📞

“Tổng thống Twitter”

08:00 | 07/02/2019
Trong lịch sử của Twitter, chưa có nhân vật nào dùng trang mạng xã hội này mà lại có ảnh hưởng lớn đến vậy. Mỗi dòng nhận định của ông trên Twitter đều khiến giới truyền thông, ngoại giao và doanh nghiệp náo động, phân tích và mổ xẻ. Ông là Donald Trump - Tổng thống thứ 45 của Mỹ.

Ông Donald Trump được gắn tên gọi “Tổng thống Twitter” đầu tiên trên thế giới vì trong năm đầu nhậm chức, ông đã chọn Twitter là mạng xã hội duy nhất để phát đi những thông điệp của mình.

Kênh liên lạc “vô giá”

Trả lời phỏng vấn Fox News ngay sau ngày nhậm chức, Tổng thống Trump đã tuyên bố: “Để tôi nói với bạn về Twitter. Tôi nghĩ có thể tôi đã không ngồi ở vị trí này nếu không có Twitter”.

Vị Tổng thống ở tuổi 70 cho rằng Twitter là công cụ “vô giá” giúp ông truyền tải thông điệp trực tiếp tới hàng triệu người qua trang mạng này. Twitter giúp ông tự do bày tỏ quan điểm của mình đến xã hội, nhất là khi có thông tin không đúng sự thật nhằm vào Tổng thống. 

Theo National Interests, Đại úy thủy quân lục chiến Mỹ Chris Davis đã bình luận về những dòng tweet của Tổng thống Trump, coi đây là một công cụ thông tin mạnh mẽ chưa từng có mà cơ quan hành pháp Mỹ từng sở hữu và những dòng tweet của ông Trump sẽ đi vào lịch sử.

Sự thành thạo về truyền thông đại chúng của Tổng thống Trump cũng chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ. Chỉ một giờ sau khi tuyên thệ nhậm chức, tân Tổng thống Mỹ đã đưa dòng tweet đầu tiên của mình tới hàng triệu người theo dõi qua tài khoản cá nhân trên Twitter. Những tuần sau đó, Twitter trở thành công cụ trung gian giúp ông truyền tải chính sách, thông báo về các chức vụ, trừng phạt các quan chức trong cả nội địa lẫn nước ngoài.

Có thể thấy, sự tin tưởng của ông Trump với Tweet để truyền bá đi thông điệp của mình là một khác biệt rõ rệt so với những người tiền nhiệm của ông - những người phần lớn phải dựa vào các kênh truyền thông cổ điển để chuyển tải thông điệp của họ tới thế giới.

Tích cực tweet

Mới đây, Sam Morrison, nhiếp ảnh gia 25 tuổi từ Los Angeles, đã thu được hàng triệu USD từ việc bán dép in những dòng tweet trái ngược của Tổng thống Trump. Người Mỹ rất ưa chuộng những đôi dép độc đáo này, khiến nó luôn trong trạng thái cháy hàng. (Theo Business Insider)

Thế giới giờ đã quen với việc hàng ngày vào bất cứ lúc nào, ông chủ Nhà Trắng cũng có thể tung ra những tuyên bố dài khoảng 140 ký tự, từ chính sách quan trọng đến chuyện “tào lao”. Ông tweet chăm đến nỗi nhiều người còn đùa đây là thời kỳ nước Mỹ được điều hành bằng Twitter.

Thực tế, Tổng thống Trump ngày càng sử dụng Twitter với tần suất sôi động hơn. Theo BBC, số liệu thống kê về tài khoản Twitter @realDonaldTrump của Tổng thống Trump cho thấy năm 2017, ông đã “tweet” 2.608 lần, nhiều hơn hẳn so với con số 2.251 lần năm 2016.

Ngay cả khi công du nước ngoài, Tổng thống Trump cũng không ngừng đăng bài lên Twitter. Chẳng hạn, từ lúc có mặt tại Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017, ông Trump liên tục sử dụng tài khoản mạng xã hội Twitter của mình. Ông đăng bài về APEC, về Tổng thống Nga V. Putin và thậm chí về cả vấn đề Triều Tiên. Sau đó, ông Trump đăng tải liên tiếp 5 video quay bài phát biểu của mình tại APEC 2017.

Chính Tổng thống cũng thừa nhận với kênh truyền hình Anh ITV rằng ông đăng tweet ngay cả khi còn trên giường, vào sáng sớm hoặc buổi tối, để đối phó với những thông tin sai sự thật.

Hiệu quả truyền tải

Theo bình luận viên Gilles Paris, chiến lược sử dụng Twitter để truyền tải thông điệp của ông Trump đã liên tiếp gặt hái được nhiều thành công và khiến thế giới phải theo sát. Tài khoản @realDonaldTrump hiện có tới 52 triệu người theo dõi (followers).

 Theo tờ JoongAng của Hàn Quốc, đầu tháng 1/2017, Hàn Quốc đã bổ nhiệm một vị trí mới trong Bộ Ngoại giao để theo dõi và tổng hợp các tin tweet của Tổng thống Trump. “Các thông điệp của ông Trump hiện là nguồn thông tin rõ nhất về chính sách sắp tới của chính quyền Mỹ”, tờ JoongAng nhấn mạnh.

Điện Kremlin cũng coi nội dung tài khoản Twitter của Tổng thống Trump là phát ngôn chính thức, hãng thông tấn Nga TASS cho hay.

Về phần các doanh nghiệp, theo Bloomberg, nhiều nhà đầu tư tại Mỹ chia sẻ, họ lúc nào cũng phải mang bên mình máy tính hay điện thoại để theo dõi từng động thái nhỏ nhất của Tổng thống vì chỉ cần một dòng tweet của ông Trump là cả thị trường chứng khoán Mỹ sẽ rung chuyển.

Ông Michael O’Rourke, Giám đốc chiến lược thị trường tại công ty chứng khoán JonesTrading cho biết: “Bất cứ khi nào đang thức giấc, tôi đều trong trạng thái làm việc. Hầu như lúc nào, tôi cũng phải dán mắt vào màn hình máy tính hoặc điện thoại, nhỡ đâu ông Trump lại đăng một thông báo trên Twitter khiến cả thị trường đảo lộn”.

Nói chung, các nhà đầu tư trên khắp thế giới đã quá quen với kiểu mẫu: ông Trump đăng tweet và cả thị trường biến động. Chẳng hạn, ông Trump đăng tin các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc đang diễn ra thuận lợi và thế là thị trường tăng điểm. Hồi tháng 4/2018, ông Trump chỉ trích hai hãng công nghệ lớn là Toyota và Lockheed-Martin và cổ phiếu của các hãng này đỏ lửa…

Hiệu ứng không mong muốn

Người ta dễ bị “vạ miệng” khi phát ngôn nhưng Tổng thống Trump còn hay “vạ lời” khi tweet khiến dư luận trong nước cũng như thế giới “dậy sóng”.

Chỉ bằng cách đăng những dòng trạng thái trên Twitter chỉ trích hãng bán lẻ trực tuyến Amazon, Tổng thống Trump đã khiến cho khối tài sản ròng cá nhân của ông Jeff Bezos, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của hãng này “bốc hơi” 16 tỷ USD chỉ trong vòng 1 tuần hồi tháng 4/2018.

Hồi cuối tháng 6 năm ngoái, ông Trump gây “bão dư luận” khi đăng đàn Twitter gọi người nhập cư là “những kẻ xâm lược” và kêu gọi trục xuất họ ngay lập tức mà không cần quan tòa xét xử.

Theo CNN, những tuyên bố mới của ông Trump trên Twitter đã vấp phải vô số chỉ trích, kể cả từ chính các thành viên đảng Cộng hòa. Trong một thông điệp đáp trả trên mạng xã hội, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Ileana Ros-Lehtinen gọi các phát biểu của Tổng thống là “vô căn cứ”, “gây mâu thuẫn” và bôi xấu những người khao khát cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đối với các vấn đề quốc tế, những dòng tweet “gây sốc” của ông Trump cũng xảy ra thường xuyên. Chẳng hạn, ngày 11/4/2018, Tổng thống Trump viết trên trang Twitter cá nhân: “Nga tuyên bố bắn hạ bất cứ tên lửa nào bắn vào Syria. Nga hãy sẵn sàng, bởi vì các tên lửa đang tới. Đó là những tên lửa mới và thông minh!...”.

Sau đó, Mỹ không bắn quả tên lửa nào vào Syria và Nhà Trắng đã phải nhanh chóng có lời “giải thích lại”. Thư ký Nhà Trắng Sarah Sanders nói với báo giới Mỹ có nhiều lựa chọn cho vấn đề Syria chứ không chỉ có hành động quân sự.

Hay như sau khi Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong bài phát biểu Năm mới khẳng định nút kích hoạt hạt nhân luôn nằm trên bàn ông làm việc, Tổng thống Mỹ đã lập tức đáp trả. Trên Twitter ngày 2/1/2018, ông Trump nhấn mạnh ông “cũng có nút kích hoạt hạt nhân nhưng nó to và uy lực hơn nhiều” của nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Bình luận từ Tổng thống Mỹ đã vấp phải không ít ý kiến phản đối. Những người chỉ trích cho rằng chiến lược ngoại giao Twitter của ông Trump đã tệ nhưng chiến lược hạt nhân thông qua Twitter còn tồi tệ gấp nhiều lần và có thể dẫn tới những hệ lụy khủng khiếp. Giới phân tích lúc đó lo sợ hành động của ông sẽ gây ảnh hưởng tới quan hệ của Mỹ với các nước, thậm chí dẫn tới chiến tranh hạt nhân, theo USA Today…

Nói cho cùng, đối với những tweet “gây sốc”, thì đến Ngoại trưởng Mỹ cũng không trở tay kịp vì Tổng thống Trump vào mạng không theo quy ước. Nội dung mà ông Trump định đăng tải trên mạng xã hội không ai được biết trước nên các quan chức Nhà Trắng cũng không thể làm bất cứ điều gì để chuẩn bị, CNN bình luận.

Theo sáng kiến của diễn viên hài Trevor Noah, một cuộc triển lãm lấy cảm hứng từ các phát ngôn của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên Twitter đã được mở tại West Hollywood, bang California, Mỹ vào tháng 6/2018. Triển lãm “Thư viện Twitter của Tổng thống Donald Trump” là dịp mà công chúng có thể tìm xem toàn bộ 35.000 thông điệp Twitter của ông Trump từ năm 2009, khi vị tổng thống này bắt đầu mở tài khoản Twitter cá nhân. (Theo CNN)