Một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 của Triều Tiên ngày 24/3. (Nguồn: AP) |
Quân đội Hàn Quốc thông báo Triều Tiên đã phóng 3 tên lửa đạn đạo ra vùng biển phía Đông vào rạng sáng 25/5, trong đó có một loại tên lửa được cho là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Động thái này diễn ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden kết thúc chuyến công du châu Á đầu tiên trên cương vị lãnh đạo nước Mỹ, trong đó nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố sẽ sát cánh cùng đồng minh để đối phó với Triều Tiên.
Thông báo của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cho biết, những tên lửa này đã được phóng đi từ khu vực Sunan ở Bình Nhưỡng.
Sau cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia dưới sự chủ trì của tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, chính quyền Seoul chỉ trích những vụ thử nghiệm của Bình Nhưỡng là "hành động bất hợp pháp vi phạm trực tiếp các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc".
Còn tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington lên án những hoạt động thử nghiệm "gây bất ổn", đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng "can dự vào quá trình đối thoại thực chất và bền vững".
Hãng thông tấn Kyodo dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi lên án hoạt động thử nghiệm mới nhất này là "những hành động gây hấn rõ ràng".
Những vụ thử nghiệm này diễn ra sau các cuộc hội đàm giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và hội nghị thượng đỉnh của nhóm Bộ tứ tại Tokyo. Trước đó, trong khuôn khổ chuyến công du châu Á, ông Biden đã có cuộc gặp thượng đỉnh với tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại Seoul.
Tính toán có chủ đích
Hoạt động phóng tên lửa nói trên diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden rời Hàn Quốc ngày 22/5.
Giới chức Mỹ và Hàn Quốc trước đó đã cảnh báo rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể tiến hành một vụ thử nghiệm hạt nhân trong thời gian Tổng thống Biden công du khu vực.
Giáo sư Park Won-gon thuộc Đại học Ewha (Seoul) nhận định, loạt thử nghiệm nói trên "rõ ràng được tính toán đúng vào thời điểm Tổng thống Biden trở về nước sau chuyến công du đến Hàn Quốc và Nhật Bản".
Trong chuyến công du của Tổng thống Biden, Washington và Seoul tuyên bố sẽ tìm cách thúc đẩy các hoạt động diễn tập quân sự chung, vốn đã bị thu hẹp do tác động của đại dịch Covid-19 và trong bối cảnh những nỗ lực can dự ngoại giao với Triều Tiên không đạt được tiến triển đáng kể.
Mỹ và Hàn Quốc cũng thảo luận việc triển khai thêm khí tài chiến thuật của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên. Tất cả những điều này có thể đã chọc giận Bình Nhưỡng vốn coi các hoạt động tập trận chung Mỹ-Hàn là để tập dượt cho một cuộc tấn công Triều Tiên.
Theo Giáo sư Park, Triều Tiên đã phản đối những tuyên bố nói trên của Mỹ và Hàn Quốc thông qua các vụ phóng tên lửa.
Trong ngày cuối cùng ở Seoul, Tổng thống Biden đã nói với phóng viên rằng ông chỉ có một thông điệp ngắn dành cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un: "Xin chào. Chấm hết". Tuy nhiên, Tổng thống Biden nói thêm rằng Mỹ đã "sẵn sàng trước bất kỳ hành động nào của Triều Tiên".
Hai mục tiêu cùng lúc
Theo đánh giá của Giáo sư Leif-Eric Easley, thuộc Đại học Ewha (Seoul), Bình Nhưỡng dường như đã phóng thử nghiệm nhiều loại tên lửa, có thể đang trong giai đoạn cải thiện và nâng cao năng lực quân sự liên quan.
Gần đây, Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nhấn mạnh về chương trình hiện đại hóa quân sự của Bình Nhưỡng. Mặc dù phải vật lộn với đợt bùng phát đại dịch Covid-19 gần đây, song hình ảnh vệ tinh mới công bố cho thấy Bình Nhưỡng đã nối lại công tác xây dựng một lò phản ứng hạt nhân.
Hồi đầu tháng 5, Triều Tiên đã xác nhận trường hợp nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên của nước này và hiện biến chủng này tiếp tục lây lan trong cộng đồng.
Triều Tiên vẫn tiếp tục tiến hành các vụ thử nghiệm tên lửa kể từ khi nước này tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trước đợt bùng phát của đại dịch. Truyền thông Triều Tiên đã không đưa tin về những vụ phóng này.
Giáo sư Yang Moo-jin thuộc Đại học Nghiên cứu Triều Tiên tại Hàn Quốc bình luận: "Điều này cho thấy Bình Nhưỡng muốn đạt được hai mục tiêu cùng một lúc: vừa vượt qua đại dịch vừa tăng cường kho hạt nhân của mình".
Ông Yang nói thêm: "Nhà lãnh đạo Kim Jong-un dường như muốn phát đi thông điệp rằng Triều Tiên chịu trách nhiệm về những vấn đề an ninh ảnh hưởng đến bán đảo Triều Tiên".
Theo hãng tin Reuters, Bình Nhưỡng nối lại các vụ thử nghiệm ICBM từ hồi cuối tháng 3 vừa qua, chấm dứt cam kết nước này tự đưa ra hồi năm 2017 về việc ngừng tiến hành các hoạt động thử nghiệm hạt nhân và tên lửa tầm xa.
Hiện các cuộc đàm phán với Mỹ về vấn đề phi hạt nhân hóa vẫn rơi vào bế tắc. Mặc dù phía Washington vẫn đưa ra đề xuất tiến hành đối thoại và ngoại giao, song Bình Nhưỡng không đáp lại đề nghị này của Mỹ.
| Vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên: Nhật Bản cấp thêm thông tin, Hàn Quốc nói khả năng có ICBM Ngày 25/5, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã cung cấp thêm một số thông tin về các vụ phóng tên lửa vào sáng sớm cùng ... |
| Tổng thống Biden công du Đông Á, Triều Tiên sẽ phóng tên lửa để 'đón'? Rất có khả năng Triều Tiên sẽ có những hành động khiêu khích khi Tổng thống Biden có chuyến công du quan trọng đến Đông ... |