TIN LIÊN QUAN | |
RCEP bước vào thời khắc quan trọng | |
Các nước TPP khẳng định tầm quan trọng của thỏa thuận |
Nhật Bản đang ráo riết vận động nhóm họp các thành viên còn lại của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhằm đưa ra một tuyên bố chung về khả năng tiếp tục theo đuổi một Hiệp định TPP không có Mỹ (TPP-11) và xem xét cách thức thực hiện.
“Chúng tôi sẽ bắt đầu các cuộc thảo luận TPP-11 trong cuộc họp giữa các Trưởng phái đoàn đàm phán dự kiến diễn ra tại Canada vào đầu tháng 5 tới và tại cuộc họp giữa các Bộ trưởng kinh tế tại Việt Nam vào ngày 20/5 và ngày 21/5, bên lề Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Hà Nội”, Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso đã thông báo như vậy tại cuộc họp diễn ra ở New York hôm 19/4.
TPP-11 là di sản lớn đáng để Thủ tướng Shinzo Abe theo đuổi. (Nguồn: AFP) |
TPP-11, không có Mỹ
Ngày 25/4, Chính phủ Nhật Bản cũng đã ra thông báo chỉ định Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề kinh tế Keiichi Katakami kiêm nhiệm vị trí Trưởng đoàn đàm phán TPP. Vị trí này vốn đã để trống sau khi người tiền nhiệm Hiroshi Oe tiếp nhận vị trí Trưởng đoàn ngoại giao Nhật Bản tại Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Đây là động thái mới nhất thể hiện Nhật Bản mong muốn tiên phong trong nỗ lực hiện thực hóa TPP, bất chấp việc thành viên lớn nhất của Hiệp định rút lui.
Nhận định về vấn đề này, tờ Financial Times cho rằng, Nhật Bản đã sẵn sàng tái triển khai TPP mà không có Mỹ. Các quan chức Nhật Bản cho biết, nước này đã sẵn sàng triển khai mà không thay đổi nhiều nội dung đã đàm phán trong TPP.
Theo thỏa thuận trước đó, TPP sẽ chỉ có hiệu lực khi được ít nhất các thành viên đóng góp 85% GDP toàn khối phê chuẩn (tức là không thể thiếu Mỹ hoặc Nhật Bản). Vì vậy, việc Mỹ - thành viên chiếm đến 60% GDP toàn khối tuyên bố rút đồng nghĩa việc hiện thực hóa TPP không còn khả thi. Bởi vậy, để hiện thực hóa được TPP-11, các nước thành viên còn lại phải nỗ lực hơn nhằm sửa đổi lại các điều khoản mà không có Mỹ và các cuộc đàm phán mới sẽ phải sớm được tiến hành.
Nhiều nước kỳ vọng Nhật Bản sẽ đi đầu trong nỗ lực này. Theo một quan chức ngoại giao của Singapore, TPP sẽ không có tương lai nếu thành viên lớn thứ hai - Nhật Bản không hành động. Ngay cả một vài chuyên gia và nghị sĩ của Mỹ cũng ủng hộ việc Nhật Bản thay thế Mỹ trong việc thúc đẩy khu tự do thương mại tại châu Á. Đã có nhiều lo ngại rằng việc Mỹ rút khỏi TPP có thể giúp Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại khu vực.
Thủ tướng Shinzo Abe. |
Cờ đến tay Nhật Bản
Như Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng tuyên bố hồi tháng 11 năm ngoái khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi TPP ngay trong ngày làm việc đầu tiên tại Nhà Trắng, cho đến gần đây Tokyo vẫn cho rằng “TPP vô nghĩa nếu không có Mỹ”. Nhưng nay, dường như Nhật Bản đã thay đổi quan điểm.
Chính quyền của Thủ tướng Abe từng mong chờ khả năng Mỹ đổi ý và quay lại TPP. Nhưng trong chuyến thăm Nhật Bản mới đây của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, Chính phủ Nhật Bản đã xác nhận lại chuyện Mỹ quay lại với TPP dường như là không thể xảy ra. Trong các cuộc đàm phán kinh tế với ông Taro Aso, ông Pence tuyên bố rõ, TPP là chuyện quá khứ của Mỹ, thay vào đó Mỹ sẽ thúc đẩy thỏa thuận thương mại song phương với Nhật Bản. Điều đó khiến Nhật Bản “chốt” quyết định xúc tiến việc thực hiện TPP-11, trong lúc vẫn hy vọng Mỹ xem xét lại.
Tất nhiên, đi đến quyết định này, Nhật Bản đã phải cân nhắc tới việc sẽ giải quyết hàng loạt các vấn đề khó khăn như: nên làm gì với các hạn ngạch nhập khẩu gạo và sữa vốn đã được thiết kế cho một TPP có Mỹ. Nền kinh tế lớn nhất TPP-11 cũng sẽ phải đối mặt với yêu cầu mở cửa thị trường nhiều hơn so với điều kiện của TPP trước…
Tuy nhiên, theo phân tích của Giáo sư Kenichi Kawasaki thuộc Viện Nghiên cứu chính sách Nhật Bản, những nỗ lực của nước này sẽ không vô nghĩa, TPP vẫn mang lại lợi ích kinh tế dù không có Mỹ. TPP -11 vẫn có thể giúp tăng GDP thực của Nhật Bản thêm khoảng 1,11% - thấp hơn một chút so với mức tăng 1,35% trong trường hợp Mỹ tham gia TPP. Việc hồi sinh TPP còn giúp Nhật Bản thắt chặt quan hệ với các đối tác quan trọng trong khu vực như Việt Nam, Australia và đẩy lùi một phần làn sóng chống toàn cầu hóa vốn đang lan rộng.
Việc Nhật Bản theo đuổi TPP còn được coi là một đối trọng cho kế hoạch theo đuổi các hiệp định song phương của Washington. Chính quyền Trump đã chọn cách tiếp cận ngắn hạn về thương mại và không tỏ ra hứng thú trong việc tạo ra các luật lệ cho tự do thương mại đa phương - vốn là nguyên tắc cơ bản của TPP. Nhật Bản muốn là nhân tố chủ chốt, tiếp tục triển khai nguyên tắc này với các quốc gia khác.
Ở một khía cạnh khác, tờ Nikkei bình luận, đối với Thủ tướng Abe, nhiệm kỳ của ông sẽ kéo dài đến tháng 9/2021 - tám tháng sau khi nhiệm kỳ hiện tại của Tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc. Như vậy, việc hiện thực hóa TPP ngay cả khi không có Mỹ, chắc chắc sẽ là di sản lớn đáng để Thủ tướng Abe theo đuổi.
Tuy nhiên, khi các nước như Nhật Bản và Australia xem ra đã sẵn sàng, thì họ vẫn sẽ không dễ dàng thuyết phục được các thành viên khác, vốn đã nhân nhượng rất nhiều khi Mỹ còn là một thành viên của hiệp định. Đối với một số quốc gia, không còn cơ hội tiếp cận thị trường Mỹ đồng nghĩa với việc cần phải đàm phán lại.
Khởi động vòng đàm phán về thương mại châu Á sau khi Mỹ rút khỏi TPP Ngày 27/2 , các quan chức cấp cao từ 16 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương tham gia đàm phán Hiệp định đối ... |
Nhật Bản, Canada thảo luận cách đối phó việc Mỹ rút khỏi TPP Trong cuộc điện đàm ngày 22/2, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Canada Justin Trudeau đã thảo luận về cách thức ... |
TPP bất thành, Việt Nam đẩy mạnh quan hệ với các nước láng giềng Theo Bloomberg, việc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khó được thông qua sẽ khiến Việt Nam chuyển hướng sang các nước ... |