Nhỏ Bình thường Lớn

Yêu quê hương, sẽ yêu tiếng Việt

Đó là khẳng định của Tiến sĩ người Canada gốc Việt Nguyễn Đài Trang, tác giả hai cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong cuộc trò chuyện cởi mở với TG&VN về cuộc sống, công việc, cũng như SUY NGHĨ của chị trong vấn đề người Việt hướng về xây dựng và bảo vệ quê hương.
Tiến sĩ Nguyễn Đài Trang (trái) trong chuyến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, năm 2010.

Xin chị chia sẻ với độc giả đôi nét về bản thân?

Tôi sinh ra ở Huế và định cư tại Canada từ năm 1990. Sau đó, tôi theo học cử nhân tại Montréal, học Thạc sĩ và Tiến sĩ tại Vancouver. Sau một thời gian làm việc trong các dự án giảm nghèo, hỗ trợ phụ nữ và tư vấn cho Liên hợp quốc tại Hà Nội, tôi trở lại Canada nghiên cứu sau Tiến sĩ, rồi giảng dạy Chính trị học tại Đại học Toronto. Hiện tôi đang giảng dạy Ngoại thương và Phát triển quốc tế ở Toronto.

Nếu phải tự miêu tả, chị sẽ nói về mình là người như thế nào?

Tôi thích tập trung vào công việc, làm việc gì cũng phải cố gắng làm tốt nhất và dễ bị công việc lôi cuốn. Thời gian biểu của tôi luôn kín mít. Ngoài công việc thì vấn đề mà tôi rất quan tâm là bảo vệ môi trường.

Sinh sống ở nước ngoài từ lâu, điều gì đã giúp chị giữ gìn tiếng Việt không những không bị mai một mà còn ngày càng tinh tế và sâu sắc hơn?

Khi còn học phổ thông ở Việt Nam, tôi thường xuyên đọc sách, đặc biệt là các sách nghiên cứu và văn thơ Việt Nam. Trong thời gian làm việc tại Việt Nam, tôi luôn tìm cách trau dồi ngôn ngữ mẹ đẻ bằng cách dịch Anh - Việt các tài liệu về phát triển. Ngôn ngữ chuyển tải văn hóa. Vì vậy, theo tôi, nếu ai yêu quê hương, văn hóa của mình thì sẽ yêu ngôn ngữ của dân tộc mình.

Là tác giả của hai cuốn sách về Hồ Chí Minh, xin chị chia sẻ nguồn cảm hứng của bản thân đối với chủ đề về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam?

Từ lâu, tôi đã luôn để tâm học hỏi và tìm các giải pháp cho vấn đề phát triển. Vì vậy, tôi đọc nhiều sách về khoa học phát triển, trong đó có nhiều sách nói về chiến tranh Việt Nam và về Hồ Chí Minh. Con đường tìm tòi học hỏi của tôi khá dài, các vấn đề nghiên cứu rất phức tạp, nhưng tôi luôn giữ niềm tin rằng, chìa khóa cho các vấn đề nan giải về phát triển của Việt Nam, cũng như của các nước đang phát triển, nằm trong việc nghiên cứu về con người và sự nghiệp của Hồ Chủ tịch.

Trong những năm đầu thế kỷ XXI, có một số sách về Hồ Chí Minh được xuất bản ở phương Tây như Quinn-Judge, Brocheux… Đặc biệt, trong đó có bộ phim của một nhóm người Việt ở nước ngoài xuyên tạc về Hồ Chủ tịch. Vì vậy, đến năm 2009, tôi quyết định tập hợp những kết quả nghiên cứu về Hồ Chí Minh để ra mắt cuốn Hồ Chí Minh: Tâm và Tài của một nhà yêu nước (năm 2010).

Tôi thấy các tác giả phương Tây chưa thấy hết được về con người nhân văn của Hồ Chủ tịch. Tôi hiểu, họ không phải là người Việt, không tiếp cận được các thông tin bằng tiếng Việt, nên có nhiều điều họ chưa cảm nhận được.

Sau đó, tôi dành ba năm tập trung nghiên cứu về vấn đề phát triển theo tư tưởng Hồ Chí Minh và cho ra mắt cuốn sách thứ hai Hồ Chí Minh: Nhân văn và phát triển (năm 2013).

Chị từng chia sẻ, ở khắp mọi nơi, chị nghe thấy tiếng lòng yêu nước của người Việt. Điều đó hẳn khiến chị rất xúc động?

Qua việc giới thiệu sách về Hồ Chí Minh, tôi có điều kiện gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ với người Việt ở khắp mọi nơi. Từ đó, tôi hiểu thêm về tinh thần yêu nước của nhiều người Việt, nhất là kiều bào. Có một vị giáo sư người Canada gốc Việt đã về hưu, có lời bình là sách tôi viết như “một áng văn thơ”, khiến tôi rất xúc động. Một vị giáo sư khác nhận xét, sách này được viết “từ trái tim”, làm tôi cảm nhận người đọc hiểu những điều tôi viết từ trái tim mình. Các sinh viên tại đây rất quan tâm đến các nghiên cứu về Hồ Chí Minh của tôi. Vì thế, tôi thấy cần đẩy mạnh các hoạt động học tập và nghiên cứu về Hồ Chí Minh, cũng như về Việt Nam, đến các em, để trong tương lai các em có thể đóng góp nhiều hơn vào việc xây dựng đất nước.

Theo chị, cá nhân mỗi người Việt Nam ở nước ngoài cần phải làm gì để người Việt trên khắp thế giới cùng nhau đoàn kết xây dựng và bảo vệ quê hương?

Tôi nghĩ, các cá nhân người Việt ở nước ngoài đều có điều kiện tiếp cận thông tin và kiến thức sâu rộng, có được cái nhìn khách quan. Vì thế, mọi người cần tham gia các hội đoàn để tạo điều kiện học tập và làm việc cho các bà con khác và để bà con hiểu sâu sắc hơn về tầm quan trọng của đoàn kết dân tộc. Hội đoàn người Việt ở các nước cũng cần có sự liên kết để học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để trở thành một khối đoàn kết.

Chị thường làm gì mỗi khi trở về Việt Nam và những dự định của chị trong thời gian tới là gì?

Mỗi năm, tôi về nước khoảng một, hai lần để tham gia các hoạt động về giáo dục, kết nối doanh nghiệp và tham dự các hội thảo. Thời gian qua, tôi đã tham gia các hội thảo về vấn đề hợp tác và an ninh tại Biển Đông. Năm 2014, tôi đã trình bày tham luận về các giải pháp trong vấn đề an ninh khu vực, trao đổi thương mại và phát triển bền vững tại Hội thảo quốc tế “Hoàng Sa - Trường Sa: Sự thật Lịch sử”. Tôi đang có ý định tập hợp một số tham luận tiêu biểu về Biển Đông của các học giả danh tiếng để nghiên cứu và có khả năng sẽ xuất bản một cuốn sách về chủ đề này.

Sắp tới, tôi dự định đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ đầu tư và trao đổi thương mại Việt Nam - Canada, đồng thời, kết nối các chương trình trao đổi giáo dục giữa các trường hai nước.

Khánh Nguyễn (thực hiện)