Lễ trao giải thưởng ASEAN-Mỹ dành cho các nhà khoa học nữ năm 2023. (Nguồn: Phái đoàn Mỹ tại ASEAN) |
Ngày 20/10, Ủy ban Khoa học, công nghệ và đổi mới ASEAN (ASEAN COSTI) cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và Viện nghiên cứu UL (ULRI) công bố Giải thưởng ASEAN-Mỹ dành cho các nhà khoa học nữ năm 2023.
Vượt qua 51 ứng viên tranh tài với chủ đề điện khí hóa năm nay, Tiến sĩ Pimpa Limthongkul (Thái Lan) giành chiến thắng tại hạng mục dành riêng cho các nhà khoa học trên 46 tuổi, trong khi Tiến sĩ Charlle L. Sy (Philippines) được tôn vinh trong hạng mục dành riêng cho các nhà khoa học dưới 45 tuổi. Mỗi người nhận được giải thưởng trị giá 12.500 USD.
Tiến sĩ Pimpa Limthongkul, nghiên cứu viên chính của Trung tâm Năng lượng quốc gia thuộc Cơ quan Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia Thái Lan, được trao giải về nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực lưu trữ năng lượng cho xe điện và lưới điện, cũng như phát triển một nền tảng trao đổi pin cho xe máy điện.
Trong khi đó, Tiến sĩ Charlle, Giáo sư Đại học De La Salle Manila của Philippines được tôn vinh với công trình nghiên cứu tăng hiệu quả và tính bền vững của các hệ thống thủy điện vi mô, qua đó mang lại các giải pháp năng lượng hiệu quả và linh hoạt hơn cho các cộng đồng địa phương.
Tại hạng mục dành riêng cho các nhà khoa học trên 46 tuổi, ban tổ chức đã trao giải thưởng danh dự trị giá 5.000 USD cho Tiến sĩ Madhavi Srinivasan (Singapore) với nghiên cứu cải thiện hiệu suất pin xe điện, giúp cải thiện khả năng lưu trữ, cho phép sạc nhanh hơn và nâng cao độ an toàn so với các sản phẩm hiện có trên thị trường.
Công trình nghiên cứu phát triển nhà máy điện ảo sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), giúp tạo ra các nguồn năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường và tiết kiệm chi phí của Tiến sĩ Nofri Yenita Dahlan (Malaysia) được trao giải thưởng danh dự tại hạng mục dành riêng cho các nhà khoa học dưới 45 tuổi.
Gửi lời chúc mừng tất cả những người chiến thắng, Chủ tịch ASEAN COSTI Mohammad Nazri Mohammad Yusof bày tỏ tự hào về giải thưởng “tiếp tục tôn vinh những nhà khoa học nữ ASEAN xuất sắc, những người đóng vai trò quan trọng trong việc áp dụng và sử dụng điện khí hóa một cách an toàn để chuyển đổi không chỉ cộng đồng của họ mà cả cộng đồng ASEAN rộng lớn hơn, đồng thời giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”.
Tiến sĩ Judy Jeevarajan, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Viện Nghiên cứu an toàn điện khí hóa (ESRI) của ULRI cho biết: “Giải thưởng năm nay đánh dấu 9 năm ghi nhận những đóng góp của các nhà khoa học nữ trong khu vực ASEAN và tài trợ giúp họ tiếp tục làm phong phú thêm các lĩnh vực nghiên cứu của mình”.
Gần 400 người tham gia từ tất cả 10 quốc gia thành viên ASEAN đã tham gia cuộc thi kể từ năm 2014.