Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu chuyến công du tới Đông Bắc Á ngày 19/5 (giờ Mỹ). (Nguồn: The New York Times) |
Phải sau hơn một năm kể từ khi lên nắm quyền, ông Joe Biden mới có chuyến thăm lần đầu tiên đến châu Á.
Bằng nỗ lực ngoại giao mới này, trước hết, ông Joe Biden muốn gửi thông điệp rõ ràng hơn đến khu vực trước lo ngại rằng Washington đang sao lãng châu Á vì vấn đề Ukraine.
Ngoài ra, những sự kiện và động thái gần đây ở khu vực thu hút sự quan tâm lớn hơn của Mỹ. Mới đây, CHDCND Triều Tiên đã nối lại việc thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Cơ sở Punggye-ri của Triều Tiên cũng đang có dấu hiệu thi công và tái hoạt động, báo hiệu khả năng một cuộc thử nghiệm hạt nhân mới sẽ diễn ra.
Bằng cách phối hợp hành động cùng các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản, Mỹ hy vọng có thể gia tăng sức ép, buộc Triều Tiên phải có nhượng bộ.
Washington cũng muốn tìm sự hậu thuẫn của Seoul và Tokyo trong việc tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga bởi chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine.
Chuyến thăm còn là cơ hội để ông Joe Biden làm rõ những khía cạnh kinh tế của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Mỹ công bố hồi tháng Hai, tìm cách xóa đi những chỉ trích cho rằng Mỹ chỉ tập trung vào những mối quan tâm của mình mà bỏ qua những vấn đề mang tính cấp bách đối với các nền kinh tế châu Á.
Cuối cùng, ở tầm chiến lược, ưu tiên làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Nhật Bản và Hàn Quốc được xem như là nỗ lực của Mỹ nhằm củng cố vị thế trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.
Không chỉ thúc đẩy quan hệ đồng minh với Hàn Quốc và Nhật Bản, ông Joe Biden còn có các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo nhóm Bộ tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia nhằm hiện thực hóa Tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.