📞

Tổng thống Iran nỗ lực sau JCPOA

08:00 | 08/07/2018
Tương lai của bản Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) và quyết sách vực dậy nền kinh tế đang trông cậy rất nhiều vào năng lực thương thảo của Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại châu Âu.

Ngày 2/7, Tổng thống Hassan Rouhani bắt đầu chuyến công du châu Âu. Chuyến đi lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Iran bởi nước này đang mong nhận được gói đề xuất của Liên minh châu Âu (EU) nhằm bảo vệ các lợi ích của Iran trong khuôn khổ JCPOA sau khi Mỹ rút khỏi.

Theo lịch trình, ngày 3/7, Tổng thống Iran đã tới Thuỵ Sỹ và gặp gỡ Tổng thống Alain Berset, trước khi tới thủ đô Vienna (Áo) ngày 4/7.

Mở rộng hợp tác

Phát biểu trong buổi họp báo chung với Tổng thống Alain Berset, ông Rouhami khẳng định Iran sẽ tiếp tục theo đuổi những cam kết về phi hạt nhân hóa, một khi lợi ích quốc gia của nước này tiếp tục được bảo đảm: “Sau JCPOA, chúng tôi đã thể hiện rất rõ rằng Iran sẽ tuân thủ những gì mà Tehran đã hứa… Thỏa thuận nằm trong lợi ích của tất cả các quốc gia trên thế giới và hòa bình quốc tế”. Nhà lãnh đạo Iran cũng khẳng định Washington sẽ không thể ngăn cản Tehran tiếp tục xuất khẩu dầu ra nước ngoài: “Giả định cho rằng Iran có thể là nước sản xuất dầu duy nhất không thể xuất khẩu dầu là sai lầm… Mỹ sẽ không bao giờ có thể ngăn Iran làm điều đó”.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani và người đồng cấp Thụy Sỹ Alain Berset trong buổi hội đàm ngày 3/7. (Nguồn: IRNA)

Về phần mình, ông Berset cũng khẳng định Thụy Sỹ ủng hộ những nỗ lực duy trì thỏa thuận được coi là “thành công chưa có tiền lệ trong lịch sử ngoại giao quốc tế”, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế, không vi phạm thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Liên quan đến nội dung “tình hình khu vực Trung Đông và việc chính thức công nhận Israel” trong cuộc thảo luận với Tổng thống nước chủ nhà, ông Hassan Rouhani cho biết Iran coi chính quyền Do Thái là “không hợp pháp”, với những hành động “hung hãng và đáng bị lên án” trong khu vực. Thời gian gần đây, mối quan hệ Tehran – Tel Aviv ngày một căng thẳng, đặc biệt là sau nhiều chiến dịch không kích trực tiếp của quân đội Israel vào các căn cứ quân sự chứa vũ khí Iran tại Syria. Thêm vào đó, khó khăn kinh tế cùng vấn đề thiếu nước mùa hè này của Iran, đi kèm với những tuyên bố “khiêu khích” từ phía Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, càng khiến Tổng thống Iran Hassan Rouhani “nóng mặt”. Ngày 1/7, Tướng Iran Gholam Reza Jalali đã cáo buộc Israel ăn cắp “mây mưa” và khiến Iran phải chịu cảnh hạn hán.

Bên cạnh những vấn đề chính trị, hai bên cũng cam kết mở rộng quan hệ đối tác kinh tế và tiến hành ký kết nhiều văn bản trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và khoa học. Một diễn đàn về sáng tạo và nông nghiệp, tập trung vào vấn đề thực phẩm và sức khỏe do Phòng Thương mại Công nghiệp Iran - Thụy Sỹ cũng đã diễn ra tại Bern ngày 3/7, với sự góp mặt của cả ông Berset và Rouhani.

Sau khi rời Thụy Sỹ ngày 3/7, Tổng thống Iran sẽ có chuyến thăm chính thức Áo và gặp gỡ Thủ tướng Sebastian Kurz và người đồng cấp Van der Bellen. Đáng chú ý, cùng lúc đó tại Vienna ngày 6/7, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif và 5 cường quốc thế giới (Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc) sẽ nhóm họp nhằm thảo luận về những biện pháp duy trì thỏa thuận sau khi Mỹ rút khỏi.

Dồn vào chân tường

Nhận định về chuyến thăm châu Âu của ông Rouhani, ông Afshin Shahi, giảng viên kỳ cựu về chính trị Trung Đông tại Đại học Bradford (Anh) cho rằng ông Rouhani đang ở một vị thế vô vùng khó khăn để “tìm kiếm bất kỳ một sự bảo đảm nào từ bất kỳ ai ở châu Âu”. Tuy nhiên, chỉ một chuyến công du là khó có thể xoay chuyển cục diện hiện nay, khi các nước châu Âu đều đã nói rõ rằng họ muốn duy trì thỏa thuận, song lại không thể bắt các công ty tiếp tục ở lại thị trường Iran để đối mặt với những trừng phạt từ phía Mỹ. Ông Shahi cho rằng đây có lẽ là thời khắc khó khăn nhất trong sự nghiệp của nhà lãnh đạo Iran và không loại trừ khả năng ông Rouhani sẽ phải rời bỏ vị trí Tổng thống trước khi năm 2018 kết thúc.

Chuyên gia Behnam Ben Taleblu của Quỹ Bảo vệ Hòa bình có trụ sở tại Washington (Mỹ) thì nhận định rằng chuyến thăm của ông Rouhani với châu Âu nhằm tăng cường áp lực lên EU và buộc khối này có hành động thiết thực nhằm cứu vãn thỏa thuận: “Ông Rouhani biết châu Âu buộc phải phản ứng trước nguy cơ tái khởi động chương trình hạt nhân Iran một khi JCPOA sụp đổ… Ông ấy cũng tìm kiếm đảm bảo về một kênh giao thương không bị ảnh hưởng bởi cấm vận, với các giao dịch được thực hiện trực tiếp bằng các đồng tiền khác tới các ngân hàng của châu Âu, thay vì phải thông qua Mỹ như thường lệ”. Song duy trì lợi ích kinh tế của Iran trước cấm vận của Mỹ, kêu gọi EU tiếp tục theo đuổi JCPOA sẽ là nhiệm vụ không hề dễ dàng dành cho nhà lãnh đạo Iran trong chuyến công du tới Vienna, nơi khai sinh của JCPOA.