PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam phát biểu tại một hội thảo về báo chí truyền thông. |
Những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, thế giới chứng kiến sự phát triển vũ bão của công nghệ số, làm thay đổi căn bản tính chất tương tác giữa cá nhân với cá nhân và giữa cá nhân với xã hội, tác động sâu rộng đến quan hệ của mọi giới, mọi ngành nghề, mọi người…, trong đó có báo chí - truyền thông. Có thể nói, truyền thống đang đứng trước thời điểm bản lề lịch sử mà nếu không có cách thức thay đổi, ứng phó phù hợp thì sẽ tụt hậu, dễ bị thua cuộc dù quá khứ rất vẻ vang.
Thực tế cho thấy, một loạt các tờ báo in lâu đời và danh tiếng thế giới phải đóng cửa hoặc đình bản ấn phẩm in để chuyển sang ấn phẩm điện tử như các tờ San Francisco Chronicle, Boston Globe hay Newsweek.., hoặc phải cắt giảm nhân sự, chuyển hướng phát triển nội dung sang các nền tảng công nghệ số như các tờ El Pais (Tây Ban Nha), Le Monde (Pháp), Der Spiegel (Đức). Tại Việt Nam, chiều hướng đi xuống của báo chí truyền thống cũng thể hiện rõ, do lượng công chúng suy giảm.
Truyền thông số đang là xu hướng tất yếu. Internet bùng nổ và có tốc độ tăng trưởng người dùng chóng mặt qua từng năm. Tổng kết năm 2016, Liên minh viễn thông thế giới (IUT) đưa ra các số liệu sau: (i) 3,77 tỷ người tiếp cận được với internet, chiếm 50% dân số thế giới; (ii) 2,79 tỷ người đăng ký tham gia vào các mạng xã hội;(iii) 4,9 tỷ người dùng thiết bị di động…Những con số trên cho thấy, đời sống con người hiện nay gắn chặt vào các thiết bị và ứng dụng công nghệ. Thách thức đặt ra là phải trang bị cho mình công cụ, kỹ năng và tư duy mới để tìm đến với những độc giả giờ đây có thể có được mọi thông tin nhanh chóng qua máy tính, điện thoại hay các phương tiện khác trên internet.
Như vậy, trong kỷ nguyên số bùng nổ hiện nay, báo chí truyền thống bắt buộc phải thay đổi nếu muốn tiếp tục tồn tại. Sự thay đổi này bao gồm cả việc thay đổi cách thức quản lý; áp dụng công nghệ vào quản lý tòa soạn; đầu tư cho các nền tảng công nghệ mới... Các phóng viên cũng phải trang bị cho mình kiến thức, kĩ năng công nghệ để có thể tác nghiệp một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên yêu cầu về nội dung vẫn là số 1. Thành công của một số tờ báo in lớn như New York Times, Le Monde và báo hình là CNN của Mỹ... cho thấy, báo chí vẫn có thể tồn tại vững vàng nếu biết thay đổi phù hợp: tích hợp được công nghệ số để làm nền tảng nhưng tập trung vào thế mạnh truyền thống của báo chí dòng chính là chất lượng thông tin.
Tác động của công nghệ, mạng xã hội đối với các cơ quan báo chí và công chúng ngày càng lớn, đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội đối với báo chí và cả xã hội. Nhanh nhưng phải đảm bảo tính chính xác, tính khoa học, tính nhân văn, có trách nhiệm cao với xã hội, thể hiện được bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Trong kỷ nguyên số, báo chí là những công cụ quan trọng được sử dụng để thực hiện chức năng tuyên truyền, giáo dục, kết nối, sẻ chia thông tin, tư tưởng, tình cảm trên internet và các loại hình truyền thông mới như Facebook và Twitter… Nếu báo chí truyền thống thích nghi nhanh, biết tích hợp những thế mạnh của từng loại hình và sử dụng chính mạng xã hội làm cổng ra cho thông tin của báo chí chính thống thì đây chính là cơ hội.
Nhân kỷ niệm 94 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2019), tôi xin chúc mừng những người làm báo cả nước và tôi tin tưởng rằng với bản lĩnh của nền báo chí cách mạng có bề dày gần 100 tuổi, Báo chí Việt Nam sẽ vượt qua các thách thức, tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.