Bên trong Nhà ga Grand Central ở New York, Mỹ. (Nguồn: AP) |
Sau một thời gian dài bị đình trệ, “Mạng lưới Điểm Xanh”, sáng kiến từng được chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất, đã được tái khởi động với cuộc thảo luận của các bên tham gia tại Paris ngày 6/5 vừa qua.
Cuộc gặp này được triệu tập bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và được tài trợ bởi Mỹ và Australia. Các bên cũng thống nhất thành lập một nhóm cố vấn điều hành cho sáng kiến.
Sáng kiến này sẽ cấp chứng nhận cho các dự án đảm bảo tiêu chuẩn về minh bạch và phát triển bền vững, đồng thời giúp thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng ở các nền kinh tế mới nổi.
Đây được coi là cách tiếp cận nhằm tạo đối trọng với sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Bắc Kinh.
Sáng kiến mới, mục tiêu cũ
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 6/6 nêu rõ: “Mạng lưới Điểm Xanh sẽ được nhìn nhận trên toàn cầu như các dự án cơ sở hạ tầng được thúc đẩy bởi thị trường, minh bạch và phát triển bền vững”.
Theo thông báo của OECD, hơn 150 nhà quản lý đến từ 96 quốc gia, quản lý khối tải sản trị giá 12 nghìn tỷ USD, đã tham gia cuộc thảo luận. Quản lý cấp cao của các thể chế tài chính lớn như Citi hay JPMorgan, chay ở lĩnh vực công như Quỹ Lương hưu Thái Lan, cũng góp mặt.
| Trung Quốc phẫn nộ vì dự luật Thượng viện Mỹ vừa thông qua |
Derek Grossman, chuyên gia phân tích cấp cao tại Tập đoàn RAND cho rằng, cả Nhật Bản, Australia và Mỹ đều không thể cạnh tranh từng đồng USD với dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Do đó, sáng kiến Mạng lưới Điểm Xanh tập trung vào cấp chứng nhận và cố vấn, thay vì cung cấp vốn trực tiếp.
Do đó, chuyên gia trên lo ngại rằng, mạng lưới này không thể cạnh tranh với Trung Quốc một cách có hiệu quả, bởi các nước tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường nhiều khả năng thấy Mạng lưới Điểm Xanh thiếu hấp dẫn, thậm chí là vụn vặt.
Tuy vậy, Matthew Goodman và Daniel Runde, hai chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược tại Washington cho rằng, Mỹ có thế mạnh riêng, bao gồm hàng nghìn tỷ USD tiền quỹ lương hưu và bảo hiểm có thể có được trong tương lai gần qua các dự án về cơ sở hạ tầng.
Mạng lưới Điểm Xanh có thể “cung cấp chứng chỉ chất lượng cao để các nhà đầu tư có thể tự tin và tiến tới việc biến cơ sở hạ tầng thành một loại tài sản”, hai chuyên gia bình luận.
Kỳ vọng tương lai
Mạng lưới Điểm Xanh lần đầu được công bố tại Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương năm 2019 bởi Mỹ, Nhật Bản và Australia.
Ông Wilbur Ross, Bộ trưởng Thương mại Mỹ lúc bấy giờ, gọi sáng kiến này là “cách tiếp cận đa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và hỗ trợ các phương án thay thế “cho vay theo kiểu cướp bóc”, theo cách gọi của Mỹ.
Trong khi đó, ông Matthew Pottinger, Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, kiến trúc sư cho chính sách với Trung Quốc, nói rằng, “Điểm Xanh” - biểu tượng của Trái đất - giống như có một "ngôi sao Michelin cho nhà hàng".
Ông Pottinger nói: “Khu vực tư nhân sẽ muốn tham gia vào các dự án này. Do đó, cách tiếp cận này sẽ chiếm chỗ của các cách tiếp cận tham nhũng hơn - cách tiếp cận đe dọa đến sự thịnh vượng của tất cả chúng ta”.
Mỹ mong muốn Ấn Độ, thành viên còn lại của nhóm Bộ tứ, sẽ tham gia Mạng lưới Điểm Xanh. New Delhi đã hai lần từ chối tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường vào năm 2017 và 2019.
Mạng lưới Điểm Xanh sẽ áp dụng các nguyên tắc phát triển cơ sở hạ tầng của nhóm G20 và G7, như tiêu chuẩn cơ sở, trong khi OECD sẽ cung cấp nguồn lực về kỹ thuật và vận hành cho quá trình cấp giấy chứng nhận và khung xem xét trên toàn cầu.
Tuy nhiên, theo hai nhà nghiên cứu Goodman và Runde tại CSIS dự đoán, quá trình cấp chứng nhận sẽ tốn kém, trong khi việc thuyết phục các nhà đầu tư tư nhân bỏ tiền vào những nơi rủi ro cao sẽ khó khăn. Hai học giả trên cho rằng, quá trình thiết lập tiêu chuẩn sẽ phải có sự tham gia của nhiều chủ thể và cần phải được thảo luận và đàm phán, do đó quá trình này sẽ mất vài năm để hoàn thành.