Pháp trở thành cường quốc hạt nhân duy nhất trong EU. Răn đe hạt nhân luôn là một trụ cột của chiến lược quân sự và quốc phòng của Pháp. Minh họa của Politico. |
Ở nước Pháp, kể từ khi nền Cộng hoà thứ 5 được thiết lập đến nay, phát biểu trước các tướng lĩnh và sỹ quan quân đội về chiến lược quân sự và quốc phòng đã trở thành một truyền thống đối với tất cả các tổng thống Pháp. Răn đe hạt nhân luôn là một trụ cột của chiến lược ấy.
Năm nay, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không hành xử khác với truyền thống. Trong bài phát biểu năm nay, ông Macron không có gì mới lạ ở khía cạnh kêu gọi thúc đẩy giải trừ quân bị trên thế giới mà chỉ được chú ý khi đề cập học thuyết vũ khí hạt nhân của Pháp.
Cuộc chơi mới
Chuyện vũ khí hạt nhân và răn đe hạt nhân ở châu Âu cũng như trên thế giới hiện đã trở nên thời sự hơn trước rất nhiều sau khi Mỹ và Nga từ bỏ thoả thuận về giải trừ vũ khí hạt nhân đã được ký kết và cùng nhau thực hiện từ thời Chiến tranh Lạnh, sau khi cả hai nước này đều lộ chủ ý hiện đại hoá vũ khí hạt nhân hiện có và phát triển thế hệ vũ khí hạt nhân mới và sau khi nước Anh ra khỏi EU.
Mỹ và Nga chơi cuộc chơi mới riêng về vũ khí hạt nhân, về chạy đua vũ trang hạt nhân cũng như giải trừ vũ khí hạt nhân. Pháp trở thành cường quốc hạt nhân duy nhất trong EU. Tổng thống Mỹ Donald Trump lại còn khuấy động lo ngại sâu sắc và ngày càng tăng trong EU và NATO là các thành viên ở châu Âu không còn có thể dựa cậy hoàn toàn được như trước vào ô hạt nhân của Mỹ và không còn có thể tin tưởng Mỹ vẫn như xưa trên phương diện thực hiện cam kết đảm bảo an ninh cho các thành viên NATO.
Ông Macron đã công khai đánh giá là NATO bị chết não và thôi thúc cũng như khích lệ các nước ở châu Âu tự chủ hơn về an ninh và bớt lệ thuộc vào Mỹ về đảm bảo an ninh. Chỉ riêng như thế không thôi thì ông Macron đã không thể không điều chỉnh chiến lược quân sự và quốc phòng của Pháp, trong đó đương nhiên không thể không động chạm đến chiến lược vũ khí hạt nhân.
Mưu tính lớn
Ông Macron lại còn không giấu giếm tham vọng khôi phục vai trò chính trị thế giới cho nước Pháp. Người này ý thức được rằng, muốn thực hiện được tham vọng ấy thì trước hết phải gây dựng cho nước Pháp vai trò lãnh đạo EU và NATO ở châu Âu. Sau khi ra khỏi EU, nước Anh không còn có thể là đối thủ của nước Pháp nữa trong cuộc ganh đua giành vai trò này mà đối thủ chính của Pháp bây giờ là nước Đức.
Khác với người tiền nhiệm, ông Macron không có mối quan hệ cá nhân tin cậy với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Nước Đức hiện lại trong tình trạng rối bời về nội bộ. Bà Merkel giờ suy giảm thế cả ở nước Đức lẫn châu Âu và dần tới khúc cuối thời kỳ cầm quyền. EU không chỉ thiếu vắng lãnh đạo mà còn cả định hướng. Ông Macron xem ra cho rằng nước Pháp hiện tại có cơ hội và tiền đề thuận lợi để mưu tính lớn.
So với Đức, nước Pháp của ông Macron hiện tại chỉ hơn có mỗi vũ khí hạt nhân và quyền phủ quyết trong HĐBA LHQ. Ganh đua với Đức, ông Macron chỉ có cơ hội giành phần thắng khi tập hợp được các nước châu Âu khác quanh mình chứ không phải trong cạnh tranh chiến lược tay đôi.
Cho nên, cách tiếp cận mới của ông Macron trong chiến lược quân sự, quốc phòng và hạt nhân mới được người này trình bày là sự kết hợp của 3 định hướng: Tăng cường sự tự chủ và độc lập của châu Âu về quốc phòng, thúc đẩy giải trừ quân bị nói chung, giải trừ vũ khí hạt nhân nói riêng cũng như mời chào cái ô hạt nhân của Pháp để dần thay thế hoặc sẵn sàng thay thế cái ô hạt nhân của Mỹ cho các nước châu Âu.
Ba trở ngại
Nếu đúng chỉ như thế thì tham vọng này của ông Macron không đến nỗi khó khả thi. Nhưng lại có 3 nhân tố khiến chuyện này dễ cầu ước mà rất khó được toại nguyện đối với ông Macron và nước Pháp.
Thứ nhất là ông Macron không sẵn sàng chia sẻ với các nước châu Âu quyền quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân. Các nước châu Âu sẽ không chấp nhận vì nếu chấp nhận thì đâu có khác gì tránh vỏ dưa lại gặp phải vỏ dừa khi thoát được khỏi sự lệ thuộc vào Mỹ thì lại lún trong sự lệ thuộc vào Pháp.
Thứ hai, hiện Mỹ đã triển khai vũ khí hạt nhân ở một số nước châu Âu và Mỹ sẽ không dễ dàng chịu rút đi.
Và thứ ba là nội bộ EU hiện bị phân hoá sâu sắc nên ông Macron có thể tập hợp được một số chứ không thể tất cả các thành viên EU và NATO ở châu Âu xung quanh Pháp. Nước Pháp và ông Macron hiện còn cách rất xa sự công nhận vai trò và khả năng dẫn dắt các nước châu Âu đi vào tương lai.
Người châu Âu tin hay không vào lá chắn hạt nhân của Mỹ? Niềm tin của công dân các nước thành viên NATO vào sự hỗ trợ của quân đội Mỹ trong trường hợp đất nước họ bị Nga tấn công ngày càng sụt giảm. Đây là kết quả một nghiên cứu do Pew Research Center công bố ngày 10/02/2020. Cứ hai năm một lần, viện thăm dò thực hiện một cuộc điều tra công luận về NATO. Cuộc điều tra vừa công bố được tiến hành vào mùa hè 2019 đối với 21.000 người tại 19 quốc gia. Kết quả cho thấy 60% số người được hỏi tại các nước thành viên khối NATO nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ can thiệp quân sự nếu như Nga tấn công một nước thành viên của khối. Chỉ có khoảng 29% là cho rằng Hoa Kỳ sẽ không đến cứu giúp. Theo quan sát của Viện Pew, câu trả lời cho câu hỏi này đã thay đổi nhiều so với năm 2015 và trong nội bộ các nước thành viên, có sự chia rẽ về vấn đề này. So với cách nay bốn năm, niềm tin của người dân Pháp vào vai trò của Mỹ đã bị sụt giảm đến 8 điểm, tại Đức là 5 điểm, Canada 3 điểm và tại Hungary là đến 16 điểm. Ngược lại, ở Anh Quốc và Ý, mức độ tin tưởng vào Mỹ tăng thêm 7 điểm và ở Thổ Nhĩ Kỳ là 6 điểm. Điều thú vị là cũng giống như năm 2015, người dân các nước thành viên trong khối NATO có một lập trường không thay đổi : Không mấy hào hứng về ý tưởng đất nước của họ phải đến giải cứu một nước khác trong khối nếu bị Nga tấn công. Chỉ có 5 trong số 16 nước thành viên có liên quan đến nghiên cứu này - Hà Lan, Hoa Kỳ, Canada, Anh Quốc và Litva - ở đó, đại đa số những người được hỏi cho rằng nên tham gia vào một chiến dịch quân sự để tuân thủ các ràng buộc của điều khoản số 5, quy định rằng « một cuộc tấn công nhắm vào một nước thành viên được xem như là một hành động gây hấn chống lại cả khối ». Pew nhận thấy tỷ lệ này cũng đã bị sụt giảm chỉ còn có 41% ở Pháp và Tây Ban Nha, 36% ở Cộng Hòa Séc, 34% ở Đức, 33% ở Hungary, 32% ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng như là Slovakia. Tỷ lệ này còn thấp hơn ở Hy Lạp và Ý là 25% và chỉ vừa ở mức 12% tại Bulgari. Nghiên cứu này giải thích rõ vì sao tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng « NATO chết não », nguyên thủ Mỹ - Donald Trump chê là « lỗi thời » và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có thể ngang nhiên điều quân tấn đánh người Kurdistan tại Syria, đồng minh của liên quân quốc tế chống IS. (Theo RFI) |