Robot có khả năng thay thế con người trong phục vụ nhà hàng, khách sạn. (Ảnh minh họa) |
Ngôi chùa Kodaiji ở thành phố Kyoto (Nhật Bản) là nơi đầu tiên tại đất nước hoa anh đào sử dụng robot hình người để giảng đạo cho thế hệ trẻ. Các sư trụ trì tin rằng điều đó “sẽ thay đổi bộ mặt của Phật giáo”, theo Japan Times.
Robot mang tên Mindar được phát triển với chi phí gần 1 triệu USD trong một dự án chung giữa chùa Kodaiji và giáo sư chuyên về người máy nổi tiếng Hiroshi Ishiguro thuộc Đại học Osaka. Mindar có nhiệm vụ giảng dạy kinh Phật về lòng cảm thông, tác hại của sự giận dữ, ham muốn và bản ngã.
Những bài giảng kinh Phật được robot Mindar thể hiện bằng tiếng Nhật, dịch sang tiếng Anh và tiếng Trung, hiển thị trên màn hình để phục vụ du khách nước ngoài.
“Đó là vẻ đẹp của robot. Chúng có thể lưu trữ kiến thức vô hạn và mãi mãi. Chúng tôi hy vọng trí tuệ nhân tạo sẽ tiếp tục phát triển để giúp con người vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Robot đang giúp thay đổi Phật giáo”, nhà sư Tensho Goto tu tại chùa Kodaiji chia sẻ.
Phát triển theo thời đại
Hiện nay, con người khá quen thuộc với hình ảnh những robot biết nói, đi lại, cử động như người. Tuy nhiên, có lẽ khó hình dung được con người sẽ phát triển robot đến mức nào.
Thuật ngữ “robot” xuất hiện từ năm 1920 đến nay đã được hơn 100 năm. Robot hình người đầu tiên được một giáo sư Nhật Bản chế tạo vào năm 1973, đến nay đã có rất nhiều loại robot hình người tân tiến ra đời, phục vụ nhu cầu cũng như thỏa mãn sự sáng tạo không giới hạn của con người. Những chú robot quen thuộc như ASHIMO, AIBO… liên tiếp có phiên bản mới, cải tiến hơn trong những năm gần đây.
Tại Triển lãm robot ở Nhật Bản có tên “Bạn và robot”, chị Sonyama Yukie, hướng dẫn viên, cho biết: “Với khoảng 130 mẫu robot, chúng tôi không chỉ muốn mọi người khám phá, trải nghiệm những điều thú vị của robot mà hơn nữa, thông qua sự phát triển của robot, chúng tôi hy vọng mỗi chúng ta sẽ có những chiêm nghiệm về con người, về mối quan hệ giữa con người và robot”.
Triển lãm đem lại cái nhìn tổng thể về quá trình phát triển robot cũng như góc nhìn mới về vai trò của robot. Triển lãm trưng bày những robot mang tính phục vụ như robot nhiều tay giúp con người có thể làm nhiều việc cùng một lúc, robot có đuôi giúp con người giữ thăng bằng, hay robot khổng lồ thay cho máy công nghiệp nặng. Chỉ cần ngồi một chỗ đeo chiếc kính cảm ứng là robot sẽ thay người khuân vác, di chuyển đồ đạc bằng cách mô phỏng hành động nhận được từ sóng não.
Với khoảng 90 thể loại, 130 mẫu robot được hơn 100 doanh nghiệp, phòng nghiên cứu của các trường đại học hợp tác chế tạo, triển lãm đem lại cái nhìn tổng thể về quá trình phát triển robot tại Nhật Bản, góc nhìn mới về vai trò của robot trong cuộc sống hiện tại và tương lai.
Với sự phát triển của xã hội và quá trình hiện đại hóa ở các nước G7 (Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada) thì nhiều dịch vụ mới được hình thành làm thay đổi quan điểm về robot, từ robot phục vụ công nghiệp sang phục vụ cho các nhu cầu xã hội và cá nhân của con người.
Các chuyên gia dự báo trong vòng hai thập kỷ tới, mỗi người sẽ có nhu cầu sử dụng một robot cá nhân, giống như cần dùng một chiếc máy tính hiện nay. Robot sẽ là tâm điểm của một cuộc cách mạng công nghệ lớn sau Internet. Với xu thế này, cùng với các ứng dụng truyền thống khác của robot trong công nghiệp, y tế, giáo dục, giải trí, và đặc biệt trong an ninh quốc phòng thì thị trường robot và các dịch vụ kéo theo sẽ vô cùng lớn.
Thị trường đầy hứa hẹn
Chi phí cho một công nhân có khả năng đa nhiệm thường đắt hơn cả dùng robot công nghiệp. Điều này nghĩa là sử dụng robot có khả năng giảm chi phí lao động trực tiếp. Nó có thể “giải phóng” công nhân để các kỹ năng và chuyên môn của họ được sử dụng trong các lĩnh vực khác như kỹ thuật, lập trình và bảo trì.
Ngoài các robot di động chạy bằng bánh xe và xích thì hiện nay các nhà nghiên cứu đang nỗ lực áp dụng các cơ chế dịch chuyển của sinh vật sống vào robot, để tạo ra nhiều loại robot phỏng sinh học mới với khả năng dịch chuyển tự thích nghi cao. Có thể kể đến các loại như robot đi, robot dáng người, robot gia đình…
Ở robot đi, mỗi chân robot giống như một chuỗi có 2-3 khớp. Robot dùng chân dịch chuyển có nhiều ưu điểm hơn sử dụng bánh xe hay xích, và có khả năng đi trên địa hình lồi lõm mà vẫn giữ được chuyển động trơn tru, khả năng lên xuống cầu thang, vượt vật cản, vượt mương, đi trên đất lún hay trên cát mà các bánh xe tự hành không làm được. Robot đi cũng được ứng dụng vào nhiệm vụ dò phá mìn, ứng dụng trong nông - lâm nghiệp.
Các robot dáng người như ASHIMO, Qrio và HRP-4 có thể đi lại, nhảy múa, lên xuống cầu thang, có cử chỉ thân thiện và hội thoại với con người. Hướng phát triển của robot loại này là dáng người và chuyển động sẽ trở nên tinh vi, nhẹ nhàng và linh hoạt.
Robot gia đình là loại robot thân thiện với người dùng, giá cả phải chăng, an toàn và giúp đỡ con người trong một số công việc nội trợ cụ thể. Tuy thị trường của robot gia đình hiện nay còn nhỏ, nhưng khi ngành công nghiệp này khởi sắc sẽ có sức tăng trưởng mạnh và trở thành một lĩnh vực rất hữu ích và sinh lợi.
Tại Việt Nam, nghiên cứu phát triển robot đã có những bước tiến đáng kể trong 25 năm qua. Nhiều đơn vị trên toàn quốc thực hiện các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng về robot như Trung tâm Tự động hóa, Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia & TP. HCM, Viện Điện tử - Tin học - Tự động hóa thuộc Bộ Công nghiệp, Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Viện Cơ học, Viện Công nghệ thông tin thuộc Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam…
Những ứng dụng của robot trong đời sống và sản xuất là không thể phủ nhận. Robot đang có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển trong tương lai. Bởi vậy, các doanh nghiệp lớn trên thế giới chắc chắn sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực này nhằm đạt được lợi ích tối đa.
| Nga 'trình làng' robot chiến đấu bắn nhanh và chuẩn hơn con người Các cuộc thử nghiệm dành cho robot chiến đấu Marker đã chỉ ra rằng, khi được trang bị mô-đun súng phóng lựu, nó có khả ... |
| Trí tuệ nhân tạo và mối nguy chiến tranh hiện đại Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể làm thay đổi cách thức tác chiến và ra quyết định trong chiến tranh hiện đại. |
| Trung Quốc tiếp tục triển khai sứ mệnh khám phá Mặt Trăng đúng kế hoạch Cục Vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) vừa thông báo dự án sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng mang tên Hằng Nga 6 (Chang'e-6) ... |
| Những chú robot bốn chân tại ASIAD 19 có gì đặc biệt? Ban tổ chức ASIAD 19 cho biết, họ gọi những chú chó robot bốn chân là "những người anh hùng thầm lặng". |
| Phụ nữ đừng để mình rơi vào khủng hoảng, bỏ bê bản thân vì thiếu thời gian Không có một con robot hay trí tuệ nhân tạo nào có thể thay thế được sự thấu hiểu, bao dung và tình yêu thương ... |