📞

Tổng kết Dự án Đường dây nóng về phòng chống mua bán người

14:39 | 25/02/2016
Tính đến tháng 12/2015, có 4.649 cuộc gọi vào Đường dây nóng và các tổng đài kết nối tại tỉnh Hà Giang và An Giang.

Hội thảo tổng kết Dự án “Thành lập đường dây nóng về phòng chống mua bán người” được Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - LĐTBXH) tổ chức tại Hà Nội vào ngày 24/2.

Đây là dự án hợp tác kỹ thuật do Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em cùng JICA phối hợp triển khai tại hai tỉnh điểm là An Giang và Hà Giang.

Nhân viên tư vấn tại tổng đài Hà Nội.

Dự án được triển khai trong vòng 3 năm 8 tháng, bắt đầu từ tel:16/7/2012 đến tel:15/3/2016, nhằm tăng cường chức năng hoạt động của Đường dây nóng Hỗ trợ trẻ em hiện do Bộ LĐTBXH vận hành, để phục vụ cho công tác phòng chống mua bán người cũng như hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho các nạn nhân. Dự án cũng bao gồm các hoạt động khác như tăng cường cơ chế chuyển tuyến giữa các tổ chức có liên quan (Bộ LĐTBXH, Hội Phụ nữ, Bộ Công an và Bộ đội Biên phòng), xây dựng năng lực cho đội ngũ tư vấn và nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống mua bán người tại hai tỉnh điểm.

Thông tin chia sẻ tại Hội thảo của các đối tác Dự án cho thấy tính đến tháng 12/2015, có 4.649 cuộc gọi vào Đường dây nóng (18001567) và các tổng đài kết nối tại tỉnh Hà Giang và An Giang, trong đó khoảng 100 cuộc gọi đã được chuyển tuyến thành công đến các đơn vị có liên quan. Cơ chế phối hợp chính thức về phòng chống mua bán người từ cấp trung ương đến hai tỉnh điểm thông qua nhóm công tác đã được thiết lập và vận hành. Kế hoạch Hành động chung giữa các cơ quan có liên quan nhằm đảm bảo hợp tác hiệu quả trong công tác phòng chống mua bán người đã được ký kết và triển khai.

Hoạt động truyền thông tại An Giang.

Nhiều hoạt động truyền thông đã được tổ chức với nhiều hình thức phong phú nhằm tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống mua bán người. Ngoài ra, năng lực của các cán bộ tư vấn ở Hà Nội, Hà Giang và An Giang cũng được cải thiện thông qua một loạt các chương trình đào tạo do chuyên gia Nhật Bản và quốc tế cung cấp.

Chênh lệch về thu nhập và điều kiện sống giữa nông thôn và thành thị ở Việt Nam đã đẩy nhanh làn sóng di dân từ nông thôn đến thành thị, từ trong nước ra ngoài nước. Một trong những hệ luỵ của làn sóng di dân là nạn mua bán người ngày càng trở nên nghiêm trọng trong những năm gần đây.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam xác định nạn mua bán người là vấn đề xã hội nghiêm trọng cần được giải quyết cấp bách. Các hình thức mua bán người ngày càng trở nên tinh vi và khó phát hiện hơn và vì vậy nhu cầu đối với dịch vụ tư vấn và thông tin liên quan đến di trú và phòng chống nạn mua bán người cũng gia tăng.

Trên cơ sở đó, việc thành lập một đường dây nóng về phòng chống mua bán người được xem là vô cùng cần thiết và để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Việt Nam đã đề nghị Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ hợp tác kỹ thuật vào tháng 8/2010.