Học sinh TP. Hồ Chí Minh đến trường. (Nguồn: Vietnamnet) |
Ông Lê Minh Dũng, Bí thư Huyện uỷ Cần Giờ, cho biết huyện đang xây dựng kế hoạch trên để trình UBND thành phố và Sở GD&ĐT phê duyệt.
Ông Dũng cho hay việc học trực tuyến đối với những học sinh khối nhỏ tương đối khó khăn. Kế hoạch cho học sinh trở lại trường ngoài các biện pháp phòng chống dịch bệnh thì phải căn cứ vào bộ tiêu chí an toàn từ giáo viên, trường học tới học sinh. Trước tiên, huyện sẽ ưu tiên cho khối lớp 1, 2, đầu cấp, cuối cấp.
Trước đó, Sở GD&ĐT đề xuất phương án mở cửa lại trường học ở TP. Hồ Chí Minh. Theo Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh để mở cửa trở lại các ngành hoạt động, phục hồi kinh tế, cần tính toán cho học sinh quay lại trường.
Đây là điều kiện rất quan trọng giúp sớm ổn định, để người lớn yên tâm đi làm. Mặt khác tận dụng “khoảng thời gian vàng” để học sinh được học trực tiếp vừa là điều kiện rất cần thiết để đảm bảo chất lượng giáo dục, vừa là điều kiện cơ bản để ổn định xã hội.
Khi TP Thủ Đức và các quận, huyện được xác định là an toàn trong phòng, chống Covid-19 theo các tiêu chí chung của thành phố, UBND cấp quận, huyện xây dựng kế hoạch mở cửa trường học với các yêu cầu cơ bản.
Cụ thể là: địa phương phải xác định là an toàn trong phòng, chống Covid-19; Cơ sở giáo dục được đánh giá an toàn theo Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống Covid-19 trong trường học; Đội ngũ giáo viên phải được tiêm đủ 2 mũi vaccine trước ngày đến trường ít nhất 2 tuần; Chỉ tổ chức học trực tiếp cho những học sinh trong địa bàn và trên tinh thần tự nguyện.
Ngoài ra vẫn tiếp tục tổ chức tốt dạy – học trên môi trường internet, qua truyền hình… để đáp ứng yêu cầu của những học sinh không thể học trực tiếp cũng như bổ trợ, song hành cùng học trực tiếp trên lớp.
Theo đánh giá của Bộ Y tế thì hiện nay Quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ ở TP. Hồ Chí Minh đã đạt tiêu chí vùng xanh trong chống dịch Covid-19.