Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang có chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ. (Nguồn: CNN) |
Khôi phục "quan hệ đồng minh lâu đời nhất"
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang có chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ. Chuyến thăm này được cho là sẽ hàn gắn mối quan hệ Pháp-Mỹ, đồng thời cũng thể hiện sự gần gũi Pháp-Đức, hai quốc gia đầu tàu của Liên minh châu Âu (EU).
Tại Washington, Tổng thống Macron sẽ được đón tiếp với nghi lễ trọng thể nhất trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông đến Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden. Trước chuyến thăm, một phát ngôn viên Phủ tổng thống Pháp đã khẳng định đây là chuyến thăm quan trọng đối với cả hai nước cũng như đối với châu Âu.
DW dẫn lời ông Yves Boyer, chuyên gia về quan hệ xuyên Đại Tây Dương và Giáo sư danh dự tại Đại học Bách khoa Paris cho rằng chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Macron sẽ kết thúc giai đoạn khó khăn của quan hệ Pháp-Mỹ từ sau khi liên minh AUKUS (gồm Mỹ, Anh và Australia) ra đời, ngay cả khi dư âm về liên minh này không thể bị lãng quên hoàn toàn.
AUKUS đã khiến thỏa thuận cung cấp tàu ngầm giữa Pháp và Australia bị hủy bỏ, và Paris đã không được thông báo một lời nào về liên minh này. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian khi đó đã tỏ ra thất vọng về việc thành lập AUKUS. Paris đã triệu hồi các đại sứ của mình khỏi Mỹ và Australia.
Nhưng căng thẳng này đã dịu đi trong năm qua, và Tổng thống Macron giờ đây có thể sẽ tìm cách khôi phục lại mối quan hệ "đồng minh lâu đời nhất" với Mỹ.
Dấu hiệu tốt cho châu Âu
Chuyên gia Yves Boyer cũng cho biết, vvtại Washington, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ và hạt nhân - những lĩnh vực mà Pháp và Mỹ đã có những thỏa thuận bí mật.
Đồng thời, Tổng thống Macron sẽ trao đổi với Tổng thống Biden về Đạo luật chống lạm phát (IRA) của Mỹ. Đạo luật này, vốn khuyến khích các khoản đầu tư vào Mỹ, đặc biệt là ngành ô tô điện và năng lượng tái tạo, được châu Âu coi là quy định bảo hộ của chính quyền Mỹ, gây nhiều thiệt hại cho châu Âu.
Là "người phát ngôn không chính thức" của EU, Tổng thống Macron muốn giảm thiểu tác động của đạo luật này đối với châu Âu.
Tuần trước, Pháp và Đức đã nhất trí tăng cường hợp tác về chính sách công nghiệp và coi điều này là "phản ứng mạnh mẽ của châu Âu đối với đạo luật IRA của Mỹ".
Theo chuyên gia Yann Wernert tại Trung tâm nghiên cứu Jacques Delors ở Berlin, việc Pháp và Đức đạt được một thỏa thuận như vậy là điều đáng ngạc nhiên. Từ trước tới nay, Đức có truyền thống bảo vệ thương mại tự do, trong khi Pháp lại cởi mở hơn với chủ nghĩa bảo hộ.
Chuyên gia Yann Wernert cho rằng sự đồng thuận như vậy giữa hai đầu tàu kinh tế của châu Âu là một dấu hiệu tốt cho EU, vì gần đây đã có những căng thẳng đáng kể trong quan hệ Pháp-Đức.
Hai cường quốc kinh tế lớn nhất ở EU này được coi là động lực của liên minh, nhưng thường thì hai cường quốc này đại diện cho các quan điểm khác nhau nhất ở EU.
Trong thời gian qua, mâu thuẫn giữa hai nước gia tăng, điều này thể hiện rõ qua việc cuộc họp thường niên Hội đồng Bộ trưởng Pháp-Đức năm 2022 đã bị hoãn lại tới tháng Giêng năm sau. Sự thỏa hiệp mà hai nước vừa đạt được sẽ giúp tháo gỡ căng thẳng trong quan hệ song phương, đồng thời giúp các thành viên khác của EU có thể tìm thấy sự thỏa hiệp cho các mâu thuẫn và tranh cãi của họ.
Theo chuyên gia Wernert, Berlin đã nhận ra rằng trong quan hệ quốc tế, không chỉ các khía cạnh kinh tế mà cả định hướng chiến lược cũng hết sức quan trọng.
Về mặt quân sự, sự tương phản Pháp-Đức dễ dàng được nhận thấy trong thái độ đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Chuyên gia Wernert cho rằng, dư luận Pháp thường cảm nhận được một khoảng cách nhất định với NATO.
Trong khi đó, Đức gần gũi hơn với Mỹ và có nhiều lo ngại hơn về sự rạn nứt trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Berlin thường thận trọng về các sáng kiến phòng thủ riêng của châu Âu và không muốn mạo hiểm quan hệ với NATO. Ngược lại, Tổng thống Pháp Macron là người ủng hộ mạnh mẽ chính sách phòng thủ độc lập của EU.
Củng cố đoàn kết trong NATO
Chuyên gia về quan hệ xuyên Đại Tây Dương Nicole Bacharan từ Quỹ Khoa học chính trị quốc gia Paris cho rằng với chuyến thăm Washington của Tổng thống Macron, sự rạn nứt quan hệ xuyên Đại Tây Dương cũng như căng thẳng trong nội bộ NATO sẽ được giải quyết phần nào.
NATO đã "hồi sinh" do xung đột Nga-Ukraine, rõ ràng liên minh này là cần thiết đối với các thành viên. Theo chuyên gia Nicole Bacharan, 300.000 binh sĩ NATO bổ sung sẽ sớm đóng quân ở châu Âu. Với việc mời Tổng thống Pháp sang thăm, Washington cũng nhận rõ tầm quan trọng của liên minh Mỹ-châu Âu. Trong thời kỳ khủng hoảng, sự đoàn kết được đặt lên hàng đầu.
Chuyên gia Camille Grand từ tổ chức Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu cho rằng Mỹ nên có những bước đi cụ thể hơn trong vấn đề này. Ví dụ, Tổng thống Biden có thể tuyên bố rằng việc tăng gấp đôi cấu trúc phòng thủ của NATO ở châu Âu là điều có thể chấp nhận được, vì cho tới nay, điều này luôn bị loại trừ.
Về phía Pháp, chuyên gia Camille Grand cho rằng Tổng thống Macron phải thể hiện quan điểm và hành động cân bằng liên quan đến chiến lược ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là cách ứng xử trước cạnh trang Mỹ-Trung ngày càng gay gắt tại khu vực.