Các nhà lãnh đạo của 12 nền kinh tế TPP. (Nguồn: AFP) |
Theo thông báo ngày 21/1 của Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay, Lễ ký kết chính thức Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ diễn ra vào ngày 4/2 tại thành phố Auckland (New Zealand).
"Lễ ký sẽ đánh dấu kết thúc quá trình đàm phán TPP. Sau khi ký kết, 12 quốc gia có thể bắt đầu quá trình phê chuẩn trong nước và có hai năm để hoàn thành việc này trước khi hiệp định có hiệu lực", Bộ trưởng Todd McClay nói.
Toàn bộ nội dung thoả thuận phải được phê chuẩn một cách thống nhất và không có quyền thay đổi, trong đó có thể có điều luật ràng buộc Chính phủ và cơ quan lập pháp của các nước. Tuy nhiên, hiện có nhiều ý kiến phản đối cho rằng, việc phê chuẩn TPP sẽ đe doạ quyền lao động cũng như các hoạt động bảo vệ môi trường và cơ hội sử dụng thuốc men với giá thấp hơn.
Các nước thành viên TPP đạt thỏa thuận cuối cùng vào ngày 5/10 tại Atlanta (Mỹ). Tiếp nối thỏa thuận đạt được, 12 nước thành viên của Hiệp định đã công bố toàn bộ văn bản chính thức về TPP hồi tháng 11/2015.
Tổng thống Mỹ Barack Obama từng mô tả thỏa thuận này như là "nền tảng của thương mại thế kỷ 21". Tuy nhiên, hiệp định cũng được đánh giá là quá tham vọng, bởi nếu thỏa thuận được thông qua, hàng rào thuế quan được nới lỏng, từ đó giảm đáng kể chi phí thương mại giữa các thành viên.
12 quốc gia thành viên của TPP gồm, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% nền kinh tế toàn cầu.