Toàn cảnh Lễ mít-tinh hưởng ứng Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2023, sáng 27/12, tại Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Sự kiện có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương, đại diện chính quyền cơ sở và các cơ quan, tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh, Bộ Y tế kêu gọi toàn dân và cộng đồng nâng cao ý thức phòng bệnh, tăng cường sức khoẻ; thường xuyên tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch và đề nghị các ngành, địa phương phối hợp, chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp và huy động toàn xã hội, các tổ chức chính trị, đoàn thể tham gia trong công tác phòng, chống dịch để chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa, hạn chế dịch bệnh bùng phát, luôn chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với đại dịch, các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương khẳng định, để phòng bệnh từ sớm, từ xa, để hạn chế dịch bệnh bùng phát và chủ động, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lại, Bộ Y tế sẽ tập trung tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, trong đó triển khai thực hiện Chỉ thị 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư; Nghị quyết 99/2023/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 218/NQ-CP ngày 18/12/2023; đồng thời tiếp tục chủ động đẩy mạnh tiếp cận an ninh y tế toàn cầu trong phòng, chống dịch để thông tin, chia sẻ kinh nghiệm thông qua các cơ chế hợp tác song phương, đa phương trên cơ sở phối hợp liên ngành, đa lĩnh vực, thể hiện tinh thần trách nhiệm của Việt Nam, cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với dịch bệnh.
Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định, các hoạt động kỷ niệm Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhắc nhở về những tác động mà dịch bệnh đã và có thể gây ra. Từ đó, mọi người dân nhận thức rõ về tầm quan trọng của công tác phòng ngừa dịch bệnh, nâng cao nhận thức, trao đổi thông tin kiến thức khoa học, chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt để giáo dục và tuyên truyền về phòng ngừa, ứng phó với dịch bệnh.
Đồng thời, các hoạt động kỷ niệm cũng sẽ giúp chúng ta nâng cao mức độ sẵn sàng để có thể ứng phó nhanh hơn, hiệu quả hơn và phù hợp hơn với bất kỳ dịch bệnh nào có thể xảy ra. Đặc biệt, cần phải tăng cường tính hiệu quả của hệ thống ý tế cộng đồng.
Cùng với đó, các hoạt động kỷ niệm Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh cũng tái khẳng định tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương của hợp tác quốc tế, đoàn kết quốc tế giữa mọi cá nhân, mọi cộng đồng, các quốc gia cũng như tổ chức khu vực và tổ chức quốc tế trong mọi giai đoạn của quản lý dịch bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cùng các đại biểu ấn nút hưởng ứng Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh 2023. (Ảnh: Tuấn Việt) |
Ngày 7/12/2020, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua Nghi quyết A/RES/75/27 lấy ngày 27/12 hằng năm là Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng LHQ trong lĩnh vực y tế do Việt Nam đề xuất. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ động tổ chức và vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nuớc tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh hằng năm.
Trên cơ sở các bài học kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19, Bộ Y tế đưa ra chủ đề hưởng ứng Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2023 là "Toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh".
Nhân Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2023, Tổng thư ký LHQ đã đưa ra thông điệp hưởng ứng: "Từ bài học của đại dịch Covid-19, hãy cùng nhau hành động cho một thế giới khỏe mạnh hơn, bình đẳng hơn".
Các thông điệp truyền thông hưởng ứng Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh 2023 với chủ đề "Toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh", được Bộ Y tế xây dựng bao gồm: (1) Toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh; (2) Không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; (3) Chủ động phòng bệnh từ sớm, từ xa, từ cơ sở; (4) Phòng, chống dịch bệnh bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng; (5) Thường xuyên rửa tay, vệ sinh cá nhân để phòng, chống dịch bệnh; (6) Ăn chín, uống sôi, an toàn thực phẩm để phòng, chống dịch bệnh; (7) Thường xuyên vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nơi ở để ngăn ngừa mầm bệnh phát triển; (8) Tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả để chủ động phòng, chống dịch bệnh; (9) Quan hệ tình dục an toàn để phòng, chống bệnh lây truyền qua đường tình dục; (10) Thực hiện lối sống khoa học, dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường sức đề kháng; (11) Không tiếp xúc động vật ốm, chết và không sử dụng thực phẩm không an toàn; (12) Phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân: giữ ấm cơ thể; thể dục, thể thao; nâng cao thể trạng; (13) Khi có dấu hiệu mắc bệnh, đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, thăm khám kịp thời; (14) Không tự ý mua, sử dụng kháng sinh để phòng và chữa bệnh; (15) Thực hiện 2K (Khẩu trang-Khử khuẩn) để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm; (16) Đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng, tại các địa điểm tập trung đông người. |