Trái đất - những hình ảnh sống động nhìn từ vệ tinh
15:35 | 30/11/2017
Sắc lá vàng và đỏ thơ mộng có lẽ là hình ảnh quen thuộc mà nhiều người hay liên tưởng đến khi nói về mùa Thu. Tuy nhiên, những tấm ảnh chụp từ vệ tinh lại cho ta một cảm nhận hoàn toàn khác biệt về mùa Thu quanh thế giới.
Tấm ảnh chụp lúc lá chuyển màu rực rỡ nhất tại công viên Baxter ở khu vực Bắc - Trung bang Maine, vùng Đông Bắc nước Mỹ. Lá vàng và đỏ thường xuất hiện sớm nhất ở nơi có độ cao lớn và các vĩ độ gần cực Bắc. (Nguồn: NASA)
Những cồn cát như là lớp sóng bao phủ eo biển Lagoa dos Barros bên bờ Đại Tây Dương ở miền Nam Brazil. Cồn cát được tạo bởi các luồng gió mạnh thổi từ biển vào và chúng giúp chắn bão cũng như ngăn chặn xói mòn bờ biển. Hồ nước trong bức ảnh trên được tạo ra cách đây 400.000 năm do chu kỳ lên xuống của mực nước biển. (Nguồn: ESA)
Các nông trại trồng sâm nằm xen giữa đồi núi và đất canh tác tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Người ta phủ những tấm bạt màu vàng và tím để bảo vệ cây sâm khỏi ánh nắng trực tiếp. Trung Quốc là quốc gia sản xuất nhân sâm nhiều nhất thế giới, trong khi lượng sâm tự nhiên đang ngày càng giảm. (Nguồn: NASA)
Khi mùa Đông ấm và khô nhất trong lịch sử Australia khép lại, người ta có thể thấy rõ ảnh hưởng của nhiệt độ cao và hạn hán lên vùng New South Wales. (Nguồn: NASA)
Một sự tương phản rõ rệt hiện lên ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Trong khi nửa trên là những cánh đồng xanh của Thổ Nhĩ Kỳ thì Syria trông cằn cỗi và trơ trụi do bị chiến tranh tàn phá. (Nguồn: European Space)
Bức ảnh chụp tâm bão Ophelia một ngày trước khi nó quét qua phía Tây nước Anh và Ireland vào giữa tháng 10. Mặc dù đã suy yếu nhưng cơn bão vẫn gây ra thiệt hại lớn với tốc độ gió lên đến 192km/h. (Nguồn: NASA)
Ngay cả trong thời hiện đại, không dễ gì để có thể tới được thành phố Timbuktu xa xôi huyền bí ở mép sa mạc Sahara. Hiếm khi có một chuyến bay đáp tới đây, còn thuyền bè chỉ có thể đi ngược dòng sông Niger khi mực nước dâng cao. Thông thường, người ta sẽ đi đường bộ trên những con đường đá ong được hình thành qua hàng triệu năm. (Nguồn: NASA)
Biên giới Tây Nam Brunei giáp với bang Sarawak, Malaysia cũng thể hiện sự tương phản. Trong khi mạng lưới các tuyến đường được xây trên đất Malaysia nhằm phục vụ các trang trại dầu dừa thì Brunei bảo tồn gần nguyên vẹn khu rừng của mình. (Nguồn: NASA)
Người ta có thể nhìn thấy Quảng trường Quốc gia (National Mall) ở thủ đô Washington, Mỹ trong bức ảnh trên. Toà nhà Quốc hội nằm ở phía Đông, đối diện với Đài tưởng niệm Lincoln bên phía Tây. Nhà Trắng ở ngay phía Bắc Quảng trường. Công viên Creek Rock nằm ở góc tay trái còn bên góc phải là khu nghiên cứu Patuxent và Trung tâm Phi hành vũ trụ Goddard của NASA. (Nguồn: ESA)
Ảnh chụp hồ chứa Theewaterskloof ở Nam Phi cho thấy tình trạng nguy kịch của nguồn cung cấp nước cho tỉnh Western Cape. Đây là hồ chứa lớn nhất tỉnh nhưng hiện chỉ ở mức 27% dung lượng tối đa. Việc mùa mưa đã trôi qua làm tiêu tan mọi hy vọng chấm dứt hạn hán trong năm nay. (Nguồn: NASA)
Các đốm đỏ đánh dấu hàng trăm vụ cháy ở phía Đông châu Phi. Số lượng lớn và mức độ dàn trải cho thấy các vụ cháy là do con người tạo ra để phát nương và quản lý đất canh tác. Mặc dù dùng lửa phát nương có thể bổ sung dưỡng chất cho đất trồng nhưng nó cũng làm ô nhiễm không khí. Ở phía Nam châu Phi, mùa phát nương diễn ra từ tháng 6 - 9. (Nguồn: NASA)
Những đám mây trôi bên trên đảo núi lửa Umnak, thuộc quần đảo Aleutian, bang Alaska, Mỹ. Trên đảo tràn ngập các loại dâu, đầm cỏ, những bãi cát đen và hàng đàn tuần lộc tự nhiên. Do là đảo núi lửa, Umnak cũng có nhiều suối nước nóng và ao bùn. Núi lửa Okmok trên đảo cao 1.073m trong khi đỉnh núi lửa Vsevidof cao 2.149m. (Nguồn: NASA)
Ảnh chụp băng tan tại Nam Cực, tạo nên tảng băng mang ký hiệu B-44. Sau vài tuần, tảng băng này tan thành 20 tảng băng nhỏ hơn. (Nguồn: NASA)
Hàng trăm hồ muối khoáng tạm thời, như hồ Willis và Hazlett, nằm rải trên sa mạc Great Sandy khô cằn ở miền Tây Australia. Khi nước lũ dâng cao rồi bốc hơi, chúng để lại những mỏ muối khoáng, tạo thành một lớp màu trắng óng ánh mà có thể thấy rõ từ vệ tinh. Những mảng màu nâu đỏ là các cồn cát trải dài theo hướng gió. Hiện nay, bộ tộc Pintubi sống quanh hồ muối, hình thành nên cộng đồng Kiwirrkirra. (Nguồn: ESA)
Một phần miền Bắc California, Mỹ, bị lửa tàn phá. Lửa bùng phát quanh vùng trồng nho rượu Napa Valley rồi lan nhanh do gió thổi mạnh. Tổng cộng đã có 14 đám cháy trong tháng 10, làm trụi hơn 100.000 mẫu đất. (Nguồn: ESA)
Khu công nghiệp gần Biển Chết của Israel khai thác nhiều khoáng sản như potash, bromi, magie và muối ăn. Bờ của Biển Chết là điểm thấp nhất trên cạn, sâu hơn mực nước biển 430m. Nước Biển Chết cũng mặn gấp 10 lần nước biển thông thường. (Nguồn: European Space)
Mây bao phủ bồn địa Tứ Xuyên, Trung Quốc. Những dãy núi quanh bồn địa cản các luồng gió từ Trung Á, giúp điều hoà khí hậu mùa Đông tại khu vực này. Tuy vậy, do có độ ẩm cao, bồn địa Tứ Xuyên có thể chìm trong sương mù hơn 300 ngày mỗi năm. (Nguồn: NASA)
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 đã thu hút sự chú ý lớn từ truyền thông quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trong hợp tác quốc phòng toàn cầu.