Ngày kinh hoàng ở Milan
Sau khi giành vương miện Hoa hậu Thế giới 1998, người đẹp Israel Linor Abargil đã khóc như mưa. Và đó không chỉ là những giọt nước mắt của hạnh phúc.
Sự tổn thương. Nỗi đau khổ. Cảm giác xấu hổ.
Nước mắt ngày đăng quang... |
Bởi chỉ trước đó sáu tuần, người mẫu triển vọng của Israel là nạn nhân của một vụ cưỡng hiếp hung bạo ở Italy. Sau khi tham gia một chương trình thời trang ở Milan, Abargil đã gọi điện nhờ Uri Shlomo Nur, hướng dẫn viên du lịch người Israel đặt vé máy bay từ Milan đến Rome để cô trở về Israel.
Thông báo rằng không còn chuyến bay nào, Nur bảo sẽ tự mình lái xe đưa cô đến Rome. Khi vừa qua thành phố Milan, Nur dừng xe, dí dao vào cổ Abargil và liên tục hãm hiếp cô…
Để tự cứu mình, Abargil đã hứa với Nur rằng cô sẽ không bao giờ kể lại chuyện này.
Nhưng điều Abargil hứa đã không xảy ra. Sau khi trốn thoát, cô lập tức tố cáo với nhà chức trách. Tuy nhiên, cảnh sát Italy buộc phải để kẻ hung ác nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật do thiếu bằng chứng…
Và khi đại diện của Israel đăng quang ngôi vị cao nhất của cuộc thi sắc đẹp, cảnh sát vẫn đang tiến hành điều tra vụ việc.
Trong khi Abargil lên ngôi cao nhất của cuộc thi, cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục. |
Cô gái 18 tuổi được yêu cầu giữ yên lặng về vụ cưỡng hiếp để không ngăn Shlomo Nur trở về Israel – nơi cảnh sát Israel, với sự phối hợp của nhà chức trách Italy, đang chờ sẵn với lệnh bắt vì tội hiếp dâm.
Tuy nhiên, sau khi vương miện danh giá được trao cho người đẹp Israel, câu chuyện về vụ cưỡng hiếp ở Milan đã được “đào xới” khắp báo chí Italy và quốc tế. Tân Hoa hậu Thế giới trở thành hình ảnh đại diện của nạn nhân hiếp dâm trên thế giới…
Điều may mắn là Shlomo Nur không đọc những tin tức đó và anh ta đã bị bắt tại sân bay Tel Aviv khi tìm cách trở về Israel. Sau một phiên tòa kéo dài, anh ta phải chấp nhận bản án 16 năm tù.
Sứ mệnh “cứu thế giới”
"Như bao Hoa hậu Thế giới khác từng nói, tôi muốn cứu thế giới”. |
Trong lần trả lời phỏng vấn trên tờ Telegraph (Anh) sau 16 năm xảy ra sự việc tồi tệ đó, Linor nhớ lại rất rõ: “Khi tôi đứng trên sân khấu với chiếc vương miện, suy nghĩ đầu tiên của tôi là những gì xảy ra với tôi cách đây hai tháng và tôi thấy mình cần phải trở về quê nhà ngay lập tức”.
Từ thời điểm đối diện với nỗi nhục nhã và thậm chí là cái chết cho đến khi có mặt ở sân khấu lớn ở đảo Mahé, Seychelles trước sự theo dõi của hàng triệu người, với Abargil là “quá đủ rồi”.
“Tuy nhiên, Chúa đã có những kế hoạch khác. Tôi nghĩ rằng chiếc vương miện này được dành cho tôi, để chỉ đường cho tôi làm những việc của ngày hôm nay”, Hoa hậu Thế giới gốc Do thái đầu tiên chia sẻ.
“Những việc của ngày hôm nay” chính là những chuyến đi khắp thế giới và gặp gỡ các nhóm nam giới và nữ giới… “Như bao Hoa hậu Thế giới khác từng nói: Tôi muốn cứu thế giới”, nữ luật sư nói.
Sau vụ tố cáo Nur thành công, Abargil cho biết, “một số cô gái đã gọi điện cho tôi và nói rằng chính anh ta đã làm điều tương tự với họ. Họ cũng không có bằng chứng. Nếu những cô gái này cũng hành động như tôi thì có thể chuyện tồi tệ không xảy ra với tôi”.
Không chỉ lên tiếng về vụ cưỡng hiếp, Abargil còn tìm cách hàn gắn vết thương cho những người từng gặp cảnh ngộ như mình. Cô lập trang web Hoa hậu Thế giới dũng cảm (bravemissworld.com) để không chỉ kể chuyện của mình mà còn kêu gọi những nạn nhân khác kể lại câu chuyện của chính họ.
Trong phim, Abargil kể về câu chuyện của mình cũng như khích lệ những nạn nhân khác đứng lên chống lại bạo lực tình dục. |
Ròng rã suốt 5 năm, cô cùng nhà sản xuất Cecilia Peck (con gái của tài tử Hollywood Gregory Peck) thực hiện bộ phim tài liệu Brave Miss World (Hoa hậu Thế giới dũng cảm) về chính ký ức thương tâm trong cuộc đời mình. Bộ phim cũng ghi lại những cuộc trò chuyện giữa Abargil với rất nhiều phụ nữ từng là nạn nhân của vụ cưỡng hiếp, như các ngôi sao Hollywood Joan Collins và Fran Drescher.
Phần lớn phụ nữ mà cô gặp cũng chia sẻ các câu chuyện của họ trên trang web Hoa hậu Thế giới dũng cảm. Hàng trăm câu chuyện đã được kể và không biết bao nhiều lần Abargil rơi nước mắt cho những người cùng cảnh ngộ…
Không ngại từ “cưỡng hiếp”
Cô cử nhân luật trường Netanya Academic College cho rằng việc lên tiếng về các vụ cưỡng hiếp rất quan trọng. “Bởi những phụ nữ này không nói, họ không muốn tin rằng điều đó đã xảy ra. Họ sợ phải nhắc đến từ cưỡng hiếp”.
Theo Abargil, nếu dám nói ra từ “cưỡng hiếp”, họ sẽ có thêm sức mạnh để đối mặt và vượt qua nỗi sợ hãi. Khi đó, họ sẽ có khả năng kiểm soát bản thân suốt quãng đời còn lại.
Người mẹ của ba đứa con này cũng đã đến nhiều nước trên thế giới để nói chuyện về vấn đề bảo vệ phụ nữ khỏi những vụ tấn công tình dục. Cô không chỉ muốn giúp đỡ phụ nữ Israel mà cả những phụ nữ khác trên khắp thế giới.
Việc lên tiếng về thực trạng của nạn hiếp dâm sẽ giúp thay đổi cách nhìn của xã hội về các vụ tấn công tình dục. |
Theo quan sát của Abargil, phần lớn nạn nhân không muốn kể lại cơn ác mộng của họ. Và điều đó khiến cô khác biệt. “Tôi không bao giờ đổ lỗi cho chính mình hay nghĩ rằng điều đó xảy ra là do tôi. Tôi không bao giờ giữ nó ở trong lòng. Tôi phát biểu, tôi la hét, tôi không sợ”.
Cựu Hoa hậu Thế giới hy vọng việc lên tiếng về thực trạng của nạn hiếp dâm sẽ giúp thay đổi cách nhìn của xã hội về các vụ tấn công tình dục. “Thay vì nhìn vào mình như là nạn nhân, mọi người nhìn chúng ta như thể chúng ta là vấn đề - cứ như chúng ta là những kẻ cưỡng hiếp và làm điều gì đó sai trái”.
“Nếu bạn không nói ra thì chẳng có gì sẽ thay đổi cả. Tôi hy vọng đàn ông sẽ sợ hãi bởi họ biết chúng ta đã bắt đầu lên tiếng. Tôi hy vọng đàn ông sẽ thực thụ là đàn ông và hành động như những người bình thường, không phải như thú vật. Tôi hy vọng chúng ta sẽ nuôi dạy con cái tôn trọng chính mình và những người xung quanh”.
Và phụ nữ sẽ bắt đầu thay đổi quan niệm của chính mình về cưỡng hiếp. Các nạn nhân sẽ lên tiếng mà không phải xấu hổ, nhục nhã hay căm ghét chính mình. “Nếu có chuyện xảy ra, chúng ta thường đổ lỗi cho bản thân. Bởi chúng ta lớn lên trong một xã hội mà nếu mọi thứ không đi đúng hướng, nghĩa là chúng ta sai”.
Chiều 10/3 tại Trung tâm Văn hóa Pháp (L'Espace), Đại sứ quán Israel tại Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tổ chức buổi chiếu phim Hoa hậu Thế giới dũng cảm (2013) và Tọa đàm với chủ đề “Hãy lên tiếng”. Đại sứ Israel Meirav Eilon Shahar sẽ cùng chia sẻ chuyên môn và kinh nghiệm trong việc giải quyết vấn đề bạo lực phụ nữ cũng như khuyến khích các nạn nhân chấm dứt sự im lặng của mình bằng cách lên tiếng. |