Tổng thống Venezuela tuyên bố, giao dịch bằng đồng USD, đang gia tăng tại nước này trong những tháng qua, được xem là một "van an toàn" cho nền kinh tế. (Nguồn: Geo) |
Trên kênh truyền hình Televen, "Cảm ơn Chúa vì sự tồn tại của tiến trình đôla hóa", Tổng thống Maduro cho rằng, tiến trình "đôla hóa" nền kinh tế không phải là xấu bởi có thể giúp nền kinh tế phục hồi, phát triển lực lượng sản xuất và bảo đảm chức năng của nền kinh tế.
Theo Ngân hàng trung ương Venezuela, đồng nội tệ chính - Bolivar, của nước này đã mất giá tới hơn 90% trong năm nay, trong khi tình trạng siêu lạm phát trong 9 tháng đầu năm 2019 lên tới 4.680%. Lạm phát "phi mã" cũng làm giảm sức mua của người dân.
Kể từ năm 2003, tỷ giá hối đoái chính thức do Ngân hàng trung ương Venezuela quyết định, nhưng từ năm 2018, tỷ giá này trở nên linh hoạt hơn. Trong bối cảnh tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ ngày càng khắc nghiệt, Ngân hàng trung ương đã bắt đầu bơm tiền mặt (đồng Euro) vào nền kinh tế thông qua hoạt động ngân hàng. Ngoại tệ đổ vào nền kinh tế nhìn chung thông qua việc bán dầu thô và vàng.
Theo số liệu thống kê của hãng tư vấn Ecoanalitica có trụ sở tại Caracas, ước tính 53,8% giao dịch tại 7 thành phố chính của Venezuela trong 15 ngày đầu tháng 10 vừa qua được tiến hành bằng đồng USD. Riêng tại thành phố Maracaibo, con số này đạt tới 86%.
Kể từ đầu năm 2019, Mỹ liên tục gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Venezuela nhằm gây sức ép buộc Tổng thống Maduro phải rời bỏ quyền lực. Không chỉ gây thiệt hại cho Venezuela hàng tỷ USD, gây khó khăn cho chính phủ quốc gia Nam Mỹ này trong việc nhập khẩu lương thực và thuộc men để đáp ứng nhu cầu của người dân, chiến dịch bao vây kinh tế của Mỹ đã khiến Venezuela đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế.