Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới châu Âu kéo dài 8 ngày để tham gia hàng loạt Hội nghị Thượng đỉnh quan trọng nhằm tập hợp đồng minh, đối phó với các thách thức ngày càng gia tăng. (Nguồn: USA Today) |
Theo hãng tin AP, mục tiêu chuyến công du hải ngoại đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden là nhằm tái khẳng định vị thế của Mỹ trên trường quốc tế, vỗ về các đồng minh châu Âu vốn đang hoang mang sâu sắc vì người tiền nhiệm Donald Trump, và thúc đẩy dân chủ với tư cách là người bảo vệ duy nhất chống lại các thế lực độc tài đang trỗi dậy.
Chuyến công du này là một sự kiện quan trọng với ông Biden, người từng công du khắp thế giới trong cả thập kỷ qua nhưng chỉ trên cương vị Phó Tổng thống và Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.
Nhà lãnh đạo nước Mỹ viết trong một bài xã luận trên tờ Washington Post: “Trong thời điểm bất ổn toàn cầu này, khi thế giới vẫn phải vật lộn với đại dịch thế kỷ, chuyến công du này nhằm hiện thực hóa cam kết đã được khôi phục của Mỹ với các đồng minh và đối tác, và thể hiện năng lực của các nền dân chủ trong việc vừa đối phó với các thách thức, vừa ngăn ngừa các mối đe dọa của kỷ nguyên mới này”.
Hãng tin AP cho hay, trước khi lên chiếc Air Force One để đáp chuyến bay ngày 9/6, ông Biden đã tuyên bố rằng, chuyến đi này nhằm gửi thông điệp rõ ràng tới các lãnh đạo Trung Quốc và Nga là Mỹ và châu Âu vẫn đang “rất khăng khít”.
Theo Reuters, sau Anh, ông Biden sẽ tới Brussels để thảo luận với các lãnh đạo của NATO và EU về Nga, Trung Quốc và một vấn đề dai dẳng là yêu cầu các đồng minh NATO đóng góp nhiều hơn cho phòng vệ chung.
Trong các ngày 14 và 15/6, ông Biden sẽ họp với lãnh đạo khối NATO, EU với cam kết “Nước Mỹ trở lại”.
Cuối cùng, nhà lãnh đạo 78 tuổi sẽ kết thúc hành trình tại Geneva để tham gia sự kiện được cho là cuộc họp khó khăn nhất trong chuyến công du – một buổi gặp mặt với Putin, người từng được ông Trump khá “ưu ái”.
Các vấn đề của Anh và EU
Chặng dừng chân đầu tiên của ông Biden là ngôi làng ven biển St. Ives của tỉnh Cornwall, nơi ông sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh G7 với trọng tâm dự kiến bị chi phối bởi chính sách ngoại giao vaccine, thương mại, khí hậu và sáng kiến tái xây dựng cơ sở hạ tầng tại thế giới đang phát triển.
Theo BBC, trước ngày diễn ra hội nghị chính thức, cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính khối G7, gồm Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Đức, Italy, Nhật Bản, hồi đầu tuần đã nhất trí đánh thuế các tập đoàn công nghệ cao ít nhất 15%.
Hãng tin Bloomberg nhận định đây là vấn đề Anh muốn làm từ lâu. Nhưng xứ sở sương mù phải đợi chính quyền của Tổng thống Joe Biden ủng hộ thì Bộ trưởng Tài chính nước này Rishi Sunak mới ra tuyên bố.
Cùng lúc, Anh gần như đạt được đồng thuận với cả Mỹ và EU (khách mời cao cấp tại G7 ở Cornwall) về các chỉ tiêu chống biến đổi khí hậu trước Hội nghị COP-26 với Liên hợp quốc ở Glasgow tháng 11/2021.
Kế hoạch “thoát dần khỏi đại dịch Covid-19” của Anh, dự tính nới lỏng gần như toàn bộ các hạn chế do Covid-19 vào ngày 21/6, đang gặp khó khăn vì biến thể Delta lây lan mạnh.
Dù vậy, dịch bệnh tại Anh và châu Âu đã giảm tới mức có thể tổ chức lại hội nghị G7 theo hình thức trực tiếp - có giãn cách, thay vì là hội nghị trực tuyến.
AP dẫn nguồn thạo tin cho biết, ông Biden tới châu Âu cùng một hành trang đầy thiện chí với kế hoạch công bố rằng, Mỹ sẽ mua và tài trợ 500 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer Inc/BioNTech cho khoảng 100 quốc gia trong vòng 2 năm tới.
Theo Reuters, cuộc gặp của Tổng thống Mỹ Biden với Thủ tướng Anh Boris Johnson trong ngày 10/6 tại Cornwall là một cơ hội để làm mới lại “mối quan hệ đặc biệt” Mỹ-Anh sau khi Londo rời khỏi EU.
Hai bên cũng sẽ ra tuyên bố chung cập nhật về các nguyên tắc giữa 2 nước để vinh danh Hiến chương Đại Tây Dương ban đầu năm 1941.
Ngoài ra, theo Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan, Washington và London cũng có những vấn đề chính sách quan trọng cần thảo luận.
Theo đó, ông Biden dự kiến củng cố sự ủng hộ vững chắc của Mỹ dành cho thỏa thuận hòa bình Thứ sáu Tốt đẹp năm 1998 đã chấm dứt hàng thập kỷ đổ máu ở Bắc Ireland, thỏa thuận đã bị đặt nghi vấn sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, sẽ có mặt ở hội nghị Cornwall với tư cách khách mời để cùng bàn về vấn đề Ireland hậu Brexit.
Ngăn chặn sức mạnh Trung Quốc
Cũng theo Bloomberg, nhìn từ góc độ của Mỹ, chuyến thăm của ông Biden, ngoài 2 nghị trình nói trên là chống dịch Covid-19, và biến đổi khí hậu (trùng hợp mục tiêu với Anh), còn là dịp để Mỹ “phối hợp với các đồng minh, Anh và châu Âu lên chương trình ngăn chặn sức mạnh Trung Quốc”.
Về kinh tế và công nghệ, trước khi ông Biden sang châu Âu, Thượng viện Mỹ với kết quả bỏ phiếu 68-30 đã ủng hộ đề xuất luật trị giá 250 tỷ USD để hỗ trợ kinh tế Mỹ chống lại Trung Quốc.
Quốc hội Mỹ đang tiến dần tới việc thông qua luật mang tên Luật Đổi mới và Cạnh tranh Mỹ 2021 (USICA).
Về quân sự, Anh luôn sẵn sàng hỗ trợ Mỹ và hành động đầu tiên của xứ sở sương mù là điều hàng không mẫu hạm mới Elizabeth tới Biển Đông. Con tàu này mang theo lực lượng hỗn hợp Anh-Mỹ với phi đội “Wake Island Avengers” của Không quân Mỹ.
Khách mời tới dự G7 bao gồm cả lãnh đạo một số nước khác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, do đó, nghị trình “ngăn chặn Trung Quốc” mà Mỹ đề xướng chắc chắn sẽ được bàn tại Cornwall.
Theo AP, Tổng thống Biden và các lãnh đạo G7 sẽ công bố một chương trình tài trợ việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho các quốc gia đang phát triển nhằm cạnh tranh trực tiếp với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh.
Không phải tất cả các cường quốc châu Âu đều nhìn Trung Quốc với con mắt khắt khe như ông Biden, người đã mô tả sự thù địch trong lĩnh vực an ninh-công nghệ với quốc gia đông dân nhất thế giới như là cuộc cạnh tranh quyết định của thế kỷ XXI.
Thượng đỉnh Mỹ-Nga: Cuộc gặp được mong đợi?
Ngày 16/6, Tổng thống Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin sẽ có cuộc họp thượng đỉnh ở Geneva, Thụy Sỹ.
Hãng tin AP cho biết, trong cuộc gặp mặt 1-1 với ông Putin tại Geneva, ông Biden muốn tự mình gây sức ép để nhà lãnh đạo Nga chấm dứt vô số hành động khiêu khích, bao gồm các vụ tấn công mạng của các hacker tại xứ sở bạch dương vào các doanh nghiệp Mỹ, bỏ tù lãnh đạo đối lập Alexei Navalny và những nỗ lực công khai cũng như ngầm của Kremlin nhằm can thiệp vào các cuộc bầu cử của Mỹ.
Reuters dẫn lời ông Biden phát biểu trước khoảng 1.000 binh lính và thân nhân của họ tại căn cứ không quân của Anh cho biết, ông sẽ gửi đi một thông điệp rõ ràng đến Tổng thống Nga Putin khi họ gặp nhau vào tuần tới.
Vị Tổng thống đảng Dân chủ nói: “Chúng tôi không tìm kiếm một cuộc xung đột với Nga. Chúng tôi muốn có một mối quan hệ ổn định và dễ đoán... nhưng tôi cũng đã nói rõ rằng, Mỹ sẽ đáp trả một cách cứng rắn và rõ ràng, nếu chính phủ Nga tiếp tục thực hiện các hành vi tai hại”.
Trong khi đó, hãng tư vấn Geopolitical Futures cho rằng, Nga vẫn là cường quốc quân sự, nhưng kinh tế nước này không chỉ xuống dốc mà luôn gặp rủi ro vì biến động thị trường dầu khí.
Với thu nhập một chiều, trong đó 30% đến từ bán dầu khí, nước Nga thời ông Putin không cải cách được nền kinh tế và chỉ tiếp tục thể hiện sức mạnh cầm chừng ở khu vực láng giềng bởi Moscow không còn đủ lực để triển khai ra thế giới.
Mỹ hoàn toàn biết điều đó và sẵn sàng ngăn chặn các cuộc phiêu lưu ra bên ngoài của Nga, đồng thời đề cao quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine. Tuy nhiên, Mỹ không thể quá mạnh tay, vì như vậy sẽ đẩy Nga vào vòng tay Trung Quốc.
Trước cuộc gặp Geneva, chính quyền của ông Biden làm một lúc ba động tác: Ủng hộ Ukraine bằng lời mời Tổng thống Volodymyr Zelenskiy sang thăm Mỹ vào tháng sau; Ký lệnh trừng phạt Belarus sau vụ Alexander Lukashenko ”cưỡng bức máy bay Ryanair”; và Bỏ trừng phạt các công ty xây đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 từ Nga vào Đức.
Công trình dẫn khí đốt “tai tiếng” này liên tục bị các đồng minh của Mỹ ở châu Âu như Ba Lan, các nước Baltic và cả Ukraine phản đối.
Theo Reuters, việc Mỹ vẫn tạm “bỏ qua” vụ Dòng chảy phương Bắc 2 không chỉ khiến Ukraine ngạc nhiên, mà còn là cách ông Biden muốn Đức và châu Âu ủng hộ các mục tiêu khác của Mỹ.
Với Nga, điều chắc chắn là quyết định của Mỹ về vấn đề này chắc chắn xoa dịu phần nào không khí của cuộc gặp với ông Putin.
Mặc dù vậy, cộng đồng quốc tế cho rằng, nhìn chung không có nhiều kỳ vọng vào một sự đột phá lớn từ cuộc gặp thượng đỉnh này.