Tổng thống Indonesia Jokowi trả lời phỏng vấn Media Prima trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEAN 42. (Nguồn: Media Prima) |
Vấn đề Myanmar đang nổi cộm trong khu vực, với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2023, Indonesia có kế hoạch như thế nào đối với vấn đề này, đặc biệt trong việc đảm bảo thực hiện thành công Đồng thuận 5 điểm?
Điểm tham chiếu và nguyên tắc của ASEAN về vấn đề này là Đồng thuận 5 điểm (do các lãnh đạo ASEAN thông qua vào tháng 4/2021). Chúng tôi biết rằng tình hình của Myanmar đã hình thành trong bảy thập niên qua và đây không phải là vấn đề dễ giải quyết.
Việc này phức tạp và chỉ có thể giải quyết được nếu có ý chí mạnh mẽ từ chính Myanmar. Đây là yếu tố cốt lõi.
Đối với tôi, điều quan trọng đầu tiên và trên hết là mọi bạo lực phải nhanh chóng chấm dứt. Thứ hai là bắt đầu đối thoại giữa ASEAN với Myanmar cũng như giữa ASEAN với các nước láng giềng của Myanmar.
Chúng tôi có Văn phòng đặc phái viên ASEAN tại Myanmar. Văn phòng này luôn linh hoạt và thúc đẩy các cam kết. Chúng tôi mong rằng trong quá trình đó, đại diện Myanmar cũng sẽ đóng vai trò tích cực. Để đạt được cam kết cần phải có thiện chí từ hai phía.
Thưa Tổng thống, trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc đang gia tăng tại khu vực, trong đó có cả Biển Đông, đồng thời, tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc chưa có nhiều tiến triển. Quan điểm của Chủ tịch ASEAN 2023 về vấn đề này?
Lập trường của ASEAN rất rõ ràng. Chúng tôi muốn Biển Đông là một khu vực ổn định, hòa bình và thịnh vượng. Đây là điều mà tất cả các nước ASEAN đều mong muốn.
Chìa khóa để đạt được điều này là tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS (Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982). Tôi nhấn mạnh đây chính là chìa khóa.
"Chìa khóa để đạt được điều này là tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS (Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982). Tôi nhấn mạnh đây chính là chìa khóa". |
Không nên đưa ra những tuyên bố chủ quyền không có cơ sở. Như vậy, chúng ta có chìa khóa của vấn đề là tuân thủ luật pháp quốc tế. ASEAN sẽ tiếp tục thúc đẩy sự ổn định trong khu vực.
Indonesia đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2023 sau thành công với tư cách là chủ tịch G20 vào năm ngoái. Trong vai trò Chủ tịch G20, Indonesia đã nỗ lực điều phối Quỹ Đại dịch Covid-19 cũng như có vai trò không nhỏ trong việc huy động được 1,4 tỷ USD để giúp các nước có thu nhập thấp và trung bình giải quyết các cuộc khủng hoảng sức khỏe trong tương lai. Để cùng ASEAN phục hồi và phát triển, trong năm ASEAN 2023, Indonesia có những sáng kiến như thế nào?
Chúng tôi đã học được bài học kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19. Một quỹ y tế công khẩn cấp là vô cùng quan trọng. Đó là điều chúng ta phải chuẩn bị cho tương lai.
Chúng ta đã thành lập Quỹ Ứng phó ASEAN. Tất cả các quốc gia thành viên ASEAN sẽ đóng góp vào quỹ. Điều này rất quan trọng vì trong thời kỳ đại dịch sẽ cần có tiền để mua vaccine, thuốc men và vật tư y tế.
ASEAN cũng sẽ đẩy nhanh hoạt động của Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED). Khi Trung tâm đi vào hoạt động sẽ mang lại nhiều lợi ích vô giá với người dân trong khu vực.
Điều này phải được thực hiện. Chúng ta không thể để việc đổ xô đi mua vaccine và máy thở tái diễn một lần nữa. Trước dịch bệnh, mọi việc phải được chuẩn bị chu đáo, từ kinh phí, trang thiết bị, thuốc men, vaccine. Hợp tác toàn cầu cũng phải được tăng cường để tuyên truyền, giáo dục người dân về sức khỏe.
Hợp tác trong ngành y tế, dược phẩm và chăm sóc sức khỏe cũng là điều cần thiết giữa các quốc gia thành viên ASEAN để chúng ta không phụ thuộc vào các đối tác bên ngoài, hoàn toàn có thể ứng phó độc lập.
Đồng thuận 5 điểm của ASEAN về vấn đề Myanmar bao gồm: Chấm dứt bạo lực, đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan, gửi viện trợ cho Myanmar, bổ nhiệm đặc phái viên ASEAN để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán và cho phép đặc phái viên ASEAN đến Myanmar. |