📞

Trách nhiệm nhà giáo và quyền trẻ em

07:00 | 25/02/2017
Chúng ta đã có nhiều nỗ lực đáng kể nhưng vẫn chưa thực sự bảo vệ trẻ em một cách hiệu quả. Vẫn còn nhiều khoảng trống, nhiều tồn tại trong việc này.

Đó là quan điểm của Chuyên gia tâm lý - Tiến sĩ Khuất Thu Hồng (ảnh trên), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội trong trao đổi với báo TG&VN sau sự việc nam học sinh bị gãy chân ở trường Nam Trung Yên xôn xao dư luận thời gian qua.

Thưa TS. Khuất Thu Hồng, câu chuyện bảo vệ trẻ lại được quan tâm hơn bao giờ hết sau sự việc một học sinh bị gãy chân ở trường. Tại sao dư luận lại quan tâm sự việc này đến như vậy, thưa bà?

Trong câu chuyện này, có nhiều vấn đề. Thứ nhất, người giáo viên thể hiện thiếu trách nhiệm đối với học sinh của mình, gián tiếp gây ra tai nạn lại chối bỏ trách nhiệm. Thứ hai, ép buộc các giáo viên và học sinh nói dối. Đến khi gia đình của cháu bé đưa vấn đề này ra dư luận nhưng cô hiệu trưởng vẫn không thành khẩn nhận trách nhiệm của mình mà vẫn tiếp tục nói dối.

Tôi nghĩ đây là điều không thể chấp nhận được với tư cách là một nhà giáo, chưa kể lại là người có trách nhiệm trong trường. Dư luận bức xúc và phẫn nộ cũng là điều dễ hiểu.

Phải chăng mức độ nghiêm trọng không chỉ là một vụ tai nạn, lớn hơn đó là niềm tin và đạo đức bị đánh cắp, thưa bà?

Câu chuyện tai nạn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, với bất kỳ ai. Nhưng ở đây, cách hành xử, giải quyết vụ tai nạn mới là vấn đề. Riêng việc sử dụng quyền lực của mình để gây sức ép, ép buộc những người dưới quyền cũng như học sinh của mình phải nói dối, cung cấp bằng chứng giả rõ ràng cho thấy sự thiếu trách nhiệm, thiếu trung thực, thiếu tính chuyên nghiệp của một nhà giáo.

Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ việc phản ảnh thực trạng những người có trách nhiệm không nhận ra khuyết điểm của mình. Họ thường để đến khi không thể trốn tránh được nữa mới thừa nhận. Việc không tự giác nhận trách nhiệm, thiếu lòng tự trọng của một bộ phận những người có quyền lực, có vị trí nhất định, tạo ra sự khủng hoảng niềm tin trong xã hội.

Tôi nghĩ bất kỳ một người nào, những người làm trong khu vực công, cung cấp các dịch vụ công, nhất là bác sĩ, công an… đều phải là người đề cao tính chuyên nghiệp, tính trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của mình, chứ không chỉ giáo viên.

Tuy nhiên, giáo viên là những người làm việc với trẻ em nên yêu cầu đó càng nghiêm ngặt hơn vì là tấm gương cho trẻ. Nếu người thầy nói dối, thiếu trách nhiệm thì đấy thực sự là tấm gương xấu. Lúc ấy không hiểu, họ sẽ dạy gì cho trẻ em?

Câu chuyện đáng tiếc vừa qua đã phần nào nói lên thực trạng chung trong các trường học, trong ngành giáo dục, đó là bệnh thành tích, nặng dạy chữ nhưng nhẹ dạy người.

Ngành giáo dục cũng đã có những nỗ lực để thay đổi căn bệnh này nhưng tôi nghĩ cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa. Tự bản thân mỗi người làm trong ngành giáo dục, mỗi thầy cô phải nhận ra và thay đổi chính bản thân mình.

Theo bà, chúng ta đã làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em hay chưa? Trẻ em đã thực sự được hưởng đầy đủ quyền của mình?

Thực tế, chúng ta đã cố gắng, nỗ lực rất lớn để chăm sóc và bảo vệ trẻ em trong những năm vừa qua. Quyền trẻ em đã được công bố ở Việt Nam. Chính phủ cũng đã ký Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em, phổ biến giáo dục để các cơ quan có trách nhiệm thực hiện cũng như giúp trẻ em nắm được quyền của mình.

Tuy nhiên trong thực tế, tôi thấy ở rất nhiều nơi, việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em chưa được tốt. Vẫn còn nhiều khoảng trống, nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra trong trường học. Cụ thể, tình trạng ngược đãi trẻ em, làm nhục thân thể, bắt trẻ em phải lao động sớm vẫn còn tồn tại. Một bộ phận trẻ em chưa được hưởng đầy đủ quyền cơ bản của mình như quyền được học tập, vui chơi, được chăm sóc, bảo vệ…

Số liệu mỗi năm có hàng nghìn trẻ em bị xâm hại tình dục cũng là một lời cảnh báo. Trước thực trạng như vậy thì làm sao có thể nói chúng ta đã bảo vệ đầy đủ quyền trẻ em được?

Ở các nước có cơ chế bảo vệ học sinh như thế nào khi gặp trường hợp tương tự?

Nếu sự việc đáng tiếc này xảy ra ở các nước khác thì chắc chắn việc đầu tiên là hiệu trưởng đó sẽ phải từ chức, có thể sẽ phải ra tòa để chịu trách nhiệm về những hành động sai trái của mình. Ép buộc các giáo viên và học sinh khai báo sai còn thêm tội cung cấp bằng chứng giả mạo, lừa dối thì tội còn nặng hơn, có thể còn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Xây dựng trường học thân thiện để bảo vệ trẻ em, đồng thời, nâng cao kỹ năng sống, tăng cường quyền trẻ em và can thiệp, hỗ trợ kịp thời cho trẻ có nguy cơ bị tổn thương là những vấn đề cấp bách hiện nay. Vậy có những rào cản nào đối với việc Việt Nam tiến xa hơn nữa trong nỗ lực giải quyết các vấn đề về trẻ em?

Tôi nghĩ rào cản lớn nhất là nhận thức của người dân cũng như các thiết chế xã hội. Chẳng hạn như gia đình, nhà trường, cộng đồng chưa thực sự làm tròn trách nhiệm của mình. Luật pháp bảo vệ trẻ em chưa được thực hiện nghiêm túc.

Tuy nhiên, sự cố này cho thấy các cơ quan truyền thông đã vào cuộc mạnh mẽ. Vụ việc được phanh phui, tạo sức ép dư luận buộc các cơ quan hữu quan phải vào cuộc, giải quyết các vấn đề. Nếu truyền thông luôn tích cực, kiên quyết mạnh mẽ như vậy sẽ tạo cơ hội giúp cho xã hội nhận thức vấn đề tốt hơn, có những hành động thiết thực hơn.

Xin cảm ơn bà!

(thực hiện)