Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho rằng thực trạng ở Afghanistan sẽ ảnh hưởng tới cả thế giới. (Nguồn: Reuters) |
Nỗi lo chung
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres nhấn mạnh: “Nếu chúng ta không hành động và giúp người Afghanistan vượt qua cơn bão này, và nếu chúng ta không làm điều đó sớm, không chỉ họ mà cả thế giới sẽ phải trả giá đắt”.
Những bày tỏ của ông Guterres được đưa ra trước khi nhóm G20 nhóm họp để thảo luận về tình hình Afghanistan, vốn đang chìm trong khủng hoảng.
Hiện tại, ít nhất 18 triệu người, khoảng một nửa dân số Afghanistan bị ảnh hưởng bởi tình hình đất nước.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc cảnh báo: “Nhiều người Afghanistan không có thức ăn, không có việc làm, không được bảo vệ quyền lợi. Chúng ta sẽ thấy ngày càng nhiều người Afghanistan phải rời bỏ nhà cửa để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ đó, nạn buôn bán ma túy bất hợp pháp, mạng lưới tội phạm và khủng bố cũng có thể sẽ gia tăng”.
Ông Guterres cho rằng thực trạng này “sẽ không chỉ ảnh hưởng xấu đến Afghanistan, mà còn cả khu vực và phần còn lại của thế giới”.
Chạy đua với thời gian
Bất chấp nhiều trở ngại, Liên hợp quốc đã triển khai một số hoạt động nhân đạo quy mô lớn ở Afghanistan.
Ông Guterres nói rằng các cơ quan của Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ khác đang "chạy đua với thời gian" để cung cấp viện trợ cứu người dân trước khi mùa Đông đến.
“Chúng tôi sẽ không bỏ cuộc”, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đảm bảo.
Chỉ trong tháng 9, hơn 3,8 triệu người dân Afghanistan đã nhận được hỗ trợ lương thực; 21.000 trẻ em và 10.000 phụ nữ được điều trị suy dinh dưỡng cấp tính; 32.000 người đã nhận được các mặt hàng thiết yếu bao gồm chăn, quần áo ấm cho mùa Đông.
Bên cạnh đó, khoảng 450.000 người được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sơ cấp và thứ cấp; 160.000 nông dân và người chăn nuôi được hỗ trợ sinh kế; 12.000 người được hỗ trợ khẩn cấp về tâm lý-xã hội và sức khỏe tâm thần.
Để đạt được điều này, ông Guterres cho biết các cơ quan của Liên hợp quốc đã hành động với sự hợp tác của Taliban khi lực lượng này “dần dần cấp quyền tiếp cận các khu vực và đảm bảo an ninh khi cần thiết".
Taliban đã nhiều lần hứa sẽ bảo vệ quyền của tất cả người Afghanistan nhưng lời hứa đã bị phá vỡ. (Nguồn: AFP) |
Giám đốc Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), bà Natalia Kanem vừa qua cảnh báo Afghanistan đang đối mặt với nạn đói cận kề khi mùa Đông sắp đến và các dịch vụ bị gián đoạn. Trong khi đó, hệ thống y tế của nước này đang có nguy cơ sụp đổ và các nỗ lực viện trợ của quốc tế hiện mới chỉ "như muối bỏ bể". |
Giúp nền kinh tế "thở" trở lại
Bên cạnh việc nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động nhân đạo, ông Guterres cũng đưa ra cảnh báo rằng “sẽ không giải quyết được vấn đề nếu nền kinh tế của Afghanistan sụp đổ”.
Trước khi Taliban tiếp quản chính quyền vào tháng 8, nền kinh tế vốn mỏng manh của Afghanistan “sống nhờ” viện trợ nước ngoài. Tình trạng này đã kéo dài trong hơn 20 năm qua.
Hiện tại, nền kinh tế Afghanistan đang suy sụp khi tài sản bị đóng băng và viện trợ phát triển bị tạm dừng. Các dịch vụ thiết yếu ví dụ như chăm sóc sức khỏe, bị đình chỉ ở nhiều nơi.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc lập luận: “Chúng ta cần tìm cách làm cho nền kinh tế ‘thở’ trở lại”. Theo ông, điều này có thể được thực hiện mà không vi phạm luật pháp quốc tế hay các nguyên tắc thỏa hiệp”. Cụ thể, Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi thế giới bơm tiền mặt vào Afghanistan để ngăn chặn nền kinh tế của nước này sụp đổ.
Có thể trở về từ "vực thẳm"?
Ông Guterres khẳng định: “Trách nhiệm chính trong việc tìm đường trở lại từ vực thẳm của Afghanistan thuộc về chính lực lượng đang quản lý đất nước này”.
Khi giành lại quyền kiểm soát đất nước, Taliban đã nhiều lần hứa sẽ bảo vệ quyền của tất cả người Afghanistan.
Thế nhưng, theo ông Guterres: “Những cam kết bị phá vỡ khiến giấc mơ của phụ nữ và trẻ em gái tan vỡ. Phụ nữ và trẻ em gái cần được quan tâm nhiều hơn”.
Nhớ lại những chuyến thăm Afghanistan của mình, ông Guterres chia sẻ: “Tôi vô cùng xúc động trước sự dũng cảm, kiên cường, quyết tâm của những phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan”. Bây giờ, ông Guterres “đặc biệt lo lắng” khi thấy lực lượng Taliban phá vỡ lời hứa của họ.
Khoảng 80% nền kinh tế của Afghanistan là phi chính thức và do phụ nữ chi phối. Vì vậy, nếu không có sự tham gia tích cực của phụ nữ, ông Guterres, không có cách nào để nền kinh tế Afghanistan có thể phục hồi.
Kể từ năm 2001, 3 triệu trẻ em gái đã đăng ký đi học. Chương trình giáo dục cơ bản đã tăng từ 6 năm lên 10 năm.
Do vậy, hơn bao giờ, Tổng Thư ký Liên hợp quốc mạnh mẽ kêu gọi Taliban giữ lời hứa với phụ nữ và trẻ em gái và thực hiện nghĩa vụ của mình theo luật nhân quyền quốc tế.
| Nếu nóng vội, có thể sẽ vuột cơ hội hợp tác Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia Vũ Viết Dũng cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt được cơ hội hợp ... |
| Đại hội đồng Liên hợp quốc: Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gửi thông điệp 'hậu Afghanistan' Ngày 20/9, theo một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ, trong bài phát biểu sắp tới tại Đại hội đồng Liên hợp quốc ... |