📞

Trải nghiệm lặn biển ảo trong mùa dịch

TRUNG HIẾU 10:00 | 17/04/2022
Trong bối cảnh nhiều hoạt động trên toàn cầu phải tạm dừng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trải nghiệm lặn biển ảo lại rất… đắt khách.
Nhà sinh vật biển người Mỹ Erika Woolsey (phải) và một cộng sự đang làm việc dưới biển. (Nguồn: CNN)

Là người thường xuyên bơi lặn trong lòng đại dương, nhà sinh vật biển người Mỹ Erika Woolsey đã tận mắt chứng kiến các rạn san hô và sinh vật biển bị tổn hại như thế nào do biến đổi khí hậu.

Ước tính có khoảng 25% các loài sinh vật biển phụ thuộc vào môi trường sống là các rạn san hô. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, ô nhiễm và việc đánh bắt quá mức đã làm tàn lụi một nửa số rạn san hô ở những vùng biển nước nông trên thế giới.

Hai thập kỷ thám hiểm dưới nước đã mang lại cho cô Woolsey, 36 tuổi, sự hiểu biết sâu sắc về mối đe dọa đối với các rạn san hô. Cô nói: “Tôi đã tận mắt chứng kiến rạn san hô khỏe mạnh, đầy màu sắc rực rỡ biến thành một thứ trông hoang vu như bề mặt Mặt trăng. Khi các rạn san hô bị phá hủy, cá không còn nơi trú ẩn, các động vật phụ thuộc và những cộng đồng người dựa vào các hệ sinh thái đó để kiếm sống cũng bị ảnh hưởng”.

Cảm nhận đại dương

Woolsey quyết tâm tìm cách giúp những người khác được trải nghiệm giống cô. Thông qua tổ chức phi lợi nhuận The Hydrous của chính mình, cô sử dụng công nghệ thực tế ảo, mang đại dương đến với mọi người.

Qua các buổi trải nghiệm lặn biển ảo, con người chứng kiến tác động của biến đổi khí hậu đến các đại dương trên toàn cầu, nâng cao nhận thức về những tổn hại của các rạn san hô, truyền cảm hứng để thúc đẩy những hành động bảo vệ biển.

Tại The Hydrous, ở San Francisco (Mỹ), các nhà khoa học, nhà làm phim và thợ lặn ở đây giúp du khách tham gia “nhập vai” khám phá đại dương. Du khách đeo kính thực tế ảo và có chín phút lặn ảo cùng Woolsey trên các rạn san hô ngoài khơi đảo Palau, phía Tây Thái Bình Dương, và đắm mình trong khung cảnh 360 độ dưới nước.

Những trải nghiệm này mang lại cho người tham gia cảm giác mạnh. Họ có thể bơi cùng với cá đuối, rùa biển và cá mập, đến xem các rạn san hô đang bị suy thoái. Người tham gia trải nghiệm cảm thấy mình là một phần của thế giới đại dương, hòa vào thế giới đó. Công nghệ thực tế ảo đẩy cảm giác này “thật” hơn nữa nhờ tác động lên các giác quan khác, thậm chí cón thể sờ và cảm nhận chúng như thật.

“Ngay sau khi tháo kính thực tế ảo, mọi người sẽ muốn kể cho tôi nghe trải nghiệm trong đại dương của riêng mình”, Woolsey nói. “Chính sự kết nối của con người với đại dương sẽ giải quyết các vấn đề về đại dương của chúng ta”.

Thông điệp hy vọng

Bộ phim do nhóm Hydrous sản xuất mang tên Immerse (Đắm mình) về bảo vệ đại dương và các rạn san hô đã được công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim Quốc tế về Đại dương vào năm 2019 và đã giành được nhiều giải thưởng. Woolsey cũng là người đã dẫn đầu các sự kiện lặn ảo được truyền hình trực tiếp, hướng dẫn 450 người tham gia lặn ảo tại Nhà hát thực tế ảo địa lý quốc gia ở Washington năm 2019.

Trong hai năm 2020-2021, trong bối cảnh nhiều hoạt động trên toàn cầu phải tạm dừng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì trải nghiệm lặn ảo lại rất… đắt khách.

Kể từ tháng 6/2020 đến nay, gần 1 triệu người, từ 8-90 tuổi, đã tham gia trải nghiệm. Với Woolsey, đây là “công cụ để dịch chuyển tức thời” rất cần thiết và thú vị trong bối cảnh nhiều người bị hạn chế ra khỏi nhà. Woolsey cho rằng: “Những lần lặn giúp kết nối nhiều hơn giữa con người với môi trường tự nhiên”.

Nhóm của Woolsey hiện đang phát triển ứng dụng cho người tham gia vào vai một nhà sinh vật biển, theo dõi và giám sát cá đuối, tiến hành khảo sát đa dạng sinh học dưới nước và thậm chí đưa người “bay lên không gian” để theo dõi bề mặt đại dương. Woolsey hy vọng, những tiến bộ trong công nghệ máy ảnh sẽ cho phép nhóm của cô đưa ngày càng nhiều người đến những ngóc ngách của đại dương, hay những nơi chưa được khám phá và cả những nơi cách rất xa nền văn minh nhân loại. Từ đó, con người có thể tìm ra cách phục hồi thiên nhiên bị tổn hại.

“Kết thúc mỗi buổi lặn biển ảo, từ bên trong mỗi người sẽ nổi lên một thông điệp về niềm hy vọng”, theo Woolsey.

Công nghệ thực tế ảo 3 chiều (VR3D)

Thực tế ảo, tên tiếng Anh là Virtual Reality (viết tắt là VR) là công nghệ giúp con người có thể cảm nhận không gian mô phỏng một cách chân thực hơn nhờ vào một loại kính nhìn ba chiều (kính thực tế ảo). Môi trường 3D này được tạo ra và điều khiển bởi một hệ thống máy tính cấu hình cao.

Người sử dụng thiết bị thực tế ảo có thể nhìn xung quanh thế giới nhân tạo, di chuyển xung quanh và tương tác với các tính năng hoặc vật thể ảo.

Không chỉ đơn thuần hiển thị hình ảnh 3D, một số hệ thống VR còn cho phép mô phỏng âm thanh và mùi khá chân thực.

Các ứng dụng của thực tế ảo có thể bao gồm giải trí (tức là chơi game) và mục đích giáo dục.

(tổng hợp)