Lợi ích “sát sườn”
Theo báo cáo về vi phạm bản quyền phần mềm (BQPM) của Liên minh DN phần mềm (BSA) và Công ty dữ liệu quốc tế Mỹ (IDC), việc vi phạm BQPM có ảnh hưởng xấu về mặt kinh tế như cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp phần mềm trong nước, thất thu thuế và các cơ hội việc làm của các nền kinh tế địa phương. Theo báo cáo này, nếu từ nay đến 2009, vi phạm BQPM ở Việt Nam giảm được 10 điểm từ 92% đến 82%, thì kết quả đó sẽ trực tiếp đóng góp 1 tỷ USD vào GDP, tạo ra trên 4.000 việc làm trong lĩnh vực công nghệ cao cũng như đóng góp thêm 43 triệu USD tiền thuế vào ngân sách địa phương và 726 triệu USD doanh thu cho các công ty phần mềm trong nước…
Ngay sau khi gia nhập WTO, nhiều DN Việt Nam đã nhận thức và có những cố gắng lớn trong việc cam kết bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Chỉ một thời gian ngắn sau khi Chính phủ Việt Nam ký kết các thỏa thuận hợp tác về cung cấp BQPM, nhiều đơn vị, tổ chức tại Việt Nam đã bắt đầu mua phần mềm có bản quyền để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình. Theo ước tính trong năm 2007, Việt Nam đã chi khoảng 34 triệu USD mua BQPM.
Tuy nhiên, đánh giá về các động thái này, bên cạnh ý nghĩa chứng minh ý thức về bản quyền của Việt Nam đã tăng lên, thì nhiều chuyên gia CNTT lại đưa ra nhận định: đó là những hoạt động mang tính “đánh bóng thương hiệu” và không đứng trên quan điểm toàn cục dẫn đến giảm sức mạnh đàm phán về phương diện quốc gia.
...vẫn không quan trọng
Mặc dù đã có hàng loạt các hợp đồng lớn về phần mềm có bản quyền được ký kết, điển hình như: thỏa thuận sở hữu vĩnh viễn 15.000 giấy phép sử dụng Office 2003 của Bộ Tài chính, hợp đồng 3 triệu USD của Vietcombank với Microsoft, thỏa thuận 1 triệu USD của FPT với Microsoft… nhưng theo thống kê của BSA, năm 2007 tỷ lệ vi phạm BQPM của Việt Nam vẫn chỉ giảm được vẻn vẹn có 3% so với năm 2006 (từ 88% xuống còn 85%). Mức giảm này vẫn chưa đủ để đưa Việt Nam ra khỏi Top 15 nước có tỷ lệ vi phạm BQPM máy tính cá nhân (PC) cao nhất thế giới. Hơn nữa, tuy giảm về tỷ lệ nhưng tính toán thiệt hại lại tăng gấp đôi, với tổng số tiền lên tới 200 triệu USD.
Người ta cho rằng một trong những nguyên nhân chính là do số lượng máy tính đã tăng rất nhanh trong năm 2006 và 2007 (mức tăng trưởng máy tính được IDC ước tính lên tới 40% trong năm 2007). Nhưng một thực tế là tình trạng vi phạm BQPM tại VN vẫn rất phổ biến không chỉ ở các máy tính cá nhân. Trong bối cảnh là thành viên WTO, thì điều này không thể tiếp tục tồn tại và việc chống vi phạm BQPM đồng nghĩa với ý thức thực thi nghiêm túc quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực này tại các cơ quan chính phủ, các DN kinh doanh và người dân.
Giải pháp nào?
Ngoài các khuyến nghị của BSA, về việc thực hiện chương trình hành động 5 điểm nhằm giảm tỷ lệ vi phạm BQPM như tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của sở hữu trí tuệ, các nguy cơ khi sử dụng phần mềm không có giấy phép sử dụng, cập nhật các luật quốc gia về bản quyền… Khi các biện pháp xử phạt của các cơ quan chức năng chưa đủ sức răn đe, thì phần mềm nguồn mở được xem là một giải pháp khá chủ động trong cuộc chiến chống lại tình trạng trên. Tác giả gốc sẽ giữ bản quyền về phần mềm nhưng cho phép người dùng rất nhiều quyền khác như quyền tìm hiểu, phát triển và khai thác thương mại sản phẩm. Trên thế giới, phần mềm mã nguồn mở đang được coi như sự lựa chọn đúng đắn trong chiến lược phát triển của DN.
Ngoài ra, các chuyên gia CNTT đều có chung nhận định rằng, cần đến vai trò của Chính phủ trong việc điều phối, chủ trì đàm phán với các hãng bản quyền chứ không nên để các bộ, ngành và các “DN lớn” tự ý thực hiện mua bán để có thể mua được phần mềm với chi phí hợp lý cho phạm vi lớn, tránh lãng phí.
Minh Anh