📞

Tổng thống Iran thăm Trung Quốc: Chuyến đi đúng thời điểm, vạn sự có hanh thông?

Vy Anh 17:07 | 14/02/2023
Lựa chọn Trung Quốc cho chuyến công du nước ngoài hiếm hoi của mình, Tổng thống Iran mong muốn cùng Bắc Kinh tháo gỡ những thế bí mà nước này đang loay hoay tìm lối thoát.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi lên máy bay tại sân bay quốc tế Mehrabad ở Tehran, bắt đầu chuyến công du tới Trung Quốc. (Nguồn: AFP)

Phá vỡ "vòng kim cô" của Mỹ

Quan hệ Trung Quốc-Iran sẽ khăng khít hơn sau chuyến thăm Bắc Kinh kéo dài 3 ngày của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, bắt đầu từ ngày 14/2. Giới phân tích dự báo chuyến thăm sẽ thúc đẩy hợp tác chiến lược mạnh mẽ hơn giữa hai nước và một sự phối hợp chung về thỏa thuận hạt nhân Iran.

Tổng thống Raisi nhậm chức vào tháng 8/2021 nhưng hiếm khi công du nước ngoài. Ông đã bắt đầu chuyến bay đến Bắc Kinh vào tối 13/2, đánh dấu chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của một tổng thống Iran kể từ năm 2018.

Tehran đã gọi chuyến đi này là một sự phản ánh về “tầm quan trọng kinh tế, chính trị và chiến lược” của mối quan hệ song phương.

Tổng thống Raisi dự kiến gặp và hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai nhà lãnh đạo cũng đã gặp gỡ trực tiếp vào tháng 9/2022 bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại thành phố Samarkand của Uzbekistan.

Chuyến thăm lần này của Tổng thống Iran diễn ra khi Trung Quốc và Iran đều đang có mối quan hệ căng thẳng với Mỹ.

Trong một bài viết cho báo chí Trung Quốc trước thềm chuyến thăm, Tổng thống Raisi nhấn mạnh: “Iran và Trung Quốc tin rằng chủ nghĩa đơn phương và các biện pháp bạo lực, chẳng hạn như áp đặt các biện pháp trừng phạt bất công, là nguồn gốc chính của một thế giới đầy khủng hoảng và bất an. Trung Quốc và Iran đều nhất trí nhấn mạnh rằng tất cả các nước nên hợp tác để đạt được chủ nghĩa đa phương thực thụ, công lý quốc tế và một trật tự quốc tế công bằng trên thế giới”.

Vài ngày trước chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Raisi, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 7 cá nhân Iran vì họ tham gia vào các chương trình máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo của Tehran. Mỹ cho rằng các chương trình này đang được Nga sử dụng để nhắm mục tiêu vào các cơ sở hạ tầng quan trọng ở Ukraine.

Bên cạnh đó, chuyến công du của Tổng thống Raisi cũng diễn ra khi hai nước tiến tới hàn gắn mối quan hệ căng thẳng trong những tháng gần đây do Trung Quốc ủng hộ một giải pháp thương lượng cho tranh chấp lãnh thổ giữa Iran và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Tehran nói rằng các yêu sách chủ quyền của họ đối với các đảo Abu Musa và Greater and Lesser Tunbs ở Eo biển Hormuz mà họ nắm quyền kiểm soát vào năm 1971 là không thể thương lượng.

Fan Hongda, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Trung Đông của Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, cho biết hợp tác kinh tế và khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Raisi trong chuyến thăm Bắc Kinh lần này.

Được ký kết vào tháng 7/2015 giữa Iran và một số cường quốc thế giới, bao gồm cả Mỹ, thỏa thuận hạt nhân nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, nhưng đã bị đình trệ khi Mỹ rút lui.

"Hồi sinh" thỏa thuận hạt nhân

Theo Hãng thông tấn Mehr của Tehran, phái đoàn các quan chức cấp cao tháp tùng Tổng thống Raisi bao gồm các bộ trưởng phụ trách đối ngoại, kinh tế, phát triển đô thị, sản xuất dầu mỏ, công nghiệp khai thác mỏ, và Thống đốc ngân hàng trung ương Iran. Ali Bagheri Kani, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề chính trị và nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Iran, cũng tháp tủng Tổng thống Raisi.

Chuyên gia Fan nhận định: “Từ danh sách này, không khó để nhận ra lĩnh vực nào mà hai bên sẽ thảo luận trong chuyến thăm và lĩnh vực nào hai bên có nhiều khả năng đạt được tiến triển”.

Trung Quốc và Iran đã ký một thỏa thuận hợp tác chiến lược 25 năm mang tính bước ngoặt vào tháng 3/2021. Chi tiết của thỏa thuận chưa được tiết lộ, nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào thời điểm đó cho biết thỏa thuận này sẽ mở rộng hợp tác song phương về năng lượng, cơ sở hạ tầng, năng lực sản xuất, khoa học công nghệ, cũng như y dược và chăm sóc sức khỏe.

Ma Xiaolin, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Chiết Giang ở Hàng Châu nhận định Iran cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của Trung Quốc để “phá vỡ lệnh phong tỏa kinh tế do Mỹ đứng đầu và khắc phục sự cô lập, tạo ra bước đột phá để né tránh các biện pháp trừng phạt tài chính của Mỹ thông qua hợp tác thương mại, đầu tư và năng lượng với Trung Quốc”.

Theo Ban Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ, Iran nắm giữ trữ lượng dầu lớn thứ ba và khí đốt tự nhiên lớn thứ hai thế giới, nhưng các lệnh trừng phạt của Mỹ đã làm tê liệt phần lớn hoạt động xuất khẩu năng lượng của nước này. Đại dịch Covid-19 cũng khiến nền kinh tế Iran đối mặt với suy thoái nghiêm trọng.

Chuyên gia Ma Xiaolin cho rằng Tổng thống Raisi cũng có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của Trung Quốc để hồi sinh các cuộc đàm phán nhằm "hồi sinh" thỏa thuận hạt nhân Iran. Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng để các bên có thể đạt được thỏa thuận vào năm 2015.

(theo South China Morning Post)