📞

Tổng Giám đốc WHO: Nới lỏng hạn chế là khởi đầu giai đoạn tiếp theo trong cuộc chiến chống Covid-19

11:32 | 20/04/2020
TGVN. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định, việc nới lỏng các biện pháp hạn chế được triển khai để phòng chống dịch Covid-19 không có nghĩa đại dịch đã kết thúc mà đây là sự khởi đầu của giai đoạn tiếp theo. 
Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Y tế G20 tổ chức ngày 19/4. (Nguồn: THX)

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến Bộ trưởng Y tế nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 19/4, người đứng đầu WHO nhấn mạnh, tầm quan trọng của giai đoạn kế tiếp trong cuộc chiến chống Covid-19 là các nước cần chú trọng giáo dục, tham gia và tiếp sức cho người dân cùng ngăn chặn và ứng phó nhanh chóng trước nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát.

Ông Tedros bày tỏ sự phấn khởi trước việc một số nước trong nhóm G20 bắt đầu đưa ra kế hoạch để chuẩn bị nới lỏng hạn chế xã hội. Theo ông, điều quan trọng là kế hoạch này phải được thực hiện theo từng giai đoạn.

Tại cuộc họp, ông Tedros bày tỏ quan ngại sâu sắc về tốc độ lây lan nhanh của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19 tại một số nước thiếu năng lực ứng phó trong nhóm G20, đồng thời cho rằng, cần có sự hỗ trợ cấp bách, song song với việc tiếp tục đảm bảo dịch vụ y tế thiết yếu và kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết.

Cuộc họp đã đưa ra tuyên bố nhấn mạnh: "Các bộ trưởng y tế thừa nhận, đại dịch Covid-19 làm bộc lộ những điểm yếu mang tính hệ thống trong hệ thống y tế. Covid-19 cũng cho thấy tính chất dễ bị tổn thương về năng lực toàn cầu trong việc ngăn chặn và ứng phó với các nguy cơ của đại dịch. Các bộ trưởng đã xem xét sự cần thiết nâng cao hiệu quả của các hệ thống y tế toàn cầu thông qua việc chia sẻ kiến thức và thu hẹp khoảng cách về khả năng ứng phó và sự sẵn sàng trước dịch bệnh".

Tuyên bố cũng cho biết, các bộ trưởng đã thông qua các biện pháp phòng ngừa nhằm kiềm chế dịch bệnh, nhưng không nêu chi tiết.

Trước đó, trong phát biểu khai mạc cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Saudi Arabia Tawfiq al-Rabiah cho biết, các hành động cấp bách bao gồm các tổ chức toàn cầu phối hợp ứng phó với dịch bệnh, chú trọng hỗ trợ các quốc gia cần được giúp đỡ, đầu tư nghiên cứu và phát triển sản xuất công nghệ, dụng cụ, vaccine phòng bệnh và phương pháp chữa bệnh.

Ông Rabiah cũng đề cập việc thành lập một lực lượng đặc nhiệm toàn cầu ứng phó với đại dịch, một trung tâm tiên tiến để chia sẻ thông tin nhằm nâng cao giá trị sức khỏe và một nhóm lãnh đạo an toàn bệnh nhân để cung cấp các nền tảng chia sẻ nhằm giảm thiểu rủi ro đối với sự an toàn của người bệnh.

(theo UN, Bloomberg)