bộ Ngoại giao nói riêng, nhân dịp này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn trao tặng Bằng khen Bộ trưởng cho các tập thể thuộc các ban, bộ, ngành: Vụ châu Mỹ, Ban Đối ngoại Trung ương; Vụ Trung Quốc - Đông Bắc Á, Ban Đối ngoại Trung ương; Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ; Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng; Cục Đối ngoại, Bộ Công an; Cục An ninh Đối ngoại, Bộ Công an; Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Vụ Thị trường châu Á- châu Phi, Bộ Công Thương; Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các thế hệ cán bộ Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao - đơn vị đầu mối trong thực hiện công tác Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển.