TP. Hồ Chí Minh đưa ra dự thảo kế hoạch mở cửa trường học. |
Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh vừa có dự thảo kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp, trong đó địa bàn cấp độ 1 và 2 (nguy cơ thấp và trung bình) sẽ tổ chức dạy trực tiếp, không tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường.
Sở GD&ĐT cho biết giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên bắt đầu học trực tuyến từ ngày 1/9/2021 (trung học) và 8/9/2021 (tiểu học). Ngành giáo dục thành phố xác định việc học trực tuyến sẽ kéo dài trong học kỳ I. Giáo dục mầm non chưa bắt đầu năm học mới.
Theo Sở GD&ĐT, để mở cửa trở lại, các ngành hoạt động, phục hồi kinh tế, phải tính toán cho học sinh quay lại trường. Đây là điều kiện rất quan trọng giúp các địa phương sớm ổn định, giúp phụ huynh yên tâm đi làm. Việc tận dụng khoảng thời gian học trực tiếp vừa là điều kiện rất cần thiết để đảm bảo chất lượng giáo dục, vừa là điều kiện cơ bản để ổn định xã hội.
Tâm lí người dân còn lo lắng về an toàn khi cho trẻ đến trường, cần có phương án từng bước, ưu tiên khối nhỏ (để người lớn đi làm), chính khóa, kết hợp với công tác truyền thông, để người dân hiểu, đồng tình đưa trẻ đến trường.
Mục tiêu đặt ra là đảm bảo an toàn khi tổ chức hoạt động giáo dục đào tạo trực tiếp tại các cơ sở giáo dục phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19.
Phương án cho các cấp độ dịch
Phương án mở cửa trường học cho học sinh học trực tiếp của Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh như sau:
Địa bàn cấp độ 1 và 2 (nguy cơ thấp và trung bình) tổ chức dạy học trực tiếp; không tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường. Những cơ sở giáo dục ngoài công lập nếu đảm bảo các điều kiện an toàn, được Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 chấp thuận có thể bố trí nội trú, bán trú, xe đưa rước học sinh.
Đảm bảo giãn cách, đảm bảo đánh giá an toàn theo bộ tiêu chí đánh giá an toàn Covid-19 trong ngành giáo dục do UBND thành phố ban hành. Củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học qua Internet khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Các cơ sở giáo dục đại học được tổ chức dạy học trực tiếp nếu đáp ứng Bộ tiêu chí an toàn trường học, đảm bảo đội ngũ nhà giáo và sinh viên tham gia dạy - học trực tiếp đã được tiêm đủ liều vaccine, đảm bảo các quy định phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương.
Hiện TP. Hồ Chí Minh có 9 quận, huyện đạt cấp 1 (bình thường mới); 12 địa phương cấp 2 (nguy cơ trung bình) và 1 quận ở cấp 3 (nguy cơ cao).
Cụ thể, vùng xanh (cấp độ 1) gồm: Thành phố Thủ Đức, các quận Gò Vấp, Tân Bình, 1, 7, 8, 10, Cần Giờ, Củ Chi. Vùng vàng (cấp độ 2) gồm quận huyện: 3, 4, 5, 6, 11, 12, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Phú, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh. Bình Tân là địa phương duy nhất ở vùng cam (cấp độ 3).
Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao) tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình; Không tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài lớp học.
Căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương quyết định kế hoạch dạy học cho từng lớp, khối lớp. Với cấp học phổ thông, ưu tiên dạy trực tiếp các lớp 1, lớp 2, lớp 6, lớp 9 và lớp 12.
Tổ chức học trực tiếp cho học sinh, học viên, sinh viên bố trí lệch ca, lệch giờ; không tập trung đông người, giãn cách tối đa, đảm bảo giới hạn về số người học/lớp theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn Covid-19 trong ngành giáo dục do UBND thành phố ban hành và được ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 đánh giá an toàn.
Đối với các địa bản được xác định ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao) tổ chức hình thức dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học.
Với cấp học mầm non và phổ thông, giáo viên hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em, học sinh học tập, vui chơi tại nhà theo hình thức phù hợp.
Phối hợp với phụ huynh để hướng dẫn học sinh sử dụng hiệu quả, an toàn các thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, học qua truyền hình; Có phương án chuyển tài liệu học tập đến những học sinh còn thiếu thiết bị học tập trực tuyến, học qua truyền hình.
Mầm non bắt đầu bằng học 1 buổi
Theo dự thảo, chỉ những giáo viên được tiêm vaccine phòng Covid-19 trước 2 tuần mới được bắt đầu vào trường. Giáo viên tiêm đủ liều vaccine dược phép di chuyển từ nhà đến trường để làm việc.
Đối với mầm non: thời gian đầu chỉ nhận giữ trẻ 1 buổi, không ăn sáng, không bán trú, chia đôi lớp và bố trí lệch buổi. Sau mỗi tuần, Phòng GD&ĐT đánh giá độ an toàn và các điều kiện để tham mưu UBND huyện điều chỉnh phương án theo hướng mở dần (tổ chức ăn sáng, bán trú, bỏ tách lớp...).
Đối với giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên: Giao từng trường chủ động xây dựng phương án tổ chức hoạt động nhà trường để linh hoạt thực hiện việc dạy học phù hợp với quy định cấp độ dịch tại địa phương nơi trường trú đóng và được Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 đánh giá an toàn.
| GS. Trương Nguyện Thành: Muốn khởi nghiệp thành công, phải 'điên' có tính toán GS. Trương Nguyện Thành (Đại học Utah, Mỹ) khuyên các bạn trẻ khi đang có ý định khởi nghiệp: Nên làm công trước khi làm ... |
| TP. Hồ Chí Minh: Sáng nay, 1.000 học sinh đầu tiên sẽ tiêm vaccine Covid-19 Sáng nay (27/10), hơn 1.000 học sinh từ 12-17 tuổi trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh sẽ được tiêm vaccine Covid-19. |