📞

Tổng thư ký LHQ: Cách duy nhất để thế giới thoát khỏi đại dịch là tiêm chủng toàn cầu

Bảo Hà 15:27 | 01/12/2021
Ngày 30/11, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres nhận định, “cách duy nhất để thế giới thoát khỏi đại dịch, tình trạng bất công và khủng hoảng nhân đạo là thông qua một chiến dịch tiêm chủng toàn cầu”.
Theo Tổng thư ký THQ, tiêm chủng toàn cầu là cách tốt nhất để đưa thế giới vượt qua đại dịch. (Nguồn: Unicef)

Phát biểu tại cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao Nhóm các nước đang phát triển (G77) và Trung Quốc tại trụ sở LHQ ở New York, Tổng thư ký Guterres nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục tàn phá các nước phát triển và các nước đang phát triển.

Ông cho biết, LHQ đang hỗ trợ chiến lược tiêm chủng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với mục tiêu tiêm cho 40% dân số thế giới vào cuối năm nay và 70% vào giữa năm 2022.

Cùng với việc kêu gọi ủng hộ cơ chế Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với Covid-19 (ACT-A) và cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX, người đứng đầu LHQ cho rằng, mọi người dân trên thế giới đều có quyền tiếp cận vaccine ngừa Covid-19, quyền được xét nghiệm và điều trị.

Về đại dịch Covid-19, Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương và vai trò của thể chế đa phương lớn nhất thế giới trong ứng phó đại dịch.

Theo ông Guterres, Nhóm các cơ quan LHQ (UNCT) vừa qua đã công bố kế hoạch ứng phó trên lĩnh vực kinh tế-xã hội cho 139 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 3 tỷ USD sẽ dành cho các ưu tiên hỗ trợ khẩn cấp, ngoài ra sẽ huy động thêm 2 tỷ USD.

Người đứng đầu LHQ cho rằng, những cải cách gần đây cho phép LHQ điều chỉnh và phản ứng nhanh chóng. Kết quả là hơn 90% chính phủ các nước cho rằng sự hỗ trợ của LHQ phù hợp nhu cầu phát triển của các nước hơn so với ba năm trước đây.

Cũng tại cuộc họp trên, Tổng thư ký Guterres cho biết, kinh tế thế giới dự kiến tăng trưởng 5,9% trong năm nay, song tốc độ hồi phục giữa các quốc gia không đồng đều.

Liên quan nỗ lực toàn cầu triển khai Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, ông kêu gọi các nước tăng cường nỗ lực trong “thập kỷ hành động” này và điều này đặc biệt quan trọng để đạt được toàn cầu hóa một cách công bằng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ngăn chặn xung đột.

(theo UN)